14/12/2007 - 11:10

Vì sao công trình đường và cầu qua cồn Khương vẫn ì ạch?

Cuối năm 2005, công trình cầu và đường qua cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do Công ty Cổ phần xây dựng 304 (gọi tắt là Công ty 304), thi công đã hoàn thành phần cầu, được xem là công trình có tiến độ thi công nhanh nhất tại thời điểm này. Nhưng từ đó đến nay, công trình bị “nằm im”, vì công tác giải tỏa bồi hoàn chưa xong. Doanh nghiệp vừa gặp cảnh vật tư trượt giá, vừa bị dân khiếu nại xâm hại quyền lợi. Vì sao có tình trạng này?

Rắc rối vì thuê đất làm công trình

Từ giữa năm 2002, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) có chủ trương triển khai Dự án xây dựng đường và cầu cồn Khương, nhằm tận dụng lợi thế khu đất cồn nằm giữa đô thị Cần Thơ để khai thác dịch vụ du lịch. Tháng 9-2004, ông Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký Quyết định số 2833/QĐ.CT.UB phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, với tổng kinh phí đầu tư trên 61 tỉ đồng - trong đó, phần xây dựng trên 35,6 tỉ đồng do Sở Du lịch TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu xây dựng công trình này là Công ty 304.

Khi khởi công xây cầu qua cồn Khương (ngày 18-3-2005), thì phần đất làm đường dẫn ở 2 đầu cầu chưa được tính mức bồi hoàn. Trong đó, ở bờ cồn Khương dự án chỉ quy hoạch 3.013 m2 đất vườn của ông Lê Văn Vui (Hai Vui), để làm đường dẫn từ cầu cồn Khương đổ ra đường sông Hậu là trục chính trong khu cồn Khương. Đoạn dẫn này chỉ 150 mét tới, nên ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty 304, đã ký hợp đồng thuê 3.400m2 đất ở bờ cồn Khương của ông Hai Vui, để khởi công dự án. Thời hạn hợp đồng tính từ ngày 20-4-2005 đến khi ông Hai Vui được chủ đầu tư bồi hoàn, mức giá 2,5 triệu đồng/tháng. Ông Dũng cho biết: “Theo hợp đồng với nhà đầu tư, công trình phải hoàn thành sau 2 năm thi công. Theo đó, tôi phải đổ cát để chuẩn bị cốt nền, khi làm xong cây cầu, nếu ông Hai Vui chấp nhận giá bồi hoàn của thành phố thì cuối năm 2007 công trình sẽ hoàn thành đúng kế hoạch”.

Ông Lê Văn Vui (bìa trái) không cho Công ty 304 đóng mố cầu, vì phần đất này chưa được bồi hoàn. Ảnh: M.N

Đến ngày 23-11-2006, Công ty 304 đã giao đủ số tiền 47,5 triệu đồng/19 tháng thuê đất cho ông Hai Vui. Thế nhưng, hai tuần sau (vào ngày 9-12-2006), khi Công ty 304 chuẩn bị đóng mố cầu số 5, nhằm nối mặt cầu với đường dẫn thì bị gia đình ông Hai Vui dùng vũ lực để ngăn cản. Công ty 304 phải ngưng thi công công trình. Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: “Chúng tôi đã gởi văn bản trình báo sự việc với Sở Du lịch TP Cần Thơ và các cơ quan chức năng. Nhưng sự việc rơi vào im lặng, chúng tôi buộc phải điều phương tiện sang thi công các công trình xây dựng khác. Xảy ra tình trạng này do ông Hai Vui không chấp nhận mức giá bồi hoàn của thành phố. Phần lỗi không thuộc Công ty 304, nên chúng tôi cũng không tiếp tục chi trả tiền thuê đất cho ông Hai Vui”.

Điều đáng nói, vào ngày 9-3-2005, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty 304, đã ký hợp đồng với ông Lê Ngọc Sang (con ông Hai Vui) để mượn phần đất bãi bồi của rạch Khai Luông, diện tích khoảng 1.000 m2 để san lấp cát làm mặt bằng phục vụ lễ khởi công xây cầu và tập kết thiết bị thi công. Công ty 304 đã hỗ trợ cho ông Sang 1 lần với số tiền 5 triệu đồng, để thuê đất trong 30 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng. Phần ranh giới bãi bồi được ghi trong hợp đồng như sau: “Từ bờ tường của Công ty Linh Thành đến hết phạm vi san lấp cát. Giấy chứng nhận sử dụng đất số 00073”. Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau (ngày 7-4-2005), ông Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã ký Văn bản số 1229/UB, nội dung: “Cho phép Sở Du lịch thành phố được sử dụng phần đất bãi bồi có diện tích khoảng 1.000 m2. Có tứ cận tiếp giáp: Bắc giáp khu đất dự án Công ty Linh Thành, Nam giáp đất xây dựng cầu cồn Khương, Đông giáp đất của dân và Tây giáp sông Khai Luông. Khi công trình hoàn thành, Sở Du lịch thành phố phải giao phần đất này cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý”. Ông Dũng đã gởi văn bản này cho ông Lê Ngọc Sang. Nhưng ông Dũng đã bị ông Lê Văn Vui và ông Lê Ngọc Sang khiếu kiện vì vi phạm hợp đồng mượn đất. Chính quyền địa phương phải nhiều lần hòa giải, nhưng không thành!

Vì sao có tình trạng này?

Thực ra, khi thành phố triển khai xây cầu cồn Khương, dù phần đất vườn được quy hoạch chưa có giá bồi hoàn, nhưng ông Hai Vui vẫn vui vẻ cho Công ty 304 thuê để công trình được tiến hành thuận lợi. Ông Hai Vui cho biết: “Vào ngày 6-4-2005, Ban Đền bù thiệt hại - Giải phóng mặt bằng (ĐBTH-GPMB) quận Ninh Kiều đến kiểm kê hoa màu, đã vận động tôi cho Công ty 304 mượn đất để thi công. Tôi đã đồng ý và nói thôi thì ở đầu cầu này chỉ có mình tôi, còn bên bờ Cần Thơ có nhiều bà con, hễ Nhà nước tính cho bà con bên kia sao thì tui cũng chịu như vậy. Ban ĐBTH-GPMB của quận cũng hứa miệng với tôi như vậy và còn cho biết ngoài tiền đền bù, tôi còn được nhận tiền thưởng. Thế nhưng, đến tháng 11-2006 Ban ĐBTH-GPMB của quận thông báo mức giá đền bù 3.013m2 đất vườn của tôi chỉ được 379 triệu đồng (chưa tính chi phí bồi hoàn hoa màu), tính bình quân chỉ 126.000 đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với bà con ở bờ bên kia. Tôi đã gởi đơn khiếu nại và chờ giải quyết, nên không đồng ý cho Công ty 304 đóng mố cầu, nhưng công ty vẫn tiến hành thi công nên tôi mới làm dữ lên!”.

Ông Lê Hoàng Đức, Trưởng Ban ĐBTH-GPMB quận Ninh Kiều, cho biết: “Do thời điểm áp giá, Hội đồng thẩm định thành phố cho rằng phần đất bên bờ cồn Khương là khu vực nông thôn, không tính chế độ hỗ trợ đất vườn nằm xen đô thị như ở bờ Cần Thơ. Chế độ hỗ trợ này được tính bằng 30% trên giá trị m2 đất ở (30% của 600.000 đồng = 180.000 đồng)”. Công bằng mà nói, phần đất quy hoạch làm đường dẫn cầu cồn Khương của ông Hai Vui đang nằm ở vị trí sinh lợi, vì có đến 35 mét tới là mặt tiền đường sông Hậu. Vì thế ông Hai Vui đã khiếu nại, không chấp nhận mức giá bồi hoàn mà thành phố đã đưa ra.

Xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Văn Nhứt, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: “Công trình cầu và đường cồn Khương chậm là do thành phố thiếu kinh phí. Trong năm 2005 và 2006 chỉ được bố trí 30 tỉ đồng vốn xây dựng cơ bản nhằm phục vụ cho phần làm cầu. Việc phóng tuyến đường từ cầu cồn Khương đổ ra đường Cách Mạng Tháng 8 (chỗ đối diện với đường Nguyễn Văn Cừ), phải thu hồi trên 25.000 m2 đất, tổng kinh phí bồi hoàn trên 36 tỉ đồng. Thành phố vừa cấp vốn bổ sung cho năm 2007, tổng cộng được 34 tỉ đồng, cơ quan chức năng đang ráo riết chi trả cho 89 hộ dân, nhằm dứt điểm công tác bồi hoàn”.

Theo hướng này, vào 15-10-2007, lãnh đạo Sở Du lịch cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng, như Ban ĐBTH-GPMB, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất... đã có cuộc họp cùng với ông Lê Văn Vui và Lê Ngọc Sang. Nội dung cuộc họp nhằm làm rõ phần đất bãi bồi mà Công ty 304 đang sử dụng là thuộc quỹ đất của thành phố, khi công trình hoàn tất, Sở Du lịch phải giao phần đất này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý. Đồng thời, xác định ý kiến của ông Hai Vui về việc quận Ninh Kiều đã đề nghị thành phố điều chỉnh giá bồi thường đất phía bờ cồn Khương. Trong đó, đất trồng cây lâu năm được chi trả 105.000 đồng/m2 cộng với 180.000 đồng/m2 chế độ hỗ trợ 30% như phía bờ Cần Thơ. Thế nhưng, ông Hai Vui, cho biết: “Khi có kết quả điều chỉnh giá, gia đình sẽ thỏa thuận lại với ban quản lý. Riêng phần đất bãi bồi, gia đình tôi đồng ý cho dự án sử dụng, nhưng khi hoàn thành phải giao trả lại cho gia đình tôi. Vì gia đình tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để phụ bồi”. Ông Đặng Hoàng Kim, Chánh Thanh tra Sở Du lịch kiêm Phó trưởng Ban quản lý dự án cầu và đường qua cồn Khương, cho biết: “Khi triển khai dự án, Sở Du lịch đã có văn bản gởi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ xin được sử dụng phần đất bãi bồi. Nhưng do doanh nghiệp đã sơ suất trong hợp đồng mượn đất với ông Lê Ngọc Sang, nên bị gia đình ông Sang làm khó”.

Trên thực tế, 3 ngày sau khi Công ty 304 làm lễ khởi công xây cầu cồn Khương (ngày 21-3-2005), thì ông Huỳnh Văn Nhứt mới ký Văn bản số 101/SDL gởi Sở Tài nguyên và Môi trường “Đề nghị xin sử dụng phần đất bãi bồi phục vụ thi công”. Đây là cơ sở pháp lý để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc thi công, nhưng cơ quan thực thi dự án đã không kịp thời tham mưu để lãnh đạo thành phố có quyết định phù hợp, vô hình trung dẫn đến tình trạng người dân “tranh chấp” quyền lợi với thành phố. Còn nhớ, đợt triều cường tháng 10-2006 đã làm vỡ đoạn đê bao trên phần bãi bồi do Công ty 304 quản lý, nước tràn vào khu vườn của ông Hai Vui. Ông Hai Vui đã yêu cầu ông Nguyễn Hoàng Dũng bồi thường thiệt hại hoa màu 5 triệu đồng. Ông Dũng, cho biết: “Chúng tôi thỏa thuận hỗ trợ cho ông Hai Vui 2,5 triệu đồng. Vì sự cố là do thiên tai gây ra, vả lại ông Hai Vui đơn phương kê khai thiệt hại hoa màu mà không mời chúng tôi đến xem xét. Thế nhưng ông Hai Vui không chấp nhận. Hiện nay, sự việc phải đưa ra tòa để giải quyết theo pháp luật”. Như vậy, nếu như ông Hai Vui đã chấp nhận mức bồi hoàn của thành phố, nhưng vẫn tiếp tục “làm khó” Công ty 304 thì tiến độ thi công cũng gặp cản ngại.

Thiết nghĩ, nếu như cơ quan chức năng không tiếp tay hỗ trợ, để ông Hai Vui đồng thuận với doanh nghiệp, thì khó giải quyết được tình trạng ì ạch của công trình.

ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết