21/07/2011 - 19:54

Vì sao doanh nghiệp chưa sử dụng hóa đơn điện tử ?

Nhân viên Cục Thuế TP Cần Thơ tư vấn cho DN kê khai điện tử hướng đến sử dụng HĐĐT.
Ảnh: TUYẾT TRINH

Ngày 14-3-2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BTC hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Thông tư này có hiệu lực kể từ 1-5-2011. Có thể nói, việc sử dụng HĐĐT là bước phát triển đáng kể trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong hiện đại hóa công tác quản lý về thuế, trong giao dịch, mua bán trao đổi giữa các doanh nghiệp (DN) và giữa DN với người tiêu dùng... Dù được khẳng định là nhiều tiện ích nhưng đến nay, tại TP Cần Thơ, vẫn chưa có DN nào sử dụng HĐĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Ông Mã Âu U, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP Cần Thơ, cho biết: HĐĐT mang lại nhiều tiện ích cho DN khi sử dụng. Điển hình như: HĐĐT giảm gánh nặng về không gian để lưu trữ hơn so với hóa đơn giấy cho các DN. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để đơn giản hóa đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính về giấy tờ, tiết kiệm chi phí giao dịch hóa đơn, phát hành hóa đơn, thông tin trao đổi giữa các DN và cơ quan thuế được thuận tiện và nhanh chóng. Áp dụng HĐĐT, DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm với thông tin hóa đơn được phát hành, hạn chế rủi ro... Hiện nay, Cục Thuế TP Cần Thơ đã triển khai cho các DN thực hiện kê khai điện tử nhằm hướng đến mục tiêu 100% DN trên địa bàn thành phố kê khai điện tử. Việc này sẽ tạo nền tảng cho các DN tiến tới sử dụng HĐĐT trong tương lai. Ngoài ra, sử dụng HĐĐT góp phần bảo vệ môi trường. Bởi hạn chế sử dụng giấy, hạn chế được một lượng đáng kể rác thải phát sinh và giữ lại được thêm cây xanh làm giấy.

Theo ông Mã Âu U, để được phát hành HĐĐT, người bán hàng hóa, dịch vụ phải là tổ chức đang thực hiện giao dịch điện tử trong kê khai thuế với cơ quan thuế; hoặc có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, có địa điểm, các đường truyền tải thông tin, mạng thông tin, chữ ký điện tử... Trước khi khởi tạo hóa đơn điện tử phải ra quyết định áp dụng HĐĐT gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. HĐĐT gồm các loại: hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, các loại hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, phiếu thu cước vận chuyển hàng không, chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng... Theo quy định của Nhà nước, HĐĐT có giá trị tương đương hóa đơn giấy. Bên mua, bên bán có thể chuyển đổi HĐĐT sang hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán nhưng phải đáp ứng một số điều kiện: phản ảnh toàn vẹn nội dung của HĐĐT gốc, có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ HĐĐT sang hóa đơn giấy, có chữ ký và tên của người được chuyển đổi...

Mặc dù HĐĐT mang nhiều lợi ích thiết thực nhưng đến nay trên địa bàn TP Cần Thơ chưa có DN nào lựa chọn áp dụng HĐĐT. Bởi phần lớn các DN còn khá “e ngại” những khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, việc đăng ký và sử dụng chữ ký số là một trở ngại lớn cho các DN. Trên địa bàn thành phố hiện nay số DN sử dụng chữ ký điện tử còn rất hạn chế. Việc sử dụng chữ ký điện tử đòi hỏi DN có trình độ nhất định về điện tử, tin học. Tuy nhiên, hiện nay, không phải bất cứ DN nào cũng trang bị những kiến thức trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều DN lo ngại tính không an toàn của loại chữ ký này vì hình thức này còn khá mới mẻ. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Motilen, cho biết: “Nói đến tính xác thực của thông tin nghĩa là chữ ký, từ trước đến nay vai trò của chữ ký trong các văn bản nhằm xác định tác giả của văn bản, thể hiện sự chấp nhận của tác giả đối với nội dung thông tin chứa đựng trong văn bản. Đối với Việt Nam, chữ ký điện tử là một vấn đề mà chúng ta chỉ mới có những bước đi đầu tiên. Vì vậy, các ngành chức năng cần có những việc làm thiết thực hoàn thiện và nhân rộng, để chữ ký điện tử trở nên phổ biến trong giao dịch điện tử”.

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có khoảng 5 nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số. Ngoài ra, chi phí trong việc thực hiện HĐĐT cao hơn hóa đơn tự in do phải đầu tư chi phí ban đầu như: trang bị trang thiết bị máy vi tính, phần mềm sử dụng cho việc khởi tạo HĐĐT; đào tạo nguồn nhân lực; chi phí dịch vụ chữ ký điện tử... Vì vậy, các DN nhỏ, lẻ không ưu tiên lựa chọn loại hóa đơn này. Ông Mã Âu U, cho biết thêm: Khi áp dụng HĐĐT, các DN không chỉ liên kết với cơ quan thuế mà còn phải có sự liên kết với cả ngân hàng, người mua, người bán. Trong khi đó liên kết với ngân hàng thì dễ dàng, còn liên kết với người mua và người bán thì khó hơn. Nếu DN này thực hiện, DN khác lại không thực hiện thì không thể giao dịch cùng nhau được. Các DN này chỉ có thể sử dụng HĐĐT giao dịch với các DN nước ngoài, phải sử dụng thêm loại hóa đơn khác giao dịch với các DN trong nước, như vậy rất bất tiện cho các DN sử dụng HĐĐT. Do đó, DN còn khó khăn trong việc áp dụng HĐĐT vào việc trao đổi mua bán, các DN phải thực hiện một cách đồng loạt. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm, các nhà mạng vẫn chưa đáp ứng tốt những điều kiện bảo đảm cho sự hoạt động của HĐĐT...

Việc áp dụng HĐĐT là một khâu đột phá, bãi bỏ những giấy tờ trong hồ sơ không cần thiết, gây phiền hà cho cả cơ quan thuế và các DN. Do đó, để HĐĐT được thực hiện thuận lợi cần sự chủ động tích cực không chỉ riêng các cơ quan quản lý về thuế mà còn là chính ở các DN. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan như cung cấp chữ ký điện tử, dịch vụ phần mềm, mạng truyền tải... cần có hỗ trợ để DN có thể ứng dụng rộng rãi HĐĐT trong thời gian tới...

T.Nhung-T.Trinh

Nhân viên Cục Thuế TP Cần Thơ tư vấn cho DN kê khai điện tử hướng đến sử dụng HĐĐT. Ảnh: TUYẾ

Chia sẻ bài viết