18/09/2017 - 21:56

Vĩnh Thạnh phát triển kinh tế hợp tác 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã hình thành và duy trì hoạt động 276 tổ hợp tác, với gần 14.000 nông hộ tham gia. Các hoạt động hợp tác chủ yếu như: bơm rút nước, làm đất, phơi sấy, hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa… Trên cơ sở hợp tác, liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao, huyện Vĩnh Thạnh đã tiến hành xây dựng cánh đồng lớn từ những mô hình này. Nhờ đó, toàn huyện đã phát triển được 64 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 10.035ha.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh trao quyết định thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Lợi.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

Thời gian qua, hoạt động của các tổ hợp tác và mô hình cánh đồng lớn ở huyện Vĩnh Thạnh đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước phát triển thành mô hình hợp tác xã (HTX), liên kết sản xuất trong mọi lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng TP Cần Thơ và huyện Vĩnh Thạnh, bà con nông dân được tập huấn, hướng dẫn thủ tục thành lập HTX liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, nhiều HTX được củng cố và hình thành mới. Các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát đang có xu hướng chuyển sang liên kết sản xuất có tổ chức, có kế hoạch và gắn kết với thị trường...”.

Xác định kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh xây dựng và phát triển nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (còn gọi là hợp tác xã kiểu mới). Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã ra mắt và đưa vào hoạt động 9 HTX, đạt 225% kế hoạch năm, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 29 HTX nông nghiệp, với 977 thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 30,6 tỉ đồng. Tháng 5-2017, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Lợi (xã Vĩnh Trinh) ra mắt và đưa vào hoạt động, với quy mô sản xuất 210ha, gồm 30 thành viên, vốn điều lệ 2,5 tỉ đồng. Hoạt động của HTX: sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống chất lượng cao, cung ứng các dịch vụ làm đất, thu hoạch, bao tiêu lúa hàng hóa, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Ông Mai Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Lợi, cho biết: “HTX hình thành trên tinh thần tự nguyện, liên kết sản xuất của xã viên. Bên cạnh đó, HTX còn được ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Với kết quả hoạt động từ khi thành lập đến nay, dự kiến những tháng cuối năm 2017, HTX sẽ thu lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng. Chúng tôi cố gắng trong 3 năm tới sẽ đạt lợi nhuận gấp 1,7 lần so với vốn ban đầu, mở rộng quy mô sản xuất lúa giống lên 30ha, tăng quy mô cung ứng dịch vụ 400ha đất sản xuất nông nghiệp...”.

Hầu hết HTX tại huyện Vĩnh Thạnh được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ để phát triển bền vững.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

Hiện nay, trong 29 HTX nông nghiệp có 19 hợp tác hoạt động thường xuyên và có hiệu quả cao, tăng 15 HTX so với năm 2015. Số HTX còn lại ngưng hoạt động chờ giải thể, trong đó chủ yếu là các HTX thành lập trước năm 2010, theo Luật Hợp tác xã năm 2003 và không đủ điều kiện hoạt động. Theo ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, mặc dù có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, nhưng trong đó cũng gặp khó khăn, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; Ban Quản trị HTX đa phần xuất thân từ nông dân nên còn lúng túng trong khâu quản lý, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như chưa khai thác hết lợi thế hợp tác để phát triển dịch vụ sinh lợi cho thành viên, còn hạn chế trong thiết lập mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa... Từ đó ảnh hưởng đến việc thu hút vốn điều lệ, tăng lợi nhuận cho thành viên.

Theo Ban Chỉ đạo kinh tế hợp tác huyện Vĩnh Thạnh, để các HTX hoạt động hiệu quả, thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ vay vốn tín chấp nhằm tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động cho hợp tác xã. Thành phố cũng cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị hạt lúa. Huyện Vĩnh Thạnh kiến nghị ngành chức năng TP Cần Thơ đầu tư tuyến điện trung thế ở phía Bắc Cái Sắn để các HTX xây dựng trạm bơm điện phục vụ sản xuất; đề xuất Liên minh HTX TP Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý, kế toán và hỗ trợ lập thủ tục giải thể những HTX không còn hoạt động.

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động của các HTX để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng phải. Bên cạnh đó, địa phương cũng rà soát những HTX không còn hoạt động để từ đó có biện pháp hỗ trợ giải thể. Huyện Vĩnh Thạnh rất mong Liên minh HTX thành phố tăng cường tập huấn chuyên môn, hỗ trợ lập phương án vay vốn để các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững thời gian tới...”.

Tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ HTX huyện Vĩnh Thạnh phát triển bền vững, Liên minh HTX TP Cần Thơ ghi nhận các đề xuất trên, đồng thời cho biết sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các HTX quảng bá sản phẩm, kiến nghị thành phố thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù để HTX huyện Vĩnh Thạnh cũng như trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết