23/09/2017 - 19:32

Việt Nam ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân 

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 22-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên Thảo luận cấp cao Khóa họp 72 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Phiên Thảo luận năm nay mang chủ đề “Tập trung cho con người: Phấn đấu vì hòa bình và một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững” đã thu hút sự tham gia của hầu hết lãnh đạo nhà nước và chính  phủ của 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề nổi cộm hiện nay đối với thế giới và Liên Hiệp Quốc, những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề này. Phó Thủ tướng nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc ngày 20-9-1977, nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng để nước Việt Nam độc lập, thống nhất bước vào hội nhập và phát triển, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào các mục tiêu cao cả của LHQ là hòa bình, an ninh và phát triển.

Về tình hình quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng đang có những chuyển biến nhanh và sâu sắc trên thế giới; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ số, đang đem lại cơ hội chưa từng có về phát triển đối với tất cả các nước. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhận định thế giới đang trong giai đoạn đầy biến động, bất định và mong manh với những thách thức chưa từng có về an ninh và phát triển, nhất là tình trạng bất ổn, nguy cơ xung đột, kinh tế tăng trưởng chậm và thiếu bền vững, biến đổi khí hậu và thiên tai, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng di cư - nhân đạo, sự bất bình đẳng...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, việc duy trì hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi các nước phải tăng cường hợp tác, cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và Liên Hiệp Quốc phải là trung tâm điều phối và gắn kết các nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, xây dựng một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực ngày một toàn diện với một cơ chế bảo đảm sự khách quan, công bằng và bình đẳng. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hành động để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và bảo đảm được cuộc sống tốt đẹp cho mọi người dân; nhấn mạnh các nước đang phát triển cần được bảo đảm có điều kiện thuận lợi hơn, có nhiều nguồn lực hơn nữa để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng đối với trật tự và sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hòa bình cần được bảo đảm bằng luật pháp; kêu gọi tăng cường các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc để ngăn ngừa, giải quyết hòa bình các xung đột và tranh chấp. Về Biển Đông, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nêu bật thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt trong vai trò chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018 và hiện đang ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tích cực triển khai Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Cùng ngày, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này vừa được hoàn tất tháng 7-2017 với các điều khoản cấm các nước thành viên không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo quy định của Hiệp ước, khi tham gia Hiệp ước này, các nước thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả. Đến nay, Hiệp ước đã được 52 nước ký và sẽ có hiệu lực sau khi được 50 nước phê chuẩn. Việc sớm ký Hiệp ước đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hòa bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Chia sẻ bài viết