24/11/2017 - 13:54

Venezuela lạm phát hơn 4.000% 

Các chuyên gia tài chính cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ lạm phát của Venezuela đã tăng hơn 4.000% trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng sau khi bị công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) tuyên bố chính thức “vỡ nợ một phần”.

Theo Giáo sư kinh tế học ứng dụng Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỷ lệ lạm phát tại Venezuela vào khoảng 4.115%. “Nền kinh tế Venezuela đang thực sự trong vòng xoáy nguy hiểm và ngày càng nghiêm trọng trong 2 tuần qua” - Giáo sư Hanke nhận định.

Người dân Venezuela chờ đợi trước máy ATM để rút tiền tại Thủ đô Caracas. Ảnh: Getty Images

CNN cho biết đồng nội tệ Venezuela trong năm nay cũng mất 96% giá trị, khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này càng trở nên tồi tệ. Nếu đầu năm 2017, 3.100 bolivar có thể đổi được một USD thì đầu tháng này, một USD đổi được 41.000 bolivar và đến ngày 21-11, trang web theo dõi tỷ giá hối đoái không chính thức DolarToday cho biết phải mất 84.000 bolivar để đổi lấy một USD.

Tình trạng đồng nội tệ liên tục mất giá đẩy cuộc sống người dân Venezuela vào tình trạng khó càng thêm khó khi giá cả hàng hóa tăng vọt. Theo công ty nghiên cứu Ecoanalitica, giá cả trong tháng 10 đã tăng khoảng 1.430% so với một năm trước. Giá tại khách sạn, nhà hàng trong tháng 10 cũng tăng 70% so với tháng 9. Hình ảnh người dân Venezuela phải đợi hàng giờ liền tại các máy ATM, siêu thị để rút tiền và mua hàng hóa không phải hiếm. Tình trạng thiếu lương thực, thuốc men được ghi nhận trên khắp đất nước.

Theo phân tích của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s, Venezuela nợ tổng cộng khoảng 141 tỉ USD. Cụ thể, chính phủ và công ty dầu khí quốc doanh PDVSA đang nợ các bên nắm giữ trái phiếu hơn 60 tỉ USD. Ngoài các khoản này, Venezuela còn nợ tiền Trung Quốc, Nga, các hãng cung cấp dịch vụ dầu mỏ, hãng hàng không Mỹ và nhiều tổ chức khác. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Venezuela hiện chỉ còn chưa tới 10 tỉ USD và có đến một nửa trong số đó là vàng. Thời gian gần đây, cả Chính phủ Venezuela lẫn công ty PDVSA đều không thể trả nợ đúng hạn. Đến hôm 14-11, S&P tuyên bố Venezuela chính thức rơi vào tình trạng “vỡ nợ một phần”.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro vẫn đang đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu các khoản nợ. Nhưng nếu Caracas tiếp tục không thể thanh toán các hóa đơn ngày càng tăng, giới đầu tư nhiều khả năng sẽ tịch thu các tài sản giá trị của Venezuela. Diễn biến này có thể làm tắc nghẽn nguồn tiền mặt mà chính phủ cần để nhập khẩu lương thực, thuốc men và đẩy Venezuela chìm sâu vào cuộc khủng hoảng nhân đạo.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết