20/11/2017 - 21:22

VnSAT “thúc” nông dân sản xuất lúa sạch 

Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ” (VnSAT) góp phần triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Kết quả đạt được

Năm 2017, VnSAT tập trung xây dựng nhóm nông dân và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật sau tập huấn kỹ thuật; tập trung các giải pháp giảm giống gieo sạ, xây dựng mô hình cơ giới hóa; hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nâng cao năng lực sản xuất; thực hiện tốt giám sát, đánh giá để thúc đẩy phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông dân…

TP Cần Thơ đang hướng nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa.

Ban Quản lý Dự án VnSAT giải ngân vốn được 10,15 tỉ đồng trong năm 2017. Dự án tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật của hệ thống khuyến nông và bảo vệ thực vật, mở 451 lớp đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, với 21.586 lượt nông dân tham gia, diện tích 25.317 ha. Qua đó, giúp nông dân bước đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất khoảng 3,4 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất theo tập quán cũ, gia tăng lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng…

Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, năm 2017, địa phương phối hợp với Dự án VnSAT thực hiện 64 lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho 2.331 nông dân tham dự, diện tích hơn 4.494 ha. Ngoài ra, hỗ trợ cho một HTX thực hiện sản xuất lúa theo VietGAP diện tích 3 ha và xây dựng 17 điểm trình diễn gắn với các lớp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Triển khai thực hiện dự án tại địa phương được thuận lợi do nông dân đồng thuận cao, có nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa trong vùng dự án, một số công nghệ bước đầu được ứng dụng trong sản xuất (máy cấy…) tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận.

Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lợi, cho biết: Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của VnSAT, giúp nông dân HTX sản xuất lúa hàng hóa lợi nhuận sau thu hoạch từ 33,3% trở lên; tạo ra vùng nguyên liệu lúa có chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu nhất là sản phẩm sạch. Tuy nhiên, HTX còn một số khó khăn như: trạm bơm sử dụng máy bơm dầu còn thô sơ, công suất thấp, chi phí cao; kho bãi chứa lúa chưa đáp ứng yêu cầu sấy, tạm trữ. HTX kiến nghị dự án hỗ trợ đầu tư trạm bơm điện, cống đập, lò sấy và kho tạm trữ…

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, cho biết: Trong 2 năm thực hiện dự án đã đạt một số thắng lợi cơ bản, hình thành được liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân, từ đó hình thành nên các hợp tác xã đang vận hành hiệu quả. Bên cạnh đó cũng liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Kỹ năng thực hành sản xuất của người nông dân ngày càng tăng lên, năng suất và lợi nhuận ngày một cao hơn. Thành phố chuẩn bị hình thành những cánh đồng sản xuất lúa sạch, nhất là trong vụ đông xuân 2017-2018 tới đây sẽ có sự đồng hành cùng với doanh nghiệp trong đầu tư và tiêu thụ lúa sạch.

Tăng tốc dự án

Năm 2018, dự kiến có 13.660 lượt nông dân hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tăng thêm lợi nhuận trên mỗi ha sản xuất của hộ nông dân khoảng 20%. Dự án dự kiến đào tạo 311 lớp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Ngoài ra, hỗ trợ hạ tầng cho 17 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị cho 6 tổ chức nông dân, hỗ trợ thiết bị chung cho 500 ha lúa của nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mục tiêu của dự án VnSAT là giúp nông dân tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp bằng cách áp dụng những giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Thông qua các hoạt động dự án VnSAT hỗ trợ trong vấn đề cải thiện thể chế, chính sách để xây dựng được chuỗi giá trị và tái cơ cấu nông nghiệp một cách bền vững. Đây là những mục tiêu chính cần phải đạt được sau khi thành phố triển khai dự án đến năm 2020.

Các giải pháp mà ngành nông nghiệp đưa ra là tăng cường vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giúp nông dân thay đổi nhận thức sản xuất lúa theo hướng bền vững; quan tâm đầu tư hạ tầng cho nông dân, do dự án VnSAT đưa ra tiêu chí phải ít nhất 50% nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm” thì mới đầu tư. Các địa phương cần quan tâm chọn địa chỉ tập huấn và địa chỉ đầu tư, xác định ngay cả trên bản đồ.

Tại Hội nghị tổng kết Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ” năm 2017 và kế hoạch năm 2018 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Đây là dự án của ngành nông nghiệp với quy mô và nguồn kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. TP Cần Thơ tham gia dự án với hơn 30.000 ha và chiếm hơn 30% diện tích sản xuất lúa của thành phố. Sau khi dự án kết thúc sẽ có khoảng 30.000 ha sản xuất lúa tiên tiến và dần mở rộng ra phạm vi toàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu năm 2018, Ban Chỉ đạo Dự án, Ban Quản lý Dự án, 3 huyện (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai) củng cố và thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, tổ chỉ đạo cấp xã; tăng cường công tác truyền thông dự án và những mô hình hiệu quả; tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật những kiến thức truyền đạt lại cho nông dân.

Bài, ảnh: ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết