03/12/2017 - 18:07

Vì sao tức giận có thể giết chết chúng ta? 

Giữ bình tĩnh là việc khó khăn đối với nhiều người. Một cuộc khảo sát tại Anh cho thấy hơn 30% người được hỏi cho biết họ có một người bạn thân hay thành viên trong gia đình khó kiểm soát cơn giận và 10% thừa nhận không có khả năng giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ đều cho thấy giận dữ dễ sinh bệnh và dần mòn giết chết chúng ta, bằng nhiều lý do như:

Người giận dữ chết sớm hơn. Các chuyên gia tại Đại học bang Iowa (Mỹ) phát hiện, nam giới (độ tuổi 20-40) hay nóng giận có nguy cơ tử vong trong 35 năm tiếp theo cao gấp 1,5 lần so với người bình tĩnh hơn. Lý do là khi nóng giận, cơ thể giải phóng các hoóc-môn liên quan đến căng thẳng tinh thần (stress) như adrenaline, về lâu dài sẽ tổn hại ADN, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như đa xơ cứng.

Dễ mất ngủ. Cảm giác tức giận tạo phản ứng mạnh trong hạch hạnh nhân  ở trung tâm não bộ, gây lo lắng cho cả não bộ lẫn cơ thể, làm tăng lưu lượng máu đến tay chân và tim, khiến cơ thể khó chuyển sang cơ chế thư giãn (để buồn ngủ). Theo các nhà thần kinh học tại Đại học Massachusetts (Mỹ), những người hay tức giận dễ bị mất ngủ hơn những người biết cách tự xả stress.

Hay nhức đầu. Những cảm xúc như kích động hay tức giận đều dẫn đến việc giải phóng các hoóc-môn gây stress như cortisol, adrenaline và testosterone, khiến cơ thể rơi vào trạng thái “đương đầu hoặc né tránh”. Tình trạng này làm tăng lưu lượng máu đến não, khiến cả mạch máu và dây thần kinh xung quanh não căng lên, dẫn đến căng thẳng và nhức đầu.

Phát triển bệnh phổi. Các chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện những người đang trải qua cảm giác tức giận thường bị giảm chức năng hô hấp. Các nghiên cứu về chức năng phổi của trên 2.000 nam giới sau hơn 8 năm cho thấy, so với người ít hay giận dữ, người hay giận dữ có kết quả kiểm tra về chức năng hô hấp tệ hơn.

Lo âu và chán nản. Khi cảm thấy tức giận, các chất dẫn truyền thần kinh và hoóc-môn hòa vào dòng máu, từ đó làm tăng nhịp tim và gây căng cứng cơ. Sự xuất hiện thường xuyên của hiện tượng này gây áp lực lên các tế bào thần kinh ở vùng dưới đồi (hypothalamus) – trung tâm kiểm soát stress của não, tạo ra cảm giác lo âu. Trong khi đó, hoóc-môn tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc serotonin lại giảm đáng kể khi chúng ta giận dữ.

Thường xuyên bị bệnh. Theo các chuyên gia tại Đại học Southampton (Anh), quá nhiều hoóc-môn gây stress cortisol trong cơ thể (được giải phóng bởi tuyến thượng thận mỗi khi giận dữ) có thể dẫn đến mất cân bằng lượng đường trong máu, chèn ép tuyến giáp và thậm chí làm giảm mật độ xương. Ban đầu, cortisol kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra phản ứng chống viêm nhưng về lâu dài, sự gia tăng hoóc-môn này sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi-rút hơn.

Dễ bị cao huyết áp và bệnh tim. Hai nghiên cứu riêng biệt của Đại học Chicago và Đại học Stanford (Mỹ) đều cho thấy những người hay giận dữ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng lên do sự gia tăng hoóc-môn gây stress adrenaline, tim sẽ đập nhanh hơn và làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Sự xuất hiện của adrenaline cũng báo hiệu của sự giải phóng tiểu cầu, có thể hình thành cục máu đông hoặc gây tắc nghẽn động mạch. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu động mạch đã bị hẹp sẵn vì tích tụ cholesterol. Nghiên cứu của Đại học Harvard trên đối tượng nam giới cho thấy người được chấm điểm với mức độ giận dữ cao có nguy cơ mắc bệnh tim gấp 3 lần.

Chức năng tiêu hóa suy yếu. Một khi trạng thái “đương đầu hoặc né tránh” được kích hoạt bởi não, lượng máu sẽ được dồn đến các bộ phận sẵn sàng gây hấn như chân tay. Điều này đồng nghĩa lượng máu cung cấp cho hệ tiêu hóa giảm đi, kéo theo đó là giảm lượng ôxy cần thiết để duy trì sự sống của các lợi khuẩn trong ruột, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Các chuyên gia tại Đại học California (Mỹ) cho biết, hệ miễn dịch bị suy yếu có thể làm thành ruột yếu theo và dễ bị xâm nhập bởi vi khuẩn và tác nhân gây bệnh.

Mau già. Các chuyên gia Brazil chỉ ra rằng stress làm giảm lượng glucocorticoid – hoóc-môn tham gia vào việc tổng hợp collagen cho da, khiến làn da bị nhăn. Còn các bác sĩ da liễu ở Đại học Rochester (Mỹ) thì nói rằng tức giận làm gián đoạn chức năng đề kháng của da, tạo điều kiện cho các chất gây dị ứng dễ dàng xâm nhập, dẫn đến các bệnh viêm da hay vẩy nến.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết