19/07/2018 - 21:07

Vun bồi tình yêu di sản 

Năm 2018 là năm thứ 11 hoạt động giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố. Việc mang đến cho học sinh những hiểu biết về di tích, di sản theo cách “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” đã khơi gợi hứng thú tìm hiểu và vun bồi tình yêu di sản cho các em.

Các em học sinh tập viết thư pháp tại Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: DUY KHÔI

Tại Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng hồi đầu tháng 7 vừa qua, hoạt động tìm hiểu nghệ thuật thư pháp và tập làm “ông đồ, bà đồ nhí” do Ban Quản lý di tích thành phố tổ chức thu hút rất đông học sinh tham gia. Hình ảnh các em xúng xính áo dài, nắn nót chữ “Cha”, chữ “Mẹ” bên nghiên mực khiến nhiều người yêu thích. Em Lâm Tú Trân, học sinh tham gia, nói: “Dù con viết chưa đẹp nhưng đây sẽ là món quà ý nghĩa con tặng cha mẹ”. Là người gắn bó với hoạt động này trong nhiều sự kiện, chương trình của thành phố, nghệ sĩ thư pháp Thiện Nhân cho rằng, cốt yếu là truyền được cho các em niềm đam mê chữ đẹp, viết những chữ ý nghĩa. Qua đó, các em biết trân quý giá trị di sản.

Năm học 2017-2018 khép lại, hàng loạt chương trình do Bảo tàng Cần Thơ và Ban Quản lý di tích thành phố tổ chức đã trở thành một phần trong ký ức của tuổi trẻ học đường. Có thể kể đến như “Một ngày làm nông dân”, “Em tập làm thuyết minh”, “Em tập làm nghệ nhân”, “Khám phá di sản”, “Tìm về di sản”… Những hoạt động này không chỉ mang tính “chơi mà học” mà còn mang giúp di sản, giá trị truyền thống đến gần với giới trẻ bằng những câu chuyện, bài học sống động, bổ ích. Điển hình như trong buổi “Giao lưu cùng nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ đã chăm chú nghe kể về một thời oanh liệt của dân tộc. Nhiều em rưng rưng khi hiểu hơn về những mất mát, hy sinh của cha ông cách đây tròn nửa thế kỷ.

Điểm mới trong công tác giáo dục truyền thống, di sản ở năm học vừa qua là các em học sinh không chỉ tiếp thu thụ động mà trở thành chủ thể của mỗi chương trình. “Em tập làm thuyết minh”, “Một ngày làm nông dân”… là những ví dụ. Ở đó, các em trở thành nông dân lội mương, bắt cá; hay trở thành thuyết minh viên Bảo tàng không kém phần chuyên nghiệp. Việc thành lập được 12 Đội Tuyên truyền di sản văn hóa trong trường học, đã giúp Bảo tàng Cần Thơ có “cánh tay nối dài” trong tuyên truyền, giáo dục di sản. Ở Thốt Nốt, Phòng truyền thống quận đã gầy dựng được 4 đội tuyên truyền văn hóa di sản trong học đường ở 4 trường THCS và THPT. Mỗi đội gồm 1 giáo viên, 1 tổng phụ trách (hoặc Bí thư Đoàn trường) và 2 học sinh. Chính lực lượng này đã góp phần tổ chức nhiều chương trình tìm hiểu về lịch sử văn hóa Cần Thơ, Thốt Nốt. 

Ý nghĩa lớn hơn từ những chương trình này là giúp các em vun bồi tình yêu quê hương đất nước, rèn luyện kỹ năng sống. Cô Nguyễn Thị Bính, giáo viên Tổng Phụ trách Trường THCS Thới Thuận (quận Thốt Nốt), dẫn chứng: Thông qua hoạt động phối hợp giữa nhà trường và Bảo tàng thành phố, trường đã gặt hái kết quả ấn tượng trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Cụ thể, tỷ lệ học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá, tốt tăng đáng kể, số học sinh có hạnh kiểm yếu giảm rõ rệt. Còn cô Nguyễn Thụy Nhã Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ninh Kiều) thông tin: Với các hoạt động phong phú như “Tập làm hướng dẫn viên du lịch”, “Tập làm thuyết minh Bảo tàng”… các em biết sử dụng tư liệu, hình ảnh kết hợp thơ và âm nhạc một cách khoa học, diễn đạt rõ ràng, lưu loát, phong cách chững chạc. Các em trong Đội Tuyên truyền di sản văn hóa trong trường học đã thể hiện sâu sắc phần trình bày và mang tính thuyết phục cao trong những buổi tuyên truyền dưới cờ, giờ ra chơi…

Những hiệu quả ấn tượng này đã mở ra hướng đi mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trên địa bàn thành phố; giúp trao truyền những giá trị nhân văn cho thế hệ trẻ. Trong bối cảnh dư luận đau đầu về tình trạng dạy và học Sử trong nhà trường, trẻ em thiếu kỹ năng sống, những hoạt động phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa thành phố vừa qua là cách tháo gỡ những cản ngại ấy. Để rồi, điều cốt lõi sau mỗi chương trình kết thúc là các em hiểu biết nhiều hơn về lịch sử địa phương, ngày càng yêu quý quê hương, đất nước mình hơn.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết