13/08/2017 - 10:00

Vũ khí âm thanh 

Vụ một số nhà ngoại giao Mỹ và Canada tại Cuba bị mất thính giác tuy đang được điều tra, nhưng có nhiều thông tin cho thấy nguyên nhân có thể liên quan đến các loại vũ khí âm thanh bí mật và tiên tiến. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 11-8 cho hay các nhà ngoại giao nước này ở Havana thật sự đã bị “tấn công sức khỏe”.

Hệ thống LRAD được triển khai trên tàu Hải quân Mỹ. Ảnh: Alamy

Từ đại bác âm thanh

Trích nguồn tin từ một số quan chức Mỹ, hãng tin AP cho biết thiết bị dẫn đến triệu chứng lạ ở các nhà ngoại giao phát ra âm thanh không thể nghe được. Vì vậy, đây có thể là vũ khí siêu âm (tần số cao hơn tần số tối đa mà tai người nghe thấy) hoặc vũ khí hạ âm (tần số dưới ngưỡng nghe bình thường của con người).

Nhìn chung, các loại vũ khí âm thanh có thể gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau từ chấn thương nhẹ như chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng cho đến nghiêm trọng hơn là tử vong. Ảnh hưởng này tùy thuộc vào từng loại vũ khí cũng như phạm vi tác động. Trong đó, vũ khí hạ âm đặc biệt gây ra đau đớn về mặt thể xác mà không thể phát hiện. Tuy nhiên, sóng hạ âm thường nhắm đến toàn bộ cơ thể chứ không chỉ riêng màng nhĩ như vụ việc gần đây.

Trong nhiều thập kỷ qua, người ta tin rằng từ cuối Thế chiến thứ 2, kiến trúc sư trưởng Albert Speer của trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã phát triển vũ khí tên gọi Đại bác âm thanh (Acoustic cannon).

Nguyên tắc hoạt động của loại vũ khí này dựa trên đốt hỗn hợp khí mêtan và ôxy ở áp suất cao trong buồng cộng hưởng để tạo ra âm thanh lớn. Âm thanh được dẫn đến gương phản xạ để khuếch đại sóng âm lên tần số đủ mạnh khiến đối phương mất thính giác, thậm chí có thể giết chết ai đó trong bán kính hơn 90m với thời gian chỉ 30 giây.

Tuy loại vũ khí này chưa từng được sử dụng nhưng dự án này mở đường cho việc sử dụng vũ khí âm thanh ngày nay.

Đến thiết bị âm thanh

Một trong số chương trình đáng chú ý có thể kể đến là thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD) của Mỹ. Đây là dự án do quân đội Mỹ hợp tác với tập đoàn LRAD phát triển sau vụ tàu khu trục USS Cole bị đánh bom tại Yemen.

Vụ việc xảy ra vào khoảng cuối năm 2000, USS Cole khi đó một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ thuộc lớp Arleigh Burke đã bị tổ chức khủng bố al-Qaeda tấn công bằng một vụ đánh bom tự sát, khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và con tàu bị hư hỏng nặng.

Tập đoàn LRAD sau vụ việc đã phát triển vũ khí phi sát thương có thể phát ra sóng âm khiến đối phương đau đớn, qua đó giúp các tàu chiến tránh được nguy cơ tấn công từ tàu thuyền xung quanh.

Cụ thể, trang công nghệ Gizmodo cho biết thiết bị LRAD tạo ra sóng âm chói tai với cự ly lên đến gần 9km, gây cảm giác đau đớn cho mục tiêu trong phạm vi 100m và gây thiệt hại thính giác vĩnh viễn cho bất cứ ai trong khoảng cách 15m. Một phiên bản của thiết bị còn có khả năng khiến mục tiêu đau đầu dữ dội ở cự ly 300m.

   Hiện tại, các hệ thống LRAD đang được sử dụng tại hơn 70 nước trên thế giới để kiểm soát, bảo tồn động vật hoang dã, đảm bảo an ninh biên giới, hàng hải và cảng biển. Ngoài ra, thiết bị cũng được triển khai tại các sân bay để ngăn chặn các loài chim.

Theo chuyên gia Ryan Littlefield, cũng có một số trường hợp lực lượng an ninh sử dụng vũ khí âm thanh để kiểm soát bạo động. Công nghệ này chủ yếu được áp dụng để làm gián đoạn thính giác đồng thời khiến đối tượng ói mửa, trướng bụng dữ dội và vô số triệu chứng khác.

MAI QUYÊN (Theo Time)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Vũ khí âm thanh