07/03/2018 - 10:20

Từ 7-3-2018

Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón dap và map nhập khẩu 

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam, quyết định có hiệu lực từ ngày 7-3-2018. Biện pháp tự vệ chính thức được áp dụng đối với sản phầm phân bón DAP và MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.

 Bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung

Theo đó, từ ngày 19-8-2017 (ngày Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực) đến ngày 6-3-2018, mức thuế tự vệ áp dụng 1.128.531 đồng/tấn; từ ngày 7-3-2018 đến ngày 6-3-2019 mức thuế tự vệ được áp dụng 1.128.531 đồng/tấn; từ ngày 7-3-2019 đến ngày 6-3-2020 mức thuế tự vệ áp dụng 1.072.104 đồng/tấn; từ ngày 7-3-2020 trở đi áp dụng mức thuế 0 đồng/tấn (nếu không gia hạn).

Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng nhập khẩu và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Các quốc gia đang phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam và tổng lượng xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển không quá 9% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam được loại trừ áp dụng biện pháp tự vệ. Các sản phẩm phân bón có một trong các thành phần có hàm lượng như sau sẽ được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ chính thức: Ni-tơ (N) <7%; Lân (P2O5) <30% và Kali (K2O) > 3%.

Ngày 12-5-2017, căn cứ Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước, quy định tại Hiệp định về Tự vệ của WTO và Pháp lệnh số 42/2002 ngày 25 tháng 5 năm 2002 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (Pháp lệnh Tự vệ), Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.

DAP và MAP là loại phân bón vô cơ phức hợp, với thành phần chủ yếu là đạm và lân, có tác dụng bón lót, bón thúc cho cây trồng cũng như dùng để sản xuất phân bón NPK.

Ngày 4-8-2017, trên cơ sở Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19-8-2017 đến ngày 6-3-2018. Do phân bón là đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, để có thời gian lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, qua đó đưa ra đánh giá toàn diện về vụ việc, ngày 10-11-2017 Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn thời gian điều tra thêm 2 tháng (đến ngày 12-1-2018).

Kết luận điều tra cuối cùng cho thấy lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Năm 2016, tổng nhu cầu phân bón DAP và MAP trong nước khoảng 1,3 triệu tấn, Việt Nam đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn. Trong các nước xuất khẩu phân bón DAP và MAP vào Việt Nam, Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất với 83,61%; Hàn Quốc chiếm 5,37%; Nga 2,61% và Úc 2,2%. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016. Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (bằng mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán trong điều kiện không có thiệt hại) là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn.

Ba điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của WTO và Việt Nam: có tác động về lượng và giá của hàng hóa nhập khẩu; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng; và có mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Quá trình điều tra cho thấy Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức ở mức 1.855.790 đồng/tấn, tức là bằng với mức thuế đang áp dụng tạm thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng được khoảng 52% nhu cầu, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tối đa sẽ không quá 0,72%. Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.

Linh Chi

Chia sẻ bài viết