11/01/2017 - 13:15

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Góp sức nâng chuỗi giá trị lúa gạo

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL được thành lập ngày 8-1-1977 tại xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (cũ) nay là xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ngày 9-1-1985, Trung tâm được đổi tên thành Viện Lúa ĐBSCL và đến ngày 1-1-2010 chuyển về trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đến nay. Qua 40 năm hình thành và phát triển, Viện Lúa ĐBSCL không chỉ đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, mà còn đồng hành cùng nông dân đưa gạo Việt ra thế giới.

Qua 40 năm trưởng thành và phát triển, đến nay Viện Lúa ĐBSCL đã có đội ngũ cán bộ nghiên cứu được đào tạo ở nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại như: Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI)… Viện Lúa hiện có 219 cán bộ (2 giáo sư, phó giáo sư, 25 tiến sĩ, 64 thạc sĩ, 86 kỹ sư, còn lại là cán bộ kỹ thuật), với 4 phòng chức năng và quản lý, 7 bộ môn nghiên cứu, Phòng Thí nghiệm trung tâm, Phòng Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng, Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trong chuyến thăm Viện Lúa ĐBSCL vào tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ: "Hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Sản phẩm lúa gạo của Việt Nam không chỉ sản xuất trong nước mà còn phải phục vụ xuất khẩu. Viện Lúa ĐBSCL cần phát huy hơn nữa truyền thống nghiên cứu khoa học, phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung".

Đánh giá phẩm chất cơm của các giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo.

Trong 40 năm qua, công tác nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa đạt thành tựu lớn. So với năm 1977, sản lượng lúa của vùng ĐBSCL hiện đã tăng 4 lần (ở ngưỡng 25 triệu tấn lúa/năm). Thành tích này có đóng góp rất lớn của Viện Lúa. Viện đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất 165 giống lúa, xây dựng được một số bộ giống đóng góp lớn cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "Từ năm 2000 đến nay, Viện Lúa đã lai tạo thành công nhiều giống lúa có đặc điểm nổi trội về năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-105 ngày, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi, góp phần thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ. Các giống lúa OM của Viện không chỉ trồng ở vùng ĐBSCL, cả nước mà còn vươn ra một số nước như: Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Cuba, các nước Nam Á và châu Phi". Viện đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp quốc gia với 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Hằng năm, Viện cung cấp hàng ngàn tấn giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận cho các địa phương để phục vụ nhân giống và gieo sạ. Từ đó, góp phần nâng diện tích gieo sạ sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận từ dưới 10% năm 1999 lên 57% năm 2016.

Từ giai đoạn 2001 đến nay, có rất nhiều dự án từ các tổ chức quốc tế đầu tư hỗ trợ về trang thiết bị, kinh phí nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho Viện. Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "Hằng năm, Viện xây dựng nhiều mô hình canh tác lúa tại các địa phương và hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác trực tiếp, giúp nông dân mắt thấy, tai nghe và áp dụng thành thạo. Viện còn phối hợp với địa phương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm giống, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp để chuyển giao giống lúa và trọn gói các tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn nông dân áp dụng vào sản xuất theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua đó, gắn kết chuỗi giá trị sản xuất lúa hàng hóa từ đầu vào đến đầu ra, hình thành nền sản xuất hàng hóa lớn, có tính cạnh tranh cao về sản lượng và chất lượng".

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong giai đoạn tới, Viện Lúa ĐBSCL sẽ tham gia tích cực vào thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo. Viện sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL. Viện Lúa mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các Viện nghiên cứu, các địa phương và các doanh nghiệp trong cả nước gắn với đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế để cùng góp sức vào tiến trình phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và vững tin hội nhập.l

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết