02/11/2017 - 09:53

Vinh danh khích lệ tinh thần doanh nghiệp 

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Lễ Tôn vinh Doanh nhân năng động, sáng tạo ĐBSCL, Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL, Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiêu biểu năm 2017. Đây là dịp tôn vinh những doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc cũng như có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung.

Doanh nhân năng động, sáng tạo ĐBSCL năm 2017 được tôn vinh. Ảnh: MỸ THANH

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: “Đây là hoạt động thường niên được VCCI Cần Thơ thực hiện liên tục từ năm 2009  đến nay với sự phối hợp của UBND, các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Buổi lễ nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp quý báu của doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL. Đồng thời, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp; xây dựng hình ảnh doanh nhân, doanh nghiệp ĐBSCL năng động sáng tạo, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh đặc trưng; hình thành mạng lưới doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, năng động, sáng tạo dẫn đầu khu vực ĐBSCL”.

Khu trưng bày của doanh nghiệp đạt danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL năm 2017. Ảnh: MỸ THANH

VCCI Cần Thơ đã trao bằng khen cho 32 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân năng động, sáng tạo ĐBSCL năm 2017”; 62 doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL năm 2017” và 16 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiêu biểu năm 2017”. Ngoài ra, nhằm công nhận vai trò của doanh nghiệp nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương, qua đó khuyến khích khởi sự doanh nghiệp trong thời gian tới, VCCI Cần Thơ còn khen tặng danh hiệu “Doanh nghiệp nhỏ tiêu biểu ĐBSCL năm 2017” cho 3 doanh nghiệp. Đây là những doanh nhân và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, xây dựng, cơ khí, may, xuất khẩu thủy hải sản, chế biến lương thực thực phẩm, dược mỹ phẩm, ngân hàng, công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao.

Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI), Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ THANH

Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, việc tôn vinh, khen tặng các danh hiệu nói trên có ý nghĩa quan trọng và khích lệ tinh thần doanh nhân rất lớn. Ông Phạm Đăng Tiền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mật Ong Hương Rừng Tràm, TP Cần Thơ, cho biết: “Chính sự ghi nhận từ phía ngành chức năng đã giúp doanh nghiệp có động lực để phát triển hơn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, khẳng định thương hiệu và là yếu tố quyết định để người tiêu dùng chọn sản phẩm của mình hay không”. Anh Hứa Hoàng Vũ, đại diện Cơ sở Lạp xưởng bò Anas, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự là 1 trong 3 doanh nghiệp được tôn vinh với danh hiệu “Doanh nghiệp nhỏ tiêu biểu ĐBSCL năm 2017”. Cơ sở còn được bố trí khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến với các doanh nghiệp bạn và đại biểu tham dự buổi lễ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi kết nối, hợp tác nhằm mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế và làm giàu cho đất nước. Năm 2017 là năm của doanh nghiệp với nhiều hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển từ Chính phủ như: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Điều này cho thấy, Chính phủ đã nhận rõ tầm quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi. Từ đó đóng góp vào sự phát triển của TP Cần Thơ cũng như của cả vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 52.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong khối khu vực kinh tế tư nhân, chiếm tỷ lệ chưa tới 10% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này đóng góp 20% GDP cả nước. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp mới được thành lập cũng như các doanh nghiệp hiện có được cổ vũ, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn thì sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của vùng cũng như cả nước. VCCI Cần Thơ đã và đang nỗ lực sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các hoạt động: thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh; đối thoại doanh nghiệp; đấu tranh tháo bỏ các rào cản giấy phép không hợp lý; tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, Trung ương; các chương trình huấn luyện, kết nối kinh doanh, tư vấn pháp lý…

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ĐBSCL với sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh, quản lý đã vượt qua thách thức, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng, nhiều cơ hội, thách thức đã và đang đặt ra trước mắt đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải chuyển mình thích ứng. Và tin rằng, với sự hỗ trợ tích cực, cổ vũ mạnh mẽ từ ngành chức năng, doanh nghiệp, doanh nhân ĐBSCL tiếp tục vững tin hội nhập và phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết