25/02/2018 - 08:47

Vững vàng y tế tuyến đầu
Bài 1: Nền tảng y tế tuyến đầu 

Bác Hồ từng nói: “Mỗi một người dân yếu ớt là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Để dân cường, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu với tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh do hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là mạng lưới trạm y tế đảm đương trọng trách. Hiện nay, với 65% dân số sống ở khu vực nông thôn, trạm y tế đóng vai trò rất quan trọng cho việc tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương, giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cao, giảm chi phí điều trị, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.

Bài 1: Nền tảng y tế tuyến đầu

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới xác định y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Thời gian qua, Sở Y tế TP Cần Thơ cùng với chính quyền địa phương không ngừng quan tâm, đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở nói chung, mạng lưới trạm y tế nói riêng, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương cũng như thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Từ trạm y tế tới bác sĩ gia đình

Hiện nay, tất cả 85 trạm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ đều được công nhận đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Các trạm đều có trụ sở hoạt động khang trang, trang thiết bị từng năm được đầu tư bổ sung; đặc biệt, hầu hết các trạm y tế đều có bác sĩ, nữ hộ sinh, dược sĩ, cán bộ y học cổ truyền.

Trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân tại cộng đồng. Ảnh: THU SƯƠNG

Trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân tại cộng đồng. Ảnh: THU SƯƠNG

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, xây dựng trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Sở Y tế TP Cần Thơ đã triển khai thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở 18 trạm. Tính đến nay, toàn ngành có 79 bác sĩ y học gia đình, chủ động chuẩn bị cho bước phát triển tất yếu của hệ thống y tế tuyến đầu. Bên cạnh đó là hệ thống chân rết 630 tổ y tế bao phủ khắp các ấp, khu vực đang hoạt động và hơn 2.000 cộng tác viên y tế tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương.

Ở nông thôn, người cao tuổi mắc các bệnh lý mãn tính thường xuyên đau nhức khi trái gió trở trời trong khi việc đi lại khó khăn nên sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ trạm y tế là điều hết sức cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng Trạm y tế Trường Long (huyện Phong Điền), cho biết ông có thể kể rành rọt tên các bệnh nhân thân quen ở nhiều nơi trong số 20 ấp của xã. Như bệnh nhân Lư Thị Mạnh, ở ấp Trường Thọ 1, mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp và bệnh viêm phế quản mãn tính, thường xuyên nhờ bác sĩ Sang đến tận nhà khám và điều trị bệnh. Tin tưởng, cụ Mạnh tiếp tục giới thiệu cho các cụ Nguyễn Thị Sáu (78 tuổi, ở ấp Trường Thuận), Đặng Thị Hai (81 tuổi, ở ấp Trường Hưng, xã Trường Long A, tỉnh Hậu Giang) và nhiều người  khác tìm đến bác sĩ Sang để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Hiệu quả thông tuyến

Thực tế hiện nay, bình quân mỗi trạm y tế đón từ 10 đến 50 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh/ngày. So với tổng số lượt khám chữa bệnh của cả hệ thống, tỷ lệ khám, chữa bệnh tại tuyến xã chiếm từ 20 - 40%, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Từ khi thông tuyến bảo hiểm y tế, người bệnh được quyền lựa chọn các đơn vị khám chữa bệnh, tạo sự chuyển biến của mạng lưới trạm y tế về năng lực chuyên môn và cung cách phục vụ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm y tế Vĩnh Bình, thăm khám cho người bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm y tế Vĩnh Bình, thăm khám cho người bệnh. Ảnh: THU SƯƠNG

Bác sĩ Nguyễn Văn Sang, Trưởng Trạm y tế Trường Long cho biết, trước đây trạm chỉ tiếp nhận khoảng 600 lượt bệnh/tháng; sau khi thông tuyến, tăng lên khoảng 1.000 lượt bệnh/tháng. Trạm y tế Phú Thứ (quận Cái Răng) cũng thu hút đông bệnh nhân, với khoảng 1.500 lượt bệnh/tháng. Trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn sẽ giúp người dân phát hiện bệnh sớm; các loại bệnh bệnh nặng được, kịp thời chuyển lên tuyến trên theo đúng chuyên khoa, tránh được nguy cơ đe dọa tính mạng.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Trạm y tế Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh) kể, sáng một ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, ông N.V.L (65 tuổi) đến Trạm y tế Vĩnh Bình với triệu chứng đau bụng suốt nhiều ngày qua, nghi là đau bao tử. Ghi nhận triệu chứng người bệnh, bác sĩ Lâm nghi ngờ một bệnh lý khác, chỉ định bệnh nhân siêu âm, xác định những cơn đau của bệnh nhân do bị viêm túi mật cấp, nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng, phải nhanh chóng chuyển lên tuyến trên điều trị. Cũng trong buổi sáng đó, một bệnh nhân bị túi phình động mạch cũng được bác sĩ Lâm chẩn đoán và chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.

Trạm y tế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Vì vậy, bác sĩ ở trạm y tế ngoài quan tâm đến bệnh, còn phải lưu ý lối sinh hoạt và môi trường sống của người bệnh bởi đây là những yếu tố liên quan có tác động đến hiệu quả điều trị bệnh. Xã Trường Long thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống bệnh sốt xuất huyết với cách làm, khi đến cộng đồng, bác sĩ giải thích vì sao hiện nay bệnh này lại thường bùng phát thành dịch, trong khi bệnh chưa có thuốc đặc trị và có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không thành công. Do đó, quan trọng hơn cả là việc phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, tránh để mũi đốt. Cán bộ y tế phải hiểu tâm lý người dân, đi từ việc động viên, khuyến khích những việc họ làm được rồi mới nói những mặt chưa tốt để họ khắc phục, đồng tình. Những cách tuyên truyền đó thuyết phục người bệnh tin tưởng và làm theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Thời gian qua, chính quyền các cấp và ngành y tế thành phố chung tay đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, góp phần phát huy tối đa vai trò, nhiệm vụ của các trạm y tế, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương, đồng nghĩa giảm gánh nặng ngân sách trong lĩnh vực y tế. Mặt khác, hệ thống trạm y tế đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vận động mọi người tự giải quyết vấn đề sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tổ chức, giám sát và phát hiện, điều tra, xử lý những ca bệnh đầu tiên, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh lớn.

THU SƯƠNG

(Còn tiếp)

Bài 2: Vẫn còn nhiều bất cập

Chia sẻ bài viết