19/10/2018 - 21:45

Việt Nam - EU ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản 

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 19-10 theo giờ Brussels, bên lề Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 12, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và ông Sebastian Kurz  - Thủ tướng Áo, hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU); cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và an ninh đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Cốt lõi của Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU là hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU là có nguồn gốc hợp pháp bất kể là gỗ khai thác trong nước hay nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu như việc cấp phép FLEGT chỉ áp dụng cụ thể cho thị trường EU thì hệ thống VNTLAS sẽ là hệ thống quốc gia được áp dụng cho cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Hiệp định này bao trùm cả gỗ nhập khẩu, nguồn gỗ nguyên liệu chính của Việt Nam và tất cả nguồn gỗ trong nước tại Việt Nam, bao gồm gỗ từ rừng tự nhiên và rừng trồng, gỗ bị tịch thu (trong điều kiện cụ thể), gỗ từ trang trại, vườn nhà và cây trồng phân tán, và gỗ cao su.

Phạm vi các sản phẩm gỗ nằm trong phạm vi của Hiệp định này, bao gồm tất cả các sản phẩm chính được xuất khẩu sang EU, cụ thể là 5 sản phẩm bắt buộc được định nghĩa trong Quy chế FLEGT 2005 (gỗ tròn, gỗ xẻ, tà vẹt, ván ép và gỗ dán) và các sản phẩm gỗ khác như dăm gỗ, sàn gỗ, ván dăm gỗ và đồ nội thất bằng gỗ.

Bà Federica Mogherini nói: “Hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một quan hệ đối tác quan trọng mà thông qua đó Việt Nam và EU sẽ cùng hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và các hệ quả nguy hại của tình trạng này”.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp và bền vững phù hợp với các mục tiêu phát triển và nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và hạn chế biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua, đóng một vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu. Các nhà lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đều ủng hộ Hiệp định VPA/FLEGT và tiếp tục tham gia vào quá trình hoàn thiện chính sách ngành lâm nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Việt Nam đảm bảo rằng gỗ khai thác bất hợp pháp không được đưa vào thị trường Việt Nam và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề này thông qua việc thực thi pháp luật hiệu quả".

QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết