17/10/2018 - 10:24

Ngày cả nước vì người nghèo 17-10

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững 

 Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng với tập trung triển khai các chính sách trợ giúp, TP Cần Thơ quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững, thu hút hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Đây là cách làm thiết thực, hiệu quả, thể hiện rõ nét sự phối hợp các ngành, đoàn thể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo địa phương từng năm.  

Những mô hình giảm nghèo

Chúng tôi đến nhà chị Trang Tuyết Mai, khu vực 6, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, khi chị vừa đi bán về. Chị Tuyết Mai vui vẻ kể: “Mỗi sáng, từ 5 giờ đến 9 giờ, tôi bán xôi mặn, tiền lời khoảng 100.000 đồng. Buổi chiều, tôi nhận sửa, may quần áo cho bà con trong khu vực hay phụ việc lặt vặt. Nhờ được địa phương giới thiệu vay vốn mua bán, có đồng ra đồng vào, tôi thấy phấn chấn, an tâm làm ăn”. Năm 2011, chồng đột ngột qua đời, chị Mai một mình bươn chải mua bán, lo cho 2 con ăn học, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2013, chị Mai được phường xét vào diện hộ nghèo, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để lo học phí cho các con; mua bán nhỏ thức ăn các loại. Năm 2015, chị được xét thoát nghèo, tiếp tục vay 25 triệu đồng để duy trì mô hình mua bán nhỏ. Hiện 2 con chị Mai đang làm công nhân với mức lương ổn định.

 Hằng ngày, anh Quang dành thời gian chăm sóc bò ăn khỏe, chóng lớn. 

Chị Tuyết Mai là một trong nhiều hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình “Mua bán nhỏ làm kinh tế gia đình thoát nghèo bền vững” phường An Khánh, thực hiện năm 2013. Năm 2013- 2014, qua rà soát, có 10 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia mô hình. Ban Giảm nghèo phường phối hợp các đoàn thể trao đổi, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng từng hộ nghèo để kịp thời có kế hoạch hỗ trợ phù hợp về nhà ở, vốn vay, học nghề, việc làm… Chị Võ Thị Hương, cán bộ giảm nghèo phường An Khánh, cho biết: “10 hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình chịu khó, chí thú làm ăn. Cùng với đáp ứng nhu cầu vốn vay, phường phân công cán bộ đoàn thể quan tâm hướng dẫn sử dụng vốn và cách mua bán phù hợp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động ý thức nỗ lực vượt khó, không trông chờ, ỷ lại, biết nắm bắt cơ hội vươn lên thoát nghèo”. Qua đó, có 2 hộ nghèo trở thành cận nghèo; 2 hộ nghèo thoát nghèo. Năm 2014-2015, có 7/10 hộ thoát nghèo; năm 2016-2017, có 10/15 hộ thoát nghèo và năm 2018-2019, có 10 hộ tham gia mô hình… Theo chị Võ Thị Hương, phường phát huy vai trò các ngành, đoàn thể quan tâm theo dõi, kịp thời hỗ trợ để các hộ làm ăn, mua bán. Mặt khác, phường không “buông đuôi” sau khi các hộ thoát nghèo mà tiếp tục đồng hành, tránh để tái nghèo.

Năm 2016, Hội Nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ phối hợp mở lớp nghề chăn nuôi, điều trị bệnh trâu, bò. Sau đó, Hội Nông dân xã xây dựng mô hình “Nuôi bò sinh sản thoát nghèo bền vững”, có 18 hội viên nghèo các ấp Thới Trường 1, Thới Trường 2, Thới Phước tham gia. Với số vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng/hộ, các hộ được giới thiệu mua bò giống, từ 16 triệu đến hơn 20 triệu đồng/con. Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Xuân, cho biết: “Mô hình này phù hợp với thực tế đời sống hộ nghèo trong xã. Hội viên không tốn chi phí thức ăn, chỉ chịu khó tìm cắt cỏ, đầu ra tiêu thụ khá thuận lợi, có thể bán con giống”. 

Chị Tuyết Mai tranh thủ lúc rảnh rỗi nhận sửa quần áo để kiếm thêm thu nhập.

Nhanh tay phụ vợ băm nhuyễn số cá con bắt lúc khuya để chuẩn bị thức ăn cho khoảng 1.000 cá lóc nuôi vèo hơn tháng nay, rồi xoay qua sắp xếp số cỏ tươi trữ “lương thực” cho bò, anh Nguyễn Văn Quang, hội viên nông dân dân tộc Khmer nghèo ấp Thới Trường 1, phấn khởi cho biết, gia đình anh hiện có 2 niềm vui là căn nhà Đại đoàn kết được xây tặng sắp hoàn thành và bò đẻ bê con hơn tháng nay. Vuốt ve cặp bò, anh Quang nói: “Tôi mua bò giống 20 triệu đồng. Nhờ tham gia lớp nghề nên tôi biết cách chăn nuôi, phòng trị bệnh cho bò”.

Nỗ lực duy trì, nhân rộng mô hình

 Theo Sở Lao động- thương binh và Xã hội thành phố, năm 2017-2018, thành phố chỉ đạo nhân rộng 470 mô hình sinh kế, giảm nghèo, thu hút 1.865 hộ nghèo, cận nghèo, với số tiền trên 29,9 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi và cộng đồng đóng góp. Bên cạnh đó, còn có các mô hình giảm nghèo do các hội, đoàn thể quản lý. Các hộ tham gia mô hình giảm nghèo tiếp nhận, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách- Xã hội. Đa số các hộ chịu khó lao động, có ý chí vươn lên thoát nghèo, được trang bị các kiến thức cơ bản trong sản xuất, kinh doanh... Chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất gắn kết các dự án khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm… Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số hộ nghèo gặp khó trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vốn chưa hiệu quả... Một vài địa phương thiếu kiểm tra giám sát, nên kết quả mô hình chưa cao…

Để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình, thời gian tới, thành phố hỗ trợ đủ vốn cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ theo quy định; mở các lớp tập huấn giúp các hộ nghèo hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp hộ nghèo thay đổi tư duy sản xuất, mua bán... Cùng với nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp, thành phố vận động, khuyến khích các nguồn lực xã hội trợ giúp hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đất ở, đất sản xuất, vốn vay… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết