10/07/2008 - 22:17

Vì sự phát triển bền vững

Kế hoạch hóa gia đình” là thông điệp được Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) đưa ra nhân Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay. Thông điệp này một lần nữa nhắc nhở mọi người, mỗi quốc gia hãy luôn xem công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước.

Cục Điều tra Dân số Mỹ vừa đưa ra dự báo, vào năm 2012, dân số thế giới có thể đạt ngưỡng 7 tỉ người (hiện nay là 6,7 tỉ người). Tốc độ tăng dân số nhanh nhất vẫn đang tập trung tại các quốc gia nghèo khó ở châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ... Theo UNFPA, hiện nay, cứ mỗi phút ở đâu đó tại các nước đang phát triển lại có một phụ nữ tử vong do thai sản và 20 người khác phải chịu di chứng. Thực tế, nhiều hệ lụy kéo theo sự tăng dân số ở các nước nghèo là tình trạng thiếu lương thực, thiếu khả năng chăm sóc y tế, học hành, nhà ở... tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong bối cảnh thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực, năng lượng, ô nhiễm môi trường...

Ở nước ta, Bộ Y tế và UNFPA đã tổ chức buổi họp báo đánh giá tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong 6 tháng đầu năm 2008. Qua đó, nổi lên vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng đột biến. Chỉ tính trong quý I – 2008, số trẻ sinh ra tăng hơn 18.000 trẻ (tương ứng 7,2%) so với cùng kỳ năm 2007. Có 39 tỉnh, thành có mức tăng dân số cao -trong đó, có 5 tỉnh, thành có số trẻ sinh tăng trên 25% là : Sóc Trăng (41,2%), Sơn La (40,3%), TP Hồ Chí Minh (30,2%), Hà Nội (27,6%), Hà Giang (25,6%). Cùng thời gian này, số trẻ là con thứ 3 trở lên được sinh ra đã tăng gần 5.000 trẻ (tương ứng 17,3%) so với năm 2007. Những con số này đang làm đau đầu các ngành chức năng. Theo đánh giá chung, tình trạng dân số đang tăng nhanh trở lại ở một số tỉnh, thành là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể buông lỏng công tác kiểm soát dân số, nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về DS -KHHGĐ còn hạn chế. Mặt khác, công tác dân số gặp không ít khó khăn do đang trong giai đoạn cơ cấu sắp xếp lại bộ máy tổ chức, chế độ đãi ngộ cho người làm công tác DS- KHHGĐ còn nhiều bất hợp lý.

Theo công bố của Tổng Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tính đến ngày 4-7, dân số Việt Nam đã đạt đến 86,5 triệu người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có đông dân đứng thứ 13 trên thế giới. Thế nhưng, chỉ số phát triển con người (HDI) và các chỉ tiêu về chất lượng dân số (trình độ văn hóa, tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân đầu người) của Việt Nam hiện chỉ xếp thứ 105/175 nước. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta. Đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam cần tập trung đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, trong đó ưu tiên cho việc cung cấp, phổ biến các biện pháp tránh thai và phòng chống các tai biến thai sản.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tập trung triển khai một số biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền và hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan đến vấn đề DS-KHHGĐ; tăng cường nhân lực cho công tác dân số, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và những địa bàn có mức sinh cao. Nhân Ngày Dân số thế giới năm nay, Bộ Y tế cũng đưa ra lời kêu gọi: “Kế hoạch hóa gia đình cần phải là một vấn đề mấu chốt trong Chiến lược Dân số hiện hành”.

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua công tác DS-KHHGĐ đạt nhiều kết quả khả quan. Trong chiến dịch truyền thông dân số đợt I năm 2008 (từ 1-3 đến 30-4) các tiêu chí đều vượt chỉ tiêu được giao. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-3-2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, TP Cần Thơ đã đẩy mạnh được công tác xã hội hóa dân số, tỷ lệ tăng dân số giảm còn 1,06%. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tỉnh, thành khác, công tác DS-KHHGĐ của thành phố cũng đang gặp một số khó khăn khi Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ cũng mới vừa được thành lập, còn đang trong tình trạng sắp xếp, ổn định nhân sự... Lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ chỉ đạo sát sao các tổ chức trực thuộc không để đình trệ công tác DS-KKHGĐ, tiếp tục thực hiện, đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Để hưởng ứng lời kêu gọi của UNFPA, của Bộ Y tế, TP Cần Thơ cùng cả nước đã và đang tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng công tác dân số, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tư vấn, hướng dẫn người dân hiểu biết đầy đủ lợi ích của KHHGĐ, tự nguyện lựa chọn và thực hiện một biện pháp tránh thai phù hợp, ưu tiên đầu tư vận động KHHGĐ đến các vùng sâu, vùng xa... Song song đó, điều quan trọng là mỗi người trong chúng ta- nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân- cần tích cực phối hợp với cán bộ, cộng tác viên dân số địa phương thực hiện tốt KHHGĐ trước hết là để đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình mình. Mỗi gia đình nên dừng lại ở mức có 2 con để có điều kiện chăm sóc nuôi dạy con cái tốt hơn. Điều này còn là nền tảng trong việc nâng cao chất lượng dân số, đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn cho xã hội trong tương lai. Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước bền vững.

TÂN TÂN

Chia sẻ bài viết