10/02/2018 - 09:48

Vững vàng trên biển đảo Tây nam
Bài 2: Những người lính ra-đa 

Hầu hết các trạm ra-đa đều đặt trên các đỉnh núi ở các đảo nên điều kiện làm việc, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Chuyện thiếu nước ngọt, thiếu điện thường xảy ra vào mùa khô; đường lên núi cheo leo, hiểm trở là thử thách hằng ngày mà cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ra-đa phải đối mặt. Khó khăn là vậy, song mỗi CBCS luôn nêu cao tinh thần vượt khó, hằng ngày đều tuần tra, canh gác, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữ vững “cánh” sóng ra-đa

Ban Chỉ huy Trạm ra-đa 625 (đóng ở đảo Hòn Đốc, tỉnh Kiên Giang) báo cáo tình hình công tác với Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: Q.THÁI

Trạm ra-đa 595 đóng ở đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có độ cao 318m so với mực nước biển. Chúng tôi phải leo khoảng 1 giờ, vượt qua đoạn đường gồ ghề, đầy đá vôi to và những con dốc với đoạn đường dài gần 4km mới đến nơi. Thế nhưng, con đường này lại vô cùng thân thuộc với các chiến sĩ ra-đa khi hằng ngày vẫn phải xuống bãi để làm nhiệm vụ, giúp ngư dân và thậm chí là chở nước khi mùa khô kéo dài. Theo Đại úy Hoàng Huy Hùng, Trưởng Trạm ra-đa 595, điều kiện sinh hoạt của đơn vị còn nhiều khó khăn: đóng quân trên đồi cao, đường sá đi lại trở ngại. Thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt. Mùa mưa thường xảy ra giông sét. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, đảo thiếu nước ngọt nên mỗi khi mùa mưa đến, đơn vị phải trữ nước và việc sử dụng nước cũng rất tiết kiệm. Khó khăn là vậy nhưng CBCS san sẻ, giúp đỡ nhau; phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Đồn Biên phòng và Trạm Hải đăng tích cực tham gia phòng chống cứu nạn, cháy rừng… Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn đơn vị và khu vực đóng quân. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ đó, tinh thần đồng đội càng được nâng cao, anh em gắn bó với đơn vị và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Đại úy Hùng, đảo Hòn Khoai có vị trí quan trọng về chiến lược, cách đất liền gần 10 hải lý, diện tích khoảng 4,8km2, gồm các đảo: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương và có đường hàng hải quốc tế đi qua. Ban Chỉ huy trạm luôn chú trọng giáo dục truyền thống gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, giúp cán bộ, chiến sĩ kiên định mục tiêu, lý tưởng sống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đến thăm Trạm ra-đa 595 vào giữa trưa, các CBCS vẫn mải miết làm việc. Đại úy Nguyễn Thọ Trường (quê ở tỉnh Thái Bình) là một trong những trắc thủ kỳ cựu của Trạm ra-đa 595 này. Hơn 10 năm công tác tại trạm, có hơn phân nửa thời gian anh trực sẵn sàng chiến đấu ở đảo. Anh có vợ và 2 con, con trai lớn năm nay học lớp 12, còn con gái út mới lên lớp 3. “Xa nhà, xa quê hương, không ít lần tôi cũng chạnh lòng nhớ nhà. Nhưng đối với những người chiến sĩ radar, vùng biển, vùng trời Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm nên chúng tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”– anh Trường tâm sự.

Tháng 9-2017, sau khi tốt nghiệp ngành Ra-đa phòng không, Học viện Phòng không – Không quân, Thiếu úy Trần Đình Khoa, Trạm phó Trạm ra-đa 595 (quê ở tỉnh Nghệ An), nhận công tác tại trạm cho đến nay. Theo anh, khó khăn nhất đối với các chiến sĩ vẫn là đường đi và thiếu nước. Tất cả các loại nước rửa rau, vo gạo,… đều được tận dụng để tưới rau, tiết kiệm từng giọt nước. Có những năm mùa khô kéo dài, anh em phải đi bộ xuống núi, vượt đường rừng để vận chuyển nước ngọt từ bãi lên đồi để tích trữ. “Để có cuộc sống hòa bình như hôm nay, thế hệ cha ông đã phải hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Vì vậy, mình còn trẻ, cần phải trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ thành quả cách mạng” – Khoa tâm sự.

Tết năm nay, Khoa được phân công trực sẵn sàng chiến đấu. Để đồng đội vui xuân, anh cũng tất bật trang hoàng phòng hội họp, chuẩn bị kế hoạch tổ chức các trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ. Biết anh vì nhiệm vụ phải ở lại trực, anh em đơn vị hết lời động viên, an ủi. Tình đồng chí – đồng đội khiến anh quên đi nỗi nhớ nhà, tiếp tục giữ vững “cánh” sóng ra-đa, kịp thời phát hiện những tình huống bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Cảnh giác vùng trời, vùng biển

Cung đường quanh co qua nhiều con dốc từ cầu cảng Hòn Đốc lên đến Trạm ra-đa 625 (đóng ở đảo Hòn Đốc, xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), lẫn trong bạt ngàn cây xanh. Càng lên cao, không khí mát mẻ khiến chúng tôi như vơi đi mệt mỏi. Trạm đóng trên đỉnh, nhoài mình ra phía biển nên gió thổi ràn rạt. Từ đây có thể quan sát các đảo thuộc quần đảo Hòn Đốc (hay còn gọi là quần đảo Hải Tặc), càng thấy biển, đảo quê hương vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ. Trung úy Nguyễn Đức Hùng (26 tuổi, quê ở Thái Bình) tâm sự rằng hơn 2 năm công tác ở Trạm ra-đa 625, anh đã xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. 

Đại úy Nguyễn Thọ Trường (quê ở Thái Bình) là một trong những trắc thủ kỳ cựu ở Trạm ra-đa 595 (đóng ở Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Q. THÁI

Có cha là bộ đội phòng không, người anh thứ 2 cũng phục vụ trong lực lượng hải quân ở TP Hải Phòng, Trung úy Nguyễn Đức Hùng tiếp bước truyền thống gia đình, tham gia hải quân. “Có ra đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của người lính đảo mới thấy mỗi ngọn rau, gốc cây, mỗi công trình trên đảo đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những chiến sĩ nơi đây” – Trung úy Hùng bộc bạch. Chỉ tay về phía khu tăng gia sản xuất, anh Hùng cho biết, để xây dựng gần 200m2 nhà lưới, trồng rau sạch và chuồng nuôi heo rừng, đồng đội phải vất vả chuyển vật tư từ dưới bãi lên đồi cao hơn 81m. Chưa kể, mùa khô, trên đảo thiếu nước ngọt, CBCS phải tận dụng nước tắm giặt để tưới rau, vệ sinh chuồng trại. Ban đầu, đơn vị chỉ trồng một vài loại rau dễ chăm sóc, như: rau muống, cải bắp, còn nay có đủ các loại rau gia vị, củ cải cùng nhiều loạt vật nuôi: gà, heo rừng, dê…

2 chiến sĩ quê ở Cần Thơ, hiện đang thực hiện Nghĩa vụ Quân sự tại Trạm ra-đa 600 (đóng ở đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), vui mừng khi gặp đồng hương và được Đoàn cán bộ TP Cần Thơ thăm, chúc Tết. Ảnh: Q. THÁI

Trung úy Hùng tâm sự: “Mọi người hay ví von chúng tôi là lính hải quân… trên núi. Khi đồng đội công tác ở các hải đội lướt sóng ra khơi thì người lính ra-đa lại căng mắt dõi về phía biển, phía rừng 24/24 giờ trong ngày để quan sát mục tiêu, không được phép lơ là, mất cảnh giác, dù chỉ một giây”. Quần đảo Hòn Đốc (hay còn gọi là Quần đảo Hải Tặc) gồm 16 đảo nổi và 2 đảo chìm, với diện tích 283,3ha, cách nước bạn Campuchia 6 hải lý, cách đảo Phú Quốc 15 hải lý. Vùng biển rộng như thế nên nhiệm vụ quản lý, quan sát rất khó khăn. Những năm qua, CBCS đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời phát hiện, theo dõi và báo cáo về hoạt động của tàu, thuyền các loại xâm nhập trái phép vào vùng biển nước ta. Hoạt động thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt, nhận chuyển điện kịp thời các phiên liên lạc.

Trạm ra-đa 615 đóng ở đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) còn khó khăn hơn bởi địa hình hiểm trở, nhiều vách đá nguy hiểm. Do không có cầu cảng, chúng tôi phải di chuyển bằng tàu nhỏ của lực lượng Biên phòng. Không có bãi cát, tàu chạy vòng quanh đảo hơn nửa giờ để tìm địa điểm thuận lợi lên đảo vì sóng to, gió lớn; chỉ có 2 đường đi trên đảo nhưng cũng chỉ đường mòn, quanh co và nhiều đá tảng. Thượng úy Hoàng Văn Thuận, Chính trị viên Trạm ra-đa 615, chia sẻ: “Trạm được đặt trên đỉnh đồi với độ cao 176m so với mực nước biển, dân cư thưa thớt. Đóng quân ở đảo xa, điều kiện sinh hoạt của CBCS rất vất vả, đặc biệt việc vận chuyển hàng hóa 100% từ sức người, chủ yếu sử dụng nước mưa dự trữ. Để CBCS an tâm công tác, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng 704 và Tổ nhân dân tự quản nhằm khắc phục khó khăn, giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động tăng gia sản xuất, gia cố làm mới lại chuồng trại, trong năm 2017 đã thu hoạch được 1.700kg rau xanh và 260kg thịt, qua đó cải thiện bữa ăn cho CBCS.

***

Thăm những người lính ra-đa, càng thêm cảm phục ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó của các anh - những CBCS trên đỉnh mây bay gió vờn vẫn miệt mài bên cánh sóng ra-đa canh biển. Những việc làm thầm lặng ấy đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền, mang lại sự bình yên cho biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.

HỒ THÁI

Chia sẻ bài viết