23/03/2018 - 07:33

Vi phạm lòng tin! 

Sau nhiều ngày im lặng, cuối cùng lãnh đạo mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã phải lên tiếng thừa nhận sai lầm và  xin lỗi người dùng vì thông tin cá nhân của họ bị chia sẻ và sử dụng vào mục đích chính trị. 

Ảnh: Business Insider
Ảnh: Business Insider

Trong ngày 22-3, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg liên tục trả lời phỏng vấn của nhiều hãng tin và tờ báo Mỹ để giải trình về thông tin hơn 50 triệu người dùng có thể đã bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica (CA) có trụ sở tại Anh lợi dụng. CA có được thông tin của người sử dụng Facebook nhờ một ứng dụng do nhà nghiên cứu tâm lý Aleksandr  Kogan, giáo sư Đại học Cambridge phát triển năm 2013. Ứng dụng này   giúp ông Kogan thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng trên diễn đàn mở Facebook và sau đó bán lại cho CA năm 2015. Công ty này lại là tư vấn chính trị cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và đã nhận được 6 triệu USD. Dữ liệu người sử dụng Facebook mà CA nhắm tới dĩ nhiên là cử tri Mỹ. Trong khi đó, Ông Zuckerberg lý giải rằng từ  năm 2014, Facebook đã cấm bên thứ ba sử dụng dữ liệu trên các  ứng dụng của Facebook. Và từ năm 2015, Facebook cũng đã cấm CA và cá nhân ông Kogan sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được qua ứng dụng nói trên. Tuy nhiên, ông Zuckerberg không  trả lời vì sao Facebook không thể phát hiện hành vi vi phạm vừa bị phanh phui của CA. Ông chỉ tuyên bố “đây là một sự vi phạm lòng tin giữa Kogan, CA và Facebook, đồng thời là sự vi phạm lòng tin giữa Facebook và những người chia sẻ dữ liệu với chúng tôi và hy vọng chúng tôi bảo vệ nó”. 

“Tôi thành thật xin lỗi những gì đã xảy ra. Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của các bạn. Nếu chúng tôi không thể làm được điều này, chúng tôi không xứng đáng có cơ hội phục vụ các bạn” - ông chủ Facebook giãi bày và tán thành ý kiến cho rằng các công ty công nghệ như Facebook cần phải được quản lý chặt chẽ hơn. Trước đó, trên Facebook, ông Zuckerberg cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ người dùng.

Những lời thú nhận  của lãnh đạo Facebook được cho là hơi chậm khi mà giá cổ phiếu của mạng xã hội này đã giảm 8% và làm bốc hơi khoảng 46 tỉ USD giá trị thị trường của công ty. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Facebook kể từ khi được thành lập năm 2004. Cuộc khủng hoảng này có thể tiếp tục lan rộng trước áp lực chính trị tại Mỹ và một số nước khác có liên quan đến chiến dịch bầu cử, trưng cầu dân ý. Và chính ông Zuckerberg thừa nhận Facebook đang phải kiểm tra lại “một số lượng lớn thông tin” mà “hàng ngàn” ứng dụng có thể tiếp cận với người dùng Facebook. Nhiều quả bom mới có thể đang chờ Facebook!

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết