25/12/2010 - 15:03

TIẾN SĨ LÊ VĂN BẢNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÚA ĐBSCL:

Viện đang nỗ lực lai tạo giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, dịch bệnh phát sinh nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì sản lượng lương thực hằng năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Có được kết quả này, một phần nhờ sự đóng góp không nhỏ của Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều loại giống lúa, cây trồng phù hợp. Nhằm đánh giá lại những thành tựu đạt được trong năm qua, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

- Năm 2010 là năm “kỷ lục” của Viện Lúa ĐBSCL trong việc nghiên cứu giống lúa, với 18 giống mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận; trong đó có 5 giống chính thức và 13 giống sản xuất thử. Trong thập niên 80, khi mới đi vào hoạt động, Viện có số lượng giống lúa ít, chủ yếu tuyển chọn giống từ nước ngoài (giống IR). Sau đó, Viện đã nghiên cứu, lai tạo thành công đưa ra nhiều giống lúa mới với thương hiệu OM. Đến nay, trong hàng trăm giống do Viện tạo ra đã có 115 giống được Bộ NN&PTNT công nhận, trong đó có 50 giống chính thức. Qua thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích đồng ruộng của nông dân hầu hết là trồng giống OM, chiếm tỷ lệ 75%-80% và phổ biến nhất là giống có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày, năng suất cao (6-8 tấn/ ha), chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Giống lúa OM của Viện không chỉ được sử dụng phổ biến ở các vùng trong nước, như: ĐBSCL, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, một số tỉnh miền Bắc mà còn vươn ra thị trường nước ngoài (châu Á, châu Phi). Bên cạnh việc lai tạo giống lúa, Viện còn nghiên cứu, lai tạo các giống cây trồng trong vùng lúa, như lai tạo các loại giống đậu, đặc biệt là đậu nành kháng sâu bệnh tốt... Qua đó, không chỉ khẳng định những thành tựu đạt được mà còn nâng vị thế của Viện Lúa ĐBSCL trên cả nước.

Cán bộ Viện Lúa ĐBSCL đang chuyển mẫu các loại giống đậu tương. Ảnh: B.NG

* Một trong những hoạt động quan trọng của Viện là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất. Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về hoạt động này trong năm qua?

- Thời gian qua, Viện đã thực hiện nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: chế tạo chế phẩm sinh học ometar (nấm xanh, nấm trắng) dùng phun xịt trị sâu bệnh, rầy nâu nhưng hạn chế ô nhiễm môi trường; ứng dụng chương trình thâm canh tổng hợp với giải pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm... để tăng năng suất cây trồng cho nông dân; phối hợp liên ngành thực hiện cánh đồng mẫu, cánh đồng “4 tốt” sản xuất theo hướng VietGap- tiêu chuẩn hóa để tạo thương hiệu hạt gạo cho nông dân. Đồng thời, Viện còn thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, như cán bộ Viện đang thực hiện thí nghiệm làm sao giúp nông dân giảm công lao động vất vả, giải quyết công lao động đang thiếu hụt trầm trọng ở nông thôn đáp ứng kịp mùa vụ và giảm chi phí trong sản xuất, tăng năng suất qua việc dùng công cụ và máy gieo sạ hàng, máy cấy, đưa máy gặt đập liên hợp vào sản xuất...

Do khó thay đổi tập quán sản xuất của nông dân trong một sớm, một chiều nên việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Sự chênh lệch năng suất lúa trong vùng, miền còn rất nhiều. Theo tổng kết của ngành nông nghiệp, năng suất lúa bình quân tại ĐBSCL đạt 5,5 tấn/ ha (cao nhất Đông Nam Á). Trong đó, tỉnh An Giang, nông dân thâm canh năng suất đạt 8-9 tấn/ ha/ vụ. Tuy nhiên, trong cùng điều kiện sản xuất như nhau nhưng có nông dân làm được 8 tấn nhưng cũng có nông dân chỉ đạt 5 tấn/ ha. Về mặt khoa học, chúng tôi khuyến cáo nông dân phải chọn giống tốt thông qua giống xác nhận để có hạt giống khỏe (không nên dùng lúa thịt làm lúa giống); phải nâng cao trình độ sản xuất. Nếu chỉ cần rút khoảng cách chênh lệch năng suất 1 tấn/ ha, mỗi năm sản lượng lúa ĐBSCL có thể tăng thêm vài triệu tấn. Để nâng cao sản lượng thì vai trò của chính quyền địa phương cũng không kém phần quan trọng.

* Sắp tới, Viện sẽ nghiên cứu sản xuất giống lúa như thế nào để thích nghi với biến đổi khí hậu?

- Vấn đề biến đổi khí hậu như ngập mặn, khô hạn, bão lũ thất thường gây ra ngập úng, thời tiết nắng nóng... ngày càng khốc liệt, gây bất lợi trong sản xuất nông nghiệp. Năm nay lũ nhỏ, nông dân cần quan tâm ứng phó với hạn cuối vụ. Lũ lớn sẽ đẩy nước mặn ra xa, ngược lại lũ nhỏ làm nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Viện Lúa ĐBSCL đang nghiên cứu sản xuất các giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện nay, đã có các giống lúa chịu được độ mặn 1‰-2‰ nhưng nếu mặn gia tăng lên 5‰ - 7‰ thì phải tính toán sao cho phù hợp. Viện đã chọn khoảng 30 dòng lúa có thể chịu được độ mặn 5‰ -6‰. Ngoài ra, còn lấy nguồn gien giống lúa bản địa để nghiên cứu sản xuất giống lúa chịu hạn và nghiên cứu các giống lúa chống chịu với ngập úng... Đề tài này đã và đang được nghiên cứu - một số dòng đang thanh lọc trong nhà lưới và khảo nghiệm tại một số tỉnh, thành ĐBSCL: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Vài năm tới, Viện có thể công bố và đưa ra sản xuất.

* Theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân của những thành tựu đạt được vừa qua?

- Viện Lúa ĐBSCL là một trong số các viện nghiên cứu chủ lực về cây lúa của Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị trở thành “Viện nghiên cứu lúa Việt Nam”. Trong quá trình phát triển, Viện được Nhà nước, ngành nông nghiệp hỗ trợ rất nhiều, như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho nghiên cứu, thí nghiệm, cải tạo đồng ruộng,... Song song đó, sự đoàn kết nội bộ, nỗ lực của tập thể cán bộ ở Viện cũng góp phần tạo nên sự thành công như hôm nay. Chẳng hạn như, nhiều cán bộ đã nỗ lực học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn. Trong số trên 200 cán bộ Viện đã có gần 50% cán bộ có trình độ sau đại học và trên 30 cán bộ đang học sau đại học trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ đã không ngại khó nghiên cứu, lai tạo những giống mới, sản xuất chế phẩm sinh học hay đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện năng suất cho nông dân...

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

B.KIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết