13/03/2018 - 07:38

Vũ khí ồ ạt đổ về Trung Đông 

Chiến tranh và những căng thẳng trong khu vực đã biến Trung Đông thành "nam châm" hút vũ khí trên toàn cầu, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri) đăng trên Telegraph hôm qua 12-3.

Cụ thể, Trung Đông chiếm 32% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017, dù khu vực này chỉ chiếm 5% dân số thế giới. Vũ khí đổ về đây đã tăng 103% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Trong đó, Mỹ, Anh và Pháp là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông. Theo báo cáo, Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với doanh số toàn cầu tăng 25% trong 5 năm qua. Gần 50% vũ khí xuất khẩu của Mỹ có điểm đến là Trung Đông, nơi phần lớn các quốc gia đều liên quan đến xung đột vũ trang.

Binh sĩ Saudi Arabia bắn pháo về phía Yemen. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Saudi Arabia bắn pháo về phía Yemen. Ảnh: Reuters

Ở chiều ngược lại, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) là những nhà nhập khẩu vũ khí chủ chốt ở Trung Đông. Với số lượng vũ khí nhập khẩu tăng 225% trong 5 năm qua, Saudi Arabia là quốc gia mua sắm khí tài lớn thứ hai trên thế giới. Mỹ và Anh lần lượt chiếm 61% và 23% số lượng vũ khí nhập khẩu của nước này. Báo cáo cho biết Saudi Arabia sử dụng vũ khí nhập khẩu trong các chiến dịch quân sự lớn, nhất là cuộc chiến chống nhóm phiến quân Houthi ở Yemen.

Theo báo cáo, châu Á- châu Đại Dương là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 42% tổng số vũ khí toàn cầu trong 5 năm qua. Trong đó, Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh, với 62% khí tài mua từ Nga - quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai trên thế giới. Riêng Trung Quốc có tên trong tốp 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất lẫn tốp 5 quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Trong diễn biến khác, cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng các tên lửa hạt nhân mới được ca ngợi trong bài phát biểu hồi đầu tháng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố có thể sử dụng để tấn công Mỹ gây "thất vọng nhưng không bất ngờ" và không làm thay đổi chiến lược của Lầu Năm Góc trong việc đối phó Mát-xcơ-va. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng có đánh giá tương tự.

Tướng Mattis cho rằng ông không thấy có sự thay đổi trong sức mạnh quân sự Nga trong bài diễn thuyết của Tổng thống Putin vốn đã trình chiếu hình ảnh các tên lửa hành trình có thể tấn công các thành phố của Mỹ. Do vậy, ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không tập trung vào Nga, mà là Iran và Triều Tiên, theo báo Washington Post.

THANH BÌNH 

Chia sẻ bài viết