17/09/2010 - 22:01

Ông Trần Ngọc Sáu, Phó chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ:

Việc dạy thêm - học thêm được quản lý chặt chẽ hơn

 

Từ năm học này, công tác quản lý dạy thêm -học thêm (DT-HT) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ thực hiện theo quy định mới của Chủ tịch UBND thành phố (Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND ban hành ngày 30-7-2010). Thanh tra Sở đang tổ chức đợt kiểm tra, nhằm đưa công tác quản lý DT-HT đi vào nề nếp, theo hướng phát huy tính tích cực của hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Chung quanh việc này, ông Trần Ngọc Sáu, Phó chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết:

Do tình trạng các cơ sở DT-HT quảng cáo tràn lan, nên Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo ban hành Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND để việc kiểm tra, quản lý, cấp phép cho các cơ sở DT-HT được thuận lợi hơn, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người học. Đặc biệt, quy định mới của thành phố nêu cụ thể về hình thức dạy thêm theo dạng gia sư, đó là: “Tổ chức có người lãnh đạo, quản lý và có lực lượng giáo viên đến nhà học sinh dạy thêm ở bậc trung học và chăm sóc trẻ ngoài giờ, rèn luyện kỹ năng ở bậc tiểu học theo hợp đồng của lãnh đạo của tổ chức gia sư và gia đình người học”.

* Vậy trường hợp nào không được tổ chức DT-HT, thưa ông?

- Trường hợp không được tổ chức DT-HT là các lớp dạy - học 2 buổi/ngày, việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Các cơ sở giáo dục đại học thì không được tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông. Còn giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thì không được tổ chức dạy thêm tại nhà cho những học sinh của lớp mà mình đang dạy học tại trường.

Thời gian qua, do dư luận phản ánh về tình trạng thầy, cô giáo bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thường tổ chức các lớp dạy thêm tại nhà và lôi kéo học sinh (đang học với thầy, cô tại trường), nếu các em không chịu theo học thêm với thầy, cô giáo tại lớp thì sẽ bị thầy cô gây khó khăn. Thanh tra Sở đã theo dõi, ghi nhận phản ánh của dư luận là có. Do vậy, Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND có quy định giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông không được tổ chức dạy thêm tại nhà cho những học sinh của lớp mà mình đang dạy học tại trường, nếu vi phạm sẽ bị Thanh tra Sở kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính. Các trường hợp này, nếu học sinh có nhu cầu học thêm thì giáo viên phải tổ chức dạy tại trường, nhà trường nơi giáo viên đang công tác sẽ có trách nhiệm quản lý.

* Xin ông cho biết thủ tục cấp phép và thu hồi giấy phép dạy thêm?

- Trước đây, giấy phép hoạt động dạy thêm được cấp có thời hạn hoạt động một năm, tức sau một năm thì tổ chức hoặc cá nhân đăng ký dạy thêm phải thực hiện thủ tục tái đăng ký. Nay để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy phép không hạn chế thời gian, nhưng trong thời gian hoạt động nếu cơ sở dạy thêm có mở thêm lớp mới thì phải đăng ký. Việc đăng ký hoạt động dạy thêm của cơ sở mở mới hoặc mở thêm lớp mới đều có mẫu đơn do Sở GD&ĐT quy định thống nhất trong thành phố, trong đó, người đăng ký phải kê khai đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên. Riêng tổ chức dạy thêm theo hình thức gia sư, do đây là hoạt động mang tính hợp đồng giữa người dạy và gia đình nên định kỳ hàng quý, tổ chức gia sư phải báo cáo cho nơi cấp giấy phép danh sách người dạy, người học với địa chỉ rõ ràng, nhằm đảm bảo chất lượng dạy - học của hoạt động gia sư.

Việc cấp phép, thu hồi giấy phép dạy thêm được phân cấp như sau: Sở GD&ĐT quản lý các cơ sở dạy thêm theo chương trình trung học phổ thông; Phòng GD&ĐT quản lý các cơ sở dạy thêm theo chương trình trung học cơ sở hoặc các trường hợp nhận quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình. Thủ tục đăng ký được thực hiện tại phòng Nhận và trả kết quả của Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT. Hồ sơ gồm: Đơn xin cấp phép hoạt động được chính quyền cơ sở nơi mở trung tâm và cơ quan quản lý trực tiếp của người đứng đầu trung tâm có ý kiến chấp thuận, danh sách giáo viên tham gia giảng dạy, bảng kê khai về điều kiện cơ sở vật chất, mức học phí, khung chương trình giảng dạy. Sau khi hội đủ hồ sơ và thẩm định điều kiện cơ sở vật chất, 10 ngày sau, người đăng ký sẽ nhận được giấy phép hoạt động cho cơ sở.

* Còn quy định đối với các cơ sở luyện thi và dạy thêm tiếng Anh thuộc hệ giáo dục thường xuyên?

- Nếu ngoài việc dạy nâng cao môn Anh văn (trong chương trình phổ thông), đơn vị nào dạy chương trình học - thi lấy bằng A, B, C quốc gia thì phải hội đủ điều kiện về trang thiết bị (nghe, nhìn) theo quy định dành cho các cơ sở dạy ngoại ngữ - tin học. Ngoài ra, nếu đơn vị có tổ chức cho học viên đăng ký thi các kỳ thi cấp chứng chỉ A,B,C tiếng Anh quốc gia do Sở GD&ĐT tổ chức thì đơn vị phải thực hiện thêm các thủ tục đăng ký với Sở theo diện đơn vị thuộc hệ giáo dục thường xuyên.

Về điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm luyện thi, dạy thêm: phòng học phải đảm bảo đủ ghế ngồi, ánh sáng và lớp học không quá 45 học sinh. Trung tâm phải đảm bảo đủ nhà vệ sinh và chỗ để xe phục vụ cho giáo viên và học sinh, phải có lối thoát hiểm và phương tiện phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hoạt động không gây ảnh hưởng đến trật tự vệ sinh và an toàn giao thông trong khu vực.

* Ông có thể cho biết thêm về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động DT-HT?

- Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm vi phạm các quy định trong Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND của thành phố thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11-4-2005 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, nếu cơ sở có các vi phạm: quảng cáo tràn lan hoặc ghi bảng hiệu không đúng nội dung đã được cấp phép thì cơ quan cấp phép sẽ thu hồi giấy phép thời hạn ít nhất là 6 tháng. Trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan Nhà nước, ngoài việc xử phạt hành chính theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo Nghị định số 35/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-3-2005 quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

* Xin cảm ơn ông!

ĐÌNH KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết