02/08/2017 - 10:29

Vì sao Hàn Quốc từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân?

Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và để ngỏ khả năng sử dụng nó để chống lại kẻ địch. Vậy tại sao quốc gia láng giềng Hàn Quốc lại không sở hữu loại vũ khí tương tự?

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng thử ICBM của Triều Tiên hôm 28-7. Ảnh: AP

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng thử ICBM của Triều Tiên hôm 28-7. Ảnh: AP

Câu hỏi trên đang được khơi lại sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng hôm 28-7. Vụ phóng này đã gióng hồi chuông báo động về nguy cơ xảy ra xung đột trên Bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc có hẳn một chương trình năng lượng hạt nhân và có thể tập hợp ý kiến chuyên môn để bắt đầu phát triển chương trình vũ khí hạt nhân chỉ trong giai đoạn khá ngắn (khoảng 18 tháng). Ý tưởng này năm ngoái đã nhận được sự ủng hộ đáng kể cả trong lẫn ngoài nước.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giới phân tích có nhiều lý do để quan ngại sâu sắc trước viễn cảnh chương trình hạt nhân của Hàn Quốc.

Nếu tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân, nghĩa là Hàn Quốc sẽ rút khỏi hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Seoul đã phê chuẩn hồi tháng 4-1975 dưới sức ép của Mỹ và Canada.

Động thái này có thể làm phai mờ vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế và kéo theo các lệnh trừng phạt. Thậm chí nó cũng có thể tạo ra những rắc rối cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân nội địa, vốn chiếm 30% tổng mức tiêu thụ của Hàn Quốc.

Tệ hơn, người ta lo ngại chương trình hạt nhân của Hàn Quốc có thể khơi mào cuộc đua vũ trang trong khu vực, với việc Nhật Bản hoặc Đài Loan có thể phát triển vũ khí hạt nhân, hoặc Trung Quốc mở rộng chương trình hạt nhân của họ. Kịch bản này có thể gia tăng bất ổn cho khu vực cũng như xói mòn sự ổn định nơi đây.

Ngay trên Bán đảo Triều Tiên, trước mối đe dọa Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể được “khích lệ” phát động cuộc tấn công phủ đầu. Hiểm họa tính toán sai lầm ở mỗi bên có thể càng lớn hơn.

Năm ngoái, chủ nhân Nhà Xanh khi đó là bà Park Geun-hye đã bác bỏ ý tưởng phát triển vũ khí hạt nhân khi vấn đề này được khơi lại. Nay đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nỗ lực theo đuổi các cuộc hòa đàm với Triều Tiên vì ông phản đối dùng giải pháp quân sự để giải quyết xung đột.

Dù có những cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ cao người dân Hàn Quốc muốn phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên, nhưng điều này gây tranh cãi bởi người dân xứ kim chi thường được thăm dò ngay sau một vụ thử tên lửa của quốc gia láng giềng.

Ý kiến khác thì cho rằng bàn về vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc chỉ nhằm gây sức ép lên các quốc gia khác, nhất là Mỹ và Trung Quốc - đồng minh thân cận của Triều Tiên.

“Đây là cách để thông báo đến người Trung Quốc rằng nếu các bạn không hợp tác về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình”- Park Syung-je, Chủ tịch Viện Chiến lược châu Á tại Seoul, trả lời báo Washington Post mới đây. 

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết