18/02/2018 - 22:19

Vui sống trăm năm... 

Ngày Tết, mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, đặc biệt các vị cao niên thường nhận được lời chúc “sống lâu trăm tuổi”. “Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc” là ước muốn chính đáng của mỗi con người. Câu chuyện của những cụ ông, cụ bà đón hơn trăm mùa xuân là những thông điệp vui mà chúng tôi muốn gửi đến những người cao tuổi và các gia đình nhân dịp năm mới.

* Nêu gương cần cù, đức độ

Nhà cụ Lương Muối (103 tuổi) nằm trong con hẻm tráng nhựa khang trang, sạch đẹp ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ngôi nhà cụ Muối vừa được tu sửa khang trang, ngời sáng trong  nắng xuân. Xoa hai bàn tay da nhăn nheo, cụ Muối cho biết căn nhà này gắn liền với bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời cụ. 23 tuổi, cụ Muối lấy chồng, bươn chải mưu sinh bằng nhiều nghề. Trong đó, có nhiều năm làm quần quật cả ngày ở lò gạch, hay những năm tháng oằn vai với gánh tàu hủ, xôi đậu, lội khắp các ngả đường...

Cụ Lương Muối mạnh khỏe, hạnh phúc trong tình yêu thương của con cháu.

Cụ Lương Muối mạnh khỏe, hạnh phúc trong tình yêu thương của con cháu.

Dành dụm được một số tiền và mượn thêm của người quen, cụ Muối mua miếng đất nhỏ, mua tôn, lá cất tạm căn nhà nhỏ che mưa, che nắng. Ổn định rồi, cụ tập tành theo chị em bạn đi buôn bán, trao đổi hàng hóa ở Biên Hòa, Sài Gòn. Mỗi chuyến đi phải thức khuya dậy sớm, vất vả theo xe đò, ăn uống kham khổ. Để có thêm đồng lời, cụ Muối lội bộ bổ hàng từ chợ này sang chợ khác, tự khiêng, chất hàng hóa. Cụ Muối không biết chữ nhưng tính nhẩm thì bạn hàng khó ai bì. Cụ Muối kể: “Bà sinh 7 lần nhưng chỉ nuôi được 3 đứa. Ông dở ẹt hà, bà hổng giỏi thì làm sao nuôi con ăn học, cất nhà cửa chớ. Sau này, bà mất 2 người con nữa, giờ chỉ còn gia đình con trai út hủ hỉ với bà”. Nhớ về những vất vả thời trẻ, cụ tâm sự: nhiều hôm về đến nhà đã tối mịt, mệt rã rời, nhưng thấy các con thức chờ cửa thì quên hết mệt nhọc. Sau khi hỏi han chuyện học hành của các con, sắp xếp việc nhà, người mẹ ấy chỉ ngả lưng được vài giờ, rồi sáng sớm lại bắt xe đò đi tiếp. Trìu mến nhìn mẹ, chú Đại Giang (65 tuổi), người con út luôn kề cận chăm sóc cụ Muối, kể với giọng đầy yêu thương: “Mẹ là trụ cột, quán xuyến mọi chuyện trong ngoài chu đáo. Mẹ muốn các con tự lực, không nhờ cậy, dựa dẫm người khác. Khi các con khôn lớn, mẹ vẫn buôn bán tới 85 tuổi mới chịu nghỉ ngơi. Lúc cha tôi lâm bệnh qua đời (thọ 90 tuổi), mẹ dù rất đau buồn nhưng vẫn tỏ ra vững vàng để các con đừng lo lắng...”. Tuổi cao nhưng cụ Muối vẫn thích tự mình lo liệu mọi thứ để các con an tâm làm ăn. Dưới sự nuôi dạy, giáo dục của cụ, các cháu nội, ngoại đều chăm ngoan và siêng năng. Điều khiến cụ hài lòng hơn cả là hơn 70 năm về ở xóm nhỏ nầy, cụ sống chan hòa với mọi người, không làm mích lòng ai.

Không khí đầm ấm trong căn nhà cụ Muối khiến tôi nhớ đến tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của cụ Đường Thành (104 tuổi), ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Bên tách trà ngày xuân ấm áp, con cháu tề tựu đông vui, các thành viên trong gia đình thi nhau kể những mẩu chuyện thú vị về người ông đáng kính. Hơn 80 năm trước, có người thanh niên tên Đường Thành đến xóm nhỏ này xin làm thợ phụ cho trại đóng ghe để trau dồi nghề, lúc rảnh đi bốc vác cho các nhà máy, chành lúa để kiếm sống. Sự siêng năng, thiệt thà, chịu khó học hỏi của chàng trai khiến chủ trại ghe rất quý mến, dốc sức truyền nghề. Cảm động trước tấm lòng của chủ, Đường Thành quyết định chọn nơi này làm quê hương, lập gia đình, sinh con, tạo dựng sự nghiệp, khuếch trương Trại ghe xuồng Vĩnh Thành Hưng. Trại ghe xuồng nổi tiếng sản xuất vật dụng mộc sắc sảo, bền đẹp, giá cả phải chăng, lại luôn giữ chữ tín nên việc kinh doanh thuận lợi, phát đạt. Không chỉ truyền nghề cho các con trai, cụ Thành còn thu nhận, dạy nghề mộc cho nhiều thanh niên. Trong 7 người con của cụ Thành, có 2 người nối nghiệp cha, đang kinh doanh đồ gỗ. Chú Đường Vĩnh Cường (74 tuổi), con trai lớn của cụ Thành, tự hào kể: “Cha mẹ tôi một đời cần lao, tích cóp, tạo dựng cơ ngơi này. Điều cha tôi tâm đắc nhất là nghề mộc không thất truyền và con cháu nên người, học hành đỗ đạt, biết quý trọng đồng tiền từ sức lao động...”.

* Sống khỏe mạnh, an nhiên

Điều khiến nhiều người ngưỡng mộ gia đình của cụ Lương Muối và cụ Đường Thành là các con, cháu đều rất mực hiếu kính, luôn tự hào, hãnh diện về các cụ. Các thành viên trong gia đình luôn chăm sóc các cụ chu đáo, xem việc có cha, mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi là phước phần, là “báu vật” trong nhà. Cô Thu Nguyện, con dâu cụ Muối, cho biết: “Mẹ dễ ăn, dễ ngủ nhưng phải đúng bữa, đúng giờ. Khi ăn uống, mẹ nhai chậm, kỹ, không cần chế biến cầu kỳ hay đắt tiền, chỉ cần không mặn hay ngọt quá. Mẹ ít bệnh vặt, ít sử dụng thuốc. Mấy năm gần đây, đề phòng bệnh huyết áp, tim mạch, định kỳ hằng tháng, gia đình đều đưa mẹ đi kiểm tra sức khỏe. Mẹ rất “hạp” thuốc bảo hiểm y tế, huyết áp ổn định...”.

Mỗi ngày, cụ Đường Thành (104 tuổi) sống vui vẻ, khỏe mạnh bên con cháu.

Mỗi ngày, cụ Đường Thành (104 tuổi) sống vui vẻ, khỏe mạnh bên con cháu.

Các cháu nội của cụ Muối dù đi làm hay lập gia đình ở xa, vẫn thường về thăm nhà và mua yến mạch, nhân sâm để nội và cha mẹ bồi bổ sức khỏe. Cụ Lương Muối cười móm mém “khoe” rằng, cháu nội Đại Như Nguyện (con út anh Đại Giang, đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh) vừa lấy chồng ở tuổi 33 nên cụ vui lắm. Hôm cháu nội xuất giá, cụ “diện” áo gấm thật đẹp, vui mừng rơi nước mắt. Cụ nói: “Bà an tâm khi các cháu ổn định việc làm, yên bề gia thất. Xem như công sức bảo ban, dạy dỗ của bà bao năm hổng uổng phí”. Cụ Muối cho biết cụ thích gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi mọi người trong xóm, điều đó làm cho cụ cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh...

Những người sống cùng khu phố với cụ Đường Thành đã quen với hình ảnh cụ  giản dị, thong thả cầm chổi quét sân hay tập vài động tác nhẹ nhàng rèn luyện sức khỏe lúc sáng sớm và chiều mát. Cụ Thành luôn hòa nhã, thân thiện với bà con xung quanh. Mấy mươi năm qua, cụ Thành giữ nguyên nền nếp sinh hoạt thời trai trẻ: không rượu, cà phê, thuốc lá; ăn uống điều độ, không ăn quà vặt, ngủ nghỉ đúng giờ. Chú Cường cho biết thêm: “Dù lúc cuộc sống còn khó khăn, phải làm việc đầu tắt mặt tối, hay sau này khấm khá, cha tôi vẫn giữ nếp sống giản dị, tiết kiệm, điều độ. Cha tôi không cho phép bản thân hay con cháu thỏa mãn với mọi việc, tiêu xài phung phí. Đối với các con, cha vừa nghiêm khắc, vừa bao dung và là tấm gương để răn dạy các cháu nội, ngoại”. Theo chú Cường, chính sự hiếu thảo, chăm lo làm ăn của con cháu là động lực giúp cụ Thành sống vui, khỏe, trường thọ.

Toàn TP Cần Thơ hiện có 122 cụ từ 100 tuổi trở lên. Thời gian qua, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương có nhiều hoạt động thiết thực cho người cao tuổi như: tổ chức các câu lạc bộ dưỡng sinh, luyện tập thể dục thể thao, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn uống, phòng bệnh; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; tổ chức tham quan du lịch, họp mặt, giao lưu, chúc thọ, sinh hoạt văn nghệ... Các cấp Hội Người cao tuổi cơ sở còn củng cố, phát triển quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên 9 tỉ đồng; quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ trên 228 tỉ đồng. Đối với các cụ từ 100 tuổi trở lên, ngoài khoản trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, dịp lễ, Tết hằng năm, lãnh đạo địa phương còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà, mừng thọ...

PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết