14/04/2018 - 15:49

Vun đắp ước mơ con trẻ 

Chị Lê Quỳnh Lan (quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Lúc cả nhà đang xem ti vi, bé Lâm, con trai 4 tuổi của tôi, bất chợt nói “lớn lên con sẽ làm chú cảnh sát”. Nói rồi bé chạy vội đi tìm khẩu súng nhựa, ra vẻ bí mật như đang truy bắt tội phạm… Cả nhà đều bật cười”. Cũng như chị Lan, nhiều phụ huynh có con nhỏ cũng nhiều phen bất ngờ trước những quyết định, mơ ước của con cái…

Các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm sở thích, ước mơ của con (Ảnh mang tính minh họa). 

Theo nhiều phụ huynh, cách tốt nhất để phát hiện những ý thích, ước mơ của con là quan tâm, gần gũi, trò chuyện. Chị Nguyễn Thị Huệ (quận Ninh Kiều) nói: "Trước đây, mặc dù rất quan tâm, lo lắng cho con đầy đủ nhưng tôi ít khi trò chuyện thân mật hay chia sẻ với con. Sau này, có dịp tham gia nhiều buổi hội thảo chuyên đề, tư vấn tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi dạy con, tôi áp dụng và từ đó mấy mẹ con gần gũi, chia sẻ với nhau rất nhiều, nhất là chủ đề ước mơ, tình yêu, tình bạn…". Nhờ vậy, chị Huệ phát hiện khả năng hội họa của con gái lớn và ước mơ trở thành nhà khoa học của con gái nhỏ.

Khi còn nhỏ, đa số bé trai thích trở thành siêu nhân, dũng sĩ, phi công, thủy thủ hay lái ô tô; trong khi các bé gái ước muốn làm công chúa, y tá, giáo viên hay ca sĩ… Nhiều bé không thích ngồi yên, hay leo trèo, quậy phá, hay nghịch cát bẩn, viết vẽ trên tường. Phụ huynh nên "tôn trọng" sở thích của con, tạo cơ hội để bé bộc lộ hết năng lực bản thân thông qua các hoạt động thường ngày.

Tuy nhiên, theo nhiều người, ước mơ của con trẻ thường không cố định mà nhanh chóng thay đổi theo thời gian. Chị Quỳnh Lan chia sẻ: "Lúc mới 3-4 tuổi, bé Lâm luôn miệng nói sau này lớn lên nhất định sẽ trở thành chú phi công, rồi đòi làm siêu nhân, dũng sĩ. Mấy tháng trước, thấy tôi mua giấy, màu vẽ cho chị gái, Lâm nằng nặc lớn lên làm họa sĩ và mới đây muốn làm chú cảnh sát…". Cũng theo chị Lan, nhiều khi đi làm về mệt mỏi, nghe con thỏ thẻ về ước mơ, dù mệt cách mấy, chị và chồng cũng thể hiện sự lắng nghe và khuyến khích con bày tỏ những dự định sắp tới. Từ đó, hễ mỗi lần  "thay đổi" ước mơ, bé Lâm đều chia sẻ với cả nhà.

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần quan tâm, dành nhiều thời gian để tìm hiểu và vui đùa, "làm bạn" với con. Đó là cơ hội tốt nhất để kịp thời phát hiện và vun đắp ước mơ con trẻ. Tùy độ tuổi, trình độ nhận thức, trẻ "thay đổi" ước mơ. Một số trường hợp, con trẻ ước mơ quá xa vời, không phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, gia cảnh…, cha mẹ nên phân tích thấu đáo và định hướng để con nhận thức đúng hơn về mơ ước của mình. Tuy nhiên, nhiều bé lớn lên bình thường, không ước mơ, không hoài bão rõ ràng. Thay vì lo lắng, các bậc phụ huynh nên tìm cách gợi ý, khuyến khích bé chơi trò đóng vai làm người lớn với những nghề nghiệp khác nhau, nhất là để bé ăn mặc, sử dụng những công cụ đặc trưng nghề bé thích. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ càng có nhiều điều kiện tiếp xúc, khám phá các sở thích và đam mê khác nhau, càng có cơ hội bộc lộ khả năng, sở thích của mình.

Bài, ảnh: ĐAN NHƯ

Chia sẻ bài viết