11/03/2010 - 21:34

VIÊM MŨI-XOANG Ở TRẺ EM
Dễ chuyển từ cấp tính đến mạn tính

Ths. Bs. CHÂU CHIÊU HÒA
(Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ)

Viêm mũi xoang xảy ra ngày càng phổ biến ở trẻ em. Môi trường ô nhiễm là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến viêm mũi - xoang. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng gây mù mắt, viêm não. Điều trị viêm mũi - xoang phải kéo dài từ 2 đến 4 tuần mới mang lại hiệu quả. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh chủ quan, không kiên trì cho con uống thuốc đủ liều, không tái khám theo chỉ định bác sĩ... nên dễ dẫn đến tình trạng lờn thuốc, bệnh nặng thêm.

Một bệnh nhân viêm mũi - xoang đang được nội soi, điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng
TP Cần Thơ.
Ảnh: K.LOAN

Viêm mũi xoang là tình trạng viêm xảy ra trên niêm mạc vùng mũi- xoang. Nhiều người nghĩ rằng viêm mũi xoang chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, bệnh cũng thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi với các triệu chứng: nghẹt mũi, chảy mũi nước vàng hoặc xanh, cảm giác nặng, căng trong mũi, đau nhức vùng mũi, nhức đầu, hơi thở hôi, nghe kém, viêm thanh quản, mệt mỏi... Các nguyên nhân dẫn đến viêm mũi xoang trẻ em gồm: viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, suyễn, suy giảm miễn dịch, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bất thường về hốc mũi, dị vật hốc mũi... Các yếu tố này xảy ra, kéo dài dẫn đến niêm mạc bị phù nề, ứ đọng dịch, gây tắc lỗ thông mũi xoang.

Năm 1996, Hiệp hội Tai- Mũi- Họng và Đầu- Cổ Hoa Kỳ, đưa ra các tiêu chuẩn phân loại bệnh viêm mũi- xoang theo diễn tiến thành 4 thể: viêm mũi xoang cấp (thời gian bệnh dưới 4 tuần), viêm mũi xoang bán cấp (thời gian bệnh kéo dài 4-12 tuần), viêm mũi xoang tái phát, viêm mũi xoang mạn (thời gian bệnh trên 12 tuần).

* Viêm mũi- xoang cấp: thường xảy ra ở trẻ em, bệnh tăng cao trong mùa lạnh do vi trùng hoặc siêu vi trùng gây ra. Rhinovirus là nguyên nhân gây bệnh trong 60- 80% trường hợp; kế đến là bệnh do Coronovirus- chiếm 15- 30% ca bệnh; bệnh do parainfluenza và influenza virus hiếm gặp. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm mũi- xoang cấp do sức đề kháng kém. Bệnh bắt đầu nặng hơn kể từ ngày thứ 5 và kéo dài hơn 10 ngày. Nếu không được điều trị, bệnh viêm mũi-xoang cấp có thể lan rộng, gây nên các biến chứng: viêm tấy ổ mắt, viêm màng não... Viêm mũi- xoang cấp gồm một số loại:

+ Viêm mũi- xoang cấp cảm: thường khởi phát đột ngột và khỏi bệnh trước 4 tuần lễ. Hầu hết các trường hợp viêm mũi- xoang cấp cảm là do siêu vi trùng. Các triệu chứng của bệnh thường tự khỏi sau 5- 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể dùng một số thuốc giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh, giảm sự phát triển của virus và phòng ngừa biến chứng xảy ra.

+ Viêm mũi- xoang cấp do nhiễm trùng: bệnh viêm mũi- xoang cấp do vi khuẩn cũng có các triệu chứng giống như bệnh viêm mũi- xoang cấp cảm. Trong một số trường hợp, bệnh viêm xoang nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi viêm mũi- xoang cấp cảm.

* Viêm mũi- xoang bán cấp: bệnh có triệu chứng tương tự như bệnh viêm mũi- xoang cấp nhưng các triệu chứng không rầm rộ bằng triệu chứng của bệnh viêm mũi- xoang cấp, hiếm khi bệnh nhân có sốt. Các triệu chứng của bệnh viêm mũi- xoang bán cấp kéo dài khoảng 4- 12 tuần. Nếu được điều trị thích hợp, bệnh có khả năng hết hoàn toàn, không để lại di chứng.

* Viêm mũi- xoang tái phát: đặc điểm của bệnh là tái phát 4 lần trong 1 năm. Trong khoảng thời gian giữa 2 lần bệnh không có biểu hiện triệu chứng. Mỗi đợt tái phát kéo dài ít nhất 7 ngày. Bệnh viêm mũi- xoang tái phát thường do bệnh viêm mũi- xoang cấp có diễn biến bệnh tăng dần, kéo dài từ 4 tuần đến 12 tuần.

* Viêm mũi - xoang mạn: bệnh được xác định khi thời gian bệnh kéo dài hơn 12 tuần.

Để chẩn đoán bệnh viêm mũi- xoang, có thể sử dụng các phương pháp: nội soi mũi- xoang, chụp X- quang, chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ (MRI). Kỹ thuật CT scan kết hợp với khám lâm sàng và nội soi có độ tin cậy cao trong chẩn đoán. Ngoài ra, nếu bệnh sử cho thấy có liên quan đến tình trạng dị ứng thì bệnh nhân cần được làm xét nghiệm về IgE (mỗi lần thử 8-12 dị nguyên).

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Đối với viêm xoang cấp cũng như viêm xoang mạn, chủ yếu là điều trị nội khoa: sử dụng kháng sinh cơ bản, chống sung huyết mũi giúp thông thoáng các lỗ xoang, sử dụng corticoid tại chỗ để giảm phù nề niêm mạc mũi xoang, làm ẩm mũi, làm lỏng dịch tiết... Khi điều trị nội khoa, thời gian điều trị thường kéo dài, bệnh nhân và gia đình phải kiên trì, sử dụng thuốc đúng liều, tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp thấy bệnh giảm mà ngưng điều trị dễ dẫn đến lờn thuốc, bệnh nặng hơn. Sau khi được điều trị khỏi bệnh, nên chú trọng giữ gìn để bệnh không tái phát. Đối với viêm xoang mạn, trường hợp phải phẫu thuật, bác sĩ vẫn ưu tiên áp dụng phẫu thuật bảo tồn hơn là phẫu thuật tiệt căn. Viêm xoang mạn được chỉ định phẫu thuật khi: không đáp ứng điều trị 4-6 tuần sử dụng kháng sinh tối đa, tái phát hơn 6 lần/năm, kèm những bất thường cơ thể học.

Cần lưu ý trẻ bị nghẹt mũi không được thông thoáng sau 48-72 giờ có thể bị nhiễm trùng gây phù nề hệ thống đường hô hấp. Điều này sẽ gây tắc nghẽn lỗ thông xoang gây viêm mũi xoang. Viêm mũi xoang cấp tái đi tái lại nhiều lần dễ dẫn đến viêm xoang mạn. Viêm xoang mạn tính được điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái phát. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.

B. Tâm (Ghi)

Một số biện pháp phòng bệnh viêm xoang cho trẻ em:

- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nước trái cây, rau quả, uống nhiều nước...

- Môi trường xung quanh thoáng mát, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời...

- Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, cho trẻ mặc quần áo dài khi ngủ, tránh cho trẻ ngủ phòng máy lạnh ở nhiệt độ thấp.

- Thường xuyên vệ sinh cho trẻ, vệ sinh mũi bằng dung dịch Nacl 0,9%.

- Tránh cho trẻ tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng.

- Phải điều trị triệt để khi trẻ bị viêm hô hấp trên cấp.
 


Chia sẻ bài viết