10/02/2018 - 16:57

Vững vàng trên biển đảo Tây nam
Bài cuối: Ấm tình Quân - Dân 

Không chỉ sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn, thử thách ở nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ (CBCS)  ở các đảo phía Tây Nam Tổ quốc còn xây đắp nên “lũy thành” vững chắc của tình Quân - Dân. Đó là chuyện mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển; chuyện người chiến sĩ hải quân xây dựng hũ gạo tình thương, hỗ trợ bà con trên đảo phòng, chống bão… Tình Quân - Dân gắn bó keo sơn như cá với nước là nền tảng quan trọng xây dựng và củng cố thế trận phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo…

Nghĩa tình người lính

Nằm giữa lưng chừng núi, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng đọc chữ vang vang của học sinh. Đó là lớp học tình thương do Đồn Biên phòng 704 (đóng ở đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), mở từ năm 2009 đến nay. Cách đây 4 năm, tôi có dịp đến thăm lớp học. Khi ấy, lớp học được xây dựng tạm bợ bằng lá, nền đất; các lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 đều sử dụng một bảng đen. Còn bây giờ, nhờ sự quan tâm của bà con đất liền, lớp học khang trang hơn, mái tôn, nền xi măng, nhưng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn. Không gian lớp học vỏn vẹn hơn 20m2, nhưng có đến 3-4 nhóm lớp, từ lớp 1 đến lớp 7, với 22 trẻ theo học từ sáng thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội vận động quần chúng- Đồn Biên phòng 704 (cũng là thầy giáo trên đảo), chia sẻ: “Cư dân trên đảo nghèo lắm, sống bằng nghề đánh bắt hải sản nên không có điều kiện cho con em đi học. Anh em trong đơn vị bàn với nhau đi trực tiếp đến từng nhà vận động bà con cho con em đi học”. Năm 1995, ban đầu, CBCS tổ chức dạy chữ cho 4-5 trẻ vì dân số ở đảo còn ít, đến năm 2009, số trẻ tăng lên nên đơn vị tổ chức thành lớp học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa quan tâm chuyện học hành của con em nên CBCS phải đến tận gia đình vận động, tuyên truyền. Những ngày mưa gió, các anh thay phiên nhau đến tận nhà đón các em ra lớp, dạy xong lại đưa về. Từ lớp học này, nhiều em biết đọc, biết viết, một số em có điều kiện được vào đất liền tiếp tục học cao hơn.

Thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, nhiều năm qua, tình nguyện dạy chữ cho trẻ em ở Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Q. THÁI

Theo ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản khóm 1 (đảo Hòn Chuối), đảo nằm cách cửa biển Sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) 18 hải lý về phía Tây, với diện tích khoảng 70ha. Trên đảo có 54 hộ dân, với 177 nhân khẩu (trong đó có 8 hộ người dân tộc Khmer). Cuộc sống của các em phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, có thể nay đây mai đó nên việc học cũng gián đoạn. “Cũng nhờ có những người lính quân hàm xanh mà trẻ em trên đảo biết chữ, biết lễ nghĩa, biết lịch sử quê hương, đất nước” – ông Phương tâm sự. Hoàn cảnh 2 anh em: Kim Anh Khôi (11 tuổi, đang học lớp 3) và Kim Hồng Anh (12 tuổi, đang học lớp 4) rất khó khăn, cha mẹ sống bằng nghề đánh bắt hải sản, sáng sớm, 2 anh em phải leo từ dưới bãi lên lớp học. Hồng Anh chia sẻ: “Em muốn vào đất liền đi học tiếp, để sau này trở thành cô giáo”. Cũng từ những ước mơ của học trò mà “thầy giáo” Trần Bình Phục tiếp tục duy trì lớp học. “Điều đáng quý là bà con ở đất liền luôn hướng về biển, đảo. Hằng năm, nhiều nhà hảo tâm đều gửi tập sách, dụng cụ học tập, quần áo mới, giúp các em có điều kiện học tốt hơn” – Thượng úy Trần Bình Phục cho biết.

Ở Hòn Chuối, chúng tôi còn nghe nhiều chuyện nghĩa tình của người lính biên phòng. Đó là chuyện về một tàu đánh cá bị phá nước, chìm giữa đêm khiến 6 người trên tàu trôi dạt, được bộ đội biên phòng kịp thời cứu vớt vào cuối tháng 1 vừa qua; chuyện giúp ngư dân bảo vệ bè cá khi có tin bão, kịp thời cấp cứu ngư dân bị bệnh hoặc gặp nạn khi đánh bắt cá. Ngày Tết, CBCS còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm để ngư dân vui Xuân đón Tết.  

Thắm tình cá - nước

Quần đảo Nam Du (thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) gồm 21 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó Trạm ra-đa 600 thuộc Tiểu đoàn 551 đóng trên đồi cao 309m thuộc địa bàn xã An Sơn, huyện Kiên Hải. Với diện tích hơn 779ha, xã được chia thành 3 ấp, hơn 1.000 hộ với 4.000 nhân khẩu. Đa số bà con sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thời tiết trên đảo khắc nghiệt: mùa khô trời nắng nóng, khô hạn, thiếu nước sinh hoạt; mùa mưa thì ẩm ướt, sấm sét, sương mù. Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua, CBCS Trạm ra-đa 600 còn thực hiện tốt công tác dân vận. Theo Đại úy Đinh Văn Phong, Trạm trưởng Trạm ra-đa 600, mỗi năm, CBCS thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương”, đóng góp gần 200kg gạo giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, nhận hỗ trợ 1 địa chỉ tình thương, hỗ trợ 1 gia đình thuộc diện hộ nghèo, với mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, cùng nhiều hoạt động chăm lo học sinh nghèo...

Đáp lại tình cảm của nhân dân đất liền, CBCS Đại đội 84, Tiểu đoàn PPK 553 (đóng ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), thi đua huấn luyện tốt, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Q. THÁI

Hay như ở Trạm ra-đa 625 đóng trên đảo Hòn Đốc (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Thực hiện mô hình dân vận khéo “Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương”, năm 2017, các anh đã ủng hộ 240kg gạo cho 1 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo ở ấp Hòn Tre, phối hợp với đoàn viên, thanh niên và các lực lượng đóng quân trên đảo ra quân vệ sinh bờ biển; đóng góp 2 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo, giúp dân phòng chống bão… Anh Nguyễn Văn Hậu, ngư dân trên đảo, không giấu được cảm xúc khi nhắc về chuyện CBCS giúp gia đình anh chằng chống nhà cửa, kéo tàu vào bờ để tránh bão số 16 vừa qua. Anh Hậu kể: “Trong những ngày phòng chống bão, CBCS các lực lượng đóng trên đảo còn tận tình hỗ trợ từ nơi ăn, nghỉ đến chăm sóc sức khỏe, bà con đều phấn khởi”. 

Hướng về biển, đảo quê hương, thời gian qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đất liền đã có nhiều hoạt động thiết thực. Có người góp tiền, có người gửi quà, đưa pin mặt trời, động cơ gió, bình trữ nước ra đảo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các chiến sĩ. Thượng úy Nguyễn Như Quý, Chính trị viên Trạm ra-đa 610 (đóng trên đảo Thổ Chu), dẫn tôi tham quan hệ thống nhà lưới với đủ loại rau màu đang phát triển tươi tốt. Anh nói: “Đây là phần quà do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh gửi tặng”. Từ ngày có nhà lưới, anh em hăng hái trồng nhiều loại rau gia vị, nhờ vậy cải thiện chất lượng bữa ăn. Mấy năm nay, nhiều đoàn cán bộ từ đất liền ra đảo tập huấn, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp CBCS tăng gia sản xuất hiệu quả hơn.

Đáp lại tình cảm của nhân dân đất liền, trên trận địa, CBCS các đơn vị ra sức huấn luyện, chủ động, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên cho hậu phương. Thiếu tá Trịnh Quang Trung, Chính trị viên Tiểu đoàn PPK 553 (đóng ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tâm sự rằng, trong khi cả nước rộn ràng đón Tết, thì CBCS Tiểu đoàn luôn túc trực, sẵn sàng chiến đấu bởi đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ hải quân, khu hành chính – kinh tế trên đảo Phú Quốc. Hôm Đoàn cán bộ các tỉnh, thành phía Nam đến giao lưu, tặng quà, CBCS Đại hội 84 đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu khi gặp tình huống bất ngờ. Giữa thao trường, nắng chói chang, trung sĩ Trần Trúc Khang (quê ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) thuần thục ở từng thao tác, hô khẩu lệnh, nạp đạn, điều khiển pháo phòng không theo phương án tác chiến. Nước da đen sạm, mặn mòi, chàng trung sĩ hăng say tập luyện với ước mơ trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Khang chia sẻ: “Gia đình và quê hương ở xa, những ngày Tết mình cũng mong được sum vầy cùng gia đình, nhưng  ý thức rõ nhiệm vụ của đơn vị và trách nhiệm của bản thân, mình luôn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao...”.

***

Chuyến hải trình đến thăm CBCS ở các đảo phía Tây Nam tuy chỉ có 7 ngày nhưng phần nào giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống vất vả, thiếu thốn của những người lính biển. Và dù thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, nhưng bằng ý chí kiên cường, sự chủ động, sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời, những người lính biển đã vượt qua mọi gian khó, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng nơi cực nam Tổ quốc.

HỒ THÁI

Chia sẻ bài viết