10/09/2009 - 20:48

Viêm tai giữa - diễn tiến âm thầm, nguy hiểm

Viêm tai giữa có 2 loại cấp tính và mạn tính. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là bệnh liên quan đến tình trạng viêm nhiễm vùng mũi, họng, lại ít được chú ý nên thường dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

* Viêm tai giữa cấp tính

Viêm tai giữa cấp tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ mắc các bệnh: nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, sởi, cúm, bạch hầu, ho gà... diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần. Nếu viêm tai giữa cấp tính không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa mạn tính, viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt dây thần kinh ngoại vi... Triệu chứng của viêm tai giữa cấp tính thay đổi nhiều tùy theo nguyên nhân gây bệnh và thể trạng mỗi người. Bệnh diễn biến qua hai giai đoạn: khởi phát và toàn phát:

Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi họng TP Cần Thơ đang khám và chăm sóc tai qua kính hiển vi cho người bệnh. Ảnh: B.NGỌC 

- Giai đoạn khởi phát, bệnh nhân chưa có mủ trong hòm nhĩ. Trước đó vài ngày, bệnh nhân có thể bị viêm mũi họng, chảy mũi và ngạt mũi. Sau đó, bệnh nhân đột nhiên bị sốt cao 390C- 400C. Lúc đầu, bệnh nhân cảm thấy ngứa, tức ở tai, sau đó đau tai- từ đau ít đến đau dữ dội, nghe kém. Màng nhĩ bị xung huyết đỏ ở góc sau trên hoặc ở dọc cán xương búa hoặc ở vùng màng trùng (Shrapnell).

- Giai đoạn toàn phát gồm có thời kỳ ứ mủ và thời kỳ vỡ mủ:

+ Trong thời kỳ ứ mủ, màng nhĩ chưa vỡ. Toàn bộ màng nhĩ bệnh nhân nề đỏ, không nhìn thấy cán xương búa, mấu ngắn xương búa và nón sáng. Ở mức độ nặng hơn, màng nhĩ phồng lên như mặt kính đồng hồ. Điểm phồng nhất thường khu trú ở phía sau. Lúc này, thường là bệnh nhân đang bị viêm mũi họng cấp tính. Bệnh nhân sốt cao 390- 400 C kéo dài, thể trạng mệt mỏi, khó ngủ, sút cân, có thể co giật, mệt lả... Nếu là trẻ em, thường xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn trớ, đầy bụng. Khoảng 70-80% bệnh nhi đi ngoài nhiều lần, phân lỏng. Trường hợp này nếu dùng thuốc chống rối loạn tiêu hóa cũng ít có kết quả mà phải giải quyết nguyên nhân viêm tai. Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng dễ nhận biết là đau tai. Bệnh nhân cảm thấy đau tai ngày càng tăng, đau sâu trong tai, đau theo nhịp đập, đau lan ra vùng thái dương và sau tai. Do đó, nếu bệnh nhân là trẻ em, thường quấy khóc, không ngủ được, bỏ ăn, bỏ bú, vật vã, co giật. Trẻ thường đưa tay vào ngoái tai hay lắc đầu.

+ Thời kỳ vỡ mủ thường xuất hiện vào ngày thứ 4. Màng nhĩ bệnh nhân bị vỡ, ống tai đầy mủ. Nếu lau sạch mủ, bác sĩ có thể thấy lỗ thủng ở màng nhĩ. Lúc này, các triệu chứng giảm dần. Bệnh nhân hết đau tai, nhiệt độ toàn thân giảm. Trẻ nhỏ hết quấy khóc, chịu chơi trở lại.

Tùy từng giai đoạn mà bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân ở giai đoạn khởi phát được điều trị mũi họng là chủ yếu. Bệnh nhân sẽ được chống nghẹt mũi bằng nhiều cách như nhỏ mũi, xông thuốc kết hợp dùng thuốc. Tại chỗ tai viêm cũng sẽ có thuốc nhỏ. Trường hợp bệnh nhân đang ở giai đoạn toàn phát phải được theo dõi và trích màng nhĩ đúng lúc, điều trị mũi họng, dùng thuốc kết hợp nâng tổng trạng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa cấp tính như: viêm nhiễm cấp tính ở mũi họng, cúm, sởi, viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, u vòm mũi họng, chấn thương gây thủng màng tai, sự thay đổi áp lực của không khí trong tai giữa và áp lực của vòm họng, áp lực tai giữa và áp lực tai ngoài.... Bệnh thường do các loại vi khuẩn như: S. pneumoniae, H.influenzae, M.catarrhalis, S. Aureus... gây ra.

* Viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính thường gặp ở mọi lứa tuổi, thời gian chảy mủ tai trên 1 tháng. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức nghe và có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Viêm tai giữa mạn tính được phân làm 2 loại: viêm tai giữa mủ nhầy và viêm tai giữa mủ (viêm tai giữa có tổn thương xương).

Viêm tai giữa mãn tính mủ nhầy thường do viêm tai giữa cấp tính chuyển thành. Ở trẻ em viêm V.A (vegetation adenoide), người lớn bị viêm xoang, khối u đè ép vòi nhĩ cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa mủ nhầy. Bệnh nhân có triệu chứng chảy mủ tai, mủ tăng dần sau mỗi đợt viêm mũi, viêm họng. Mủ đặc trong hoặc vàng kéo thành sợi, không tan trong nước, không có mùi thối. Bệnh diễn biến từng đợt, kéo dài nhiều năm. Khi nào còn viêm mũi, họng thì còn bị viêm tai giữa và dễ dàng trở thành viêm tai giữa mủ, tiến triển đến xơ nhĩ, viêm ống tai ngoài, viêm vành tai. Bệnh nhân được điều trị tại chỗ viêm kết hợp với điều trị mũi họng.

Viêm tai giữa mủ mạn tính thường xảy ra biến chứng vì có tổn thương xương, hay có khối cholesteatome ăn mòn xương. Bệnh nhân có triệu chứng chảy mủ tai. Mủ có mùi thối khẳn, đặc hoặc loãng vón cục, màu vàng hoặc xanh đôi khi lẫn máu. Mủ nổi váng khi có khối cholesteatome. Ngoài ra, bệnh nhân nghe kém (điếc dẫn truyền tiến triển nặng, điếc hỗn hợp), ù tai, đau tai tăng dần sau mỗi lần viêm, choáng. Bệnh kéo dài dai dẳng, rất hiếm trường hợp tự khỏi. Bệnh có thể gây xơ nhĩ, cứng các khớp xương con, để lại lỗ thủng màng nhĩ không liền. Điều trị viêm tai giữa mủ phải dùng phương pháp phẫu thuật kết hợp điều trị triệt để bệnh viêm họng.

Để phòng các bệnh viêm tai giữa, cần điều trị sớm các ổ viêm vùng mũi họng như: nạo V.A, cắt amidan theo chỉ định, điều trị mũi xoang. Ngoài ra, nên giữ cho mũi thông thoáng, nhỏ mũi thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, làm thông vòi nhĩ khi bị tắc.

B. Tâm (ghi)

Chia sẻ bài viết