03/04/2018 - 08:14

Vẽ tương lai từ những dòng thuật toán 

Từ​ng đ​oạt​ giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2016 – 2017 với đề tài “Ứng dụng máy tính đa năng NCALC”, Trần Lê Duy, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được tuyển thẳng vào những trường đại học có ngành đào tạo phù hợp. Ngoài ra, Duy còn là tác giả của hơn 30 ứng dụng di động, trong đó những ứng dụng được công bố trên kho Google Play có rất nhiều lượt tải về.

Vá tường từ những bằng khen

Duy có dáng người khá nhỏ nhắn, đôi mắt trong và vô cùng hoạt bát. Ba mẹ ly thân từ lúc Duy học lớp 8, em sống cùng ông bà ngoại và mẹ tại một căn nhà nhỏ ở phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngoài giờ học, Duy giúp đỡ ông bà ngoại chăm lo sạp tạp hóa của gia đình. Duy chia sẻ: “Mẹ em là công nhân may ở khu công nghiệp. Mẹ thường phải đi làm về khuya, có khi hơn 11 giờ tối. Ông bà ngoại ở nhà chăm sóc em và em trai. Hoàn cảnh khó khăn nên em cố gắng học tập, phụ giúp gia đình để sau này có cuộc sống tốt hơn”.

Bác ba Lê Văn Thảo – ông ngoại Duy bên cháu ngoại và bằng chứng nhận đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học.

Căn nhà xập xệ, vách lưa thưa và mục nát được che lấp bởi vô số bằng khen, cúp và huy chương mà Lê Duy mang về. Ông Lê Văn Thảo (Ba Thảo), ông ngoại Duy, năm nay đã 70 tuổi, mắt đã yếu, cẩn thận mang chồng bằng khen trong tủ ra “khoe” về cháu ngoại. Ông nói: “Nhà không có đất, con cháu xưa nay sống cực. Sạp tạp hóa nhỏ xíu này mà lâu lâu mới có được người mua, chủ yếu là để buôn bán cho vui tuổi già. Được cái cháu ngoại ham học và thông minh, thầy cô nào cũng khen, cũng thương hết”. Sau đó, ông chỉ tấm bằng chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cho Duy về giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, nói: “Thằng Duy phải giữ cho kỹ tấm bằng nghe con, mất là mất sự nghiệp đó”.

Bên cạnh giải thưởng mà ông Ba Thảo cho là “cả sự nghiệp”, Duy còn được nhiều giải thưởng khác như: Giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội, Giải Nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh An Giang năm 2017 với sản phẩm “Trình thông dịch Pascal trên Android”, Giải thưởng Bluebird Award 2017, Tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm 2018...

Hành trình chinh phục đam mê

Duy chia sẻ: “Bình thường em học ở trường vào buổi sáng, nếu không học thể dục vào buổi chiều thì từ 13 giờ đến 20 giờ em học lập trình, rồi từ 20 giờ đến 1 giờ sáng em học bài các môn trong lớp xong mới đi ngủ. Mỗi ngày em đều dành 8 tiếng để học lập trình, vì đam mê nên em không cảm thấy mệt mỏi”.

Duy ngại ngùng kể lại: “Những năm tiểu học em học tệ lắm, ham chơi và không tập trung nên thường bị mẹ và thầy cô la rầy. Đến năm lớp 5, thầy giáo khơi gợi niềm đam mê toán học trong em thông qua những câu đố, những chuyện kể. Có những câu đố mà các bạn không hiểu, nhưng em lại cảm thấy rất dễ dàng tìm ra câu trả lời. Từ đó em bắt đầu yêu toán học cũng như cố gắng học tập các môn khác. Từ lớp 5 đến nay em đều đạt học sinh giỏi”.

Đến cấp 3, người đã truyền cảm hứng, hỗ trợ và giúp đỡ Duy trong những cuộc thi là thầy Võ Việt Dũng, giáo viên Tin học Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thầy là người hướng dẫn, dìu dắt Duy trong học tập cho đến cả những vấn đề trong cuộc sống. Dù đạt nhiều thành tích, Duy cũng thẳng thắn nhìn nhận điểm chưa hài lòng về bản thân. Duy hài hước: “Em phát bóng không nổi, đá cầu cũng không xong, có khi phải… thi lại mấy lần”.

Tuổi 18 với 30 ứng dụng di động

Khi được hỏi về các ứng dụng di động của mình, Trần Lê Duy hào hứng chia sẻ: “Từ năm lớp 8 em đã tìm hiểu ngôn ngữ lập trình Pascal. Song, do không có máy tính nên em chủ yếu học lý thuyết qua sách, tài liệu từ thư viện và nuôi dưỡng ước mơ qua từng dòng lệnh được viết trên tập. Đến năm lớp 10, gia đình đã dành dụm 6 triệu đồng để mua cho em laptop. Cũng từ đó, em đã nghiên cứu viết phần mềm di động trên hệ điều hành Android”.

Tính đến nay Duy đã viết hơn 30 ứng dụng di động. Song Duy chỉ đăng tải 7 ứng dụng trên kho Google Play và tâm huyết nhất là ứng dụng Máy tính NCalc+.  Đây là máy tính ảo có thể thực hiện đầy đủ những chức năng của máy tính cầm tay như: máy tính khoa học, giải phương trình, hệ phương trình, giải tích, lượng giác, xác suất thống kê… Thời điểm hiện tại, mỗi ngày có hơn 6000 lượt tải xuống và sử dụng các ứng dụng do Duy đăng tải. Cùng với kết hợp giữa bán phiên bản cao cấp của ứng dụng và quảng cáo, các ứng dụng này đem đến nguồn thu nhập ổn định, giúp Duy nâng cấp thiết bị hỗ trợ học tập, giúp đỡ gia đình và dành dụm cho hành trình đại học sắp tới.

Để có được ứng dụng hoàn chỉnh như hiện tại, Duy đã phải trải qua sự kiểm duyệt gắt gao về khâu bản quyền, hình ảnh từ nhà cung cấp kho ứng dụng Google Play. Có lần, vô tình có sự trùng lặp giữa ứng dụng của Duy và một ứng dụng đã có trên hệ thống, NCalc+ đã bị gỡ bỏ, toàn bộ lượt tải về bị xóa sạch. Duy chia sẻ: “Lúc đó em buồn lắm. Vì để viết được ứng dụng đó, em đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu. Có khi em phải bỏ ra một tháng trời để đọc tài liệu, chủ yếu bằng tiếng Anh. Nhưng em đã cố gắng chỉnh sửa và làm lại từ đầu. Cuối cùng thì cũng ổn, khâu kiểm duyệt về bản quyền đã được xác nhận và em vẫn đang cố gắng để cải tiến những ứng dụng của mình”.

Để có được sự thành công này, bên cạnh thời gian nghiên cứu các thuật toán, Duy cũng rất quan tâm đến marketing để ứng dụng được tiếp cận với nhiều người dùng. Ban đầu, khi ứng dụng vừa hoàn thành, Duy chỉ chia sẻ trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn. Sau này, Duy tận dụng những công cụ, tìm cách nâng cao thứ hạng tìm kiếm nên ứng dụng của em đến nay đã vươn lên top 10 được tìm kiếm nhiều nhất.

Một số ứng dụng khác của Duy như: Pascal N-IDE phục vụ học tập ngôn ngữ Pascal trên di động, Bộ chuyển đổi đơn vị đo lường & Công cụ thông minh hay Ascii Art Generator - một cộng đồng mở chia sẻ những biểu tượng vui nhộn, vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính nghệ thuật, cũng được rất nhiều người dùng sử dụng và yêu thích. Hiện nay Duy đang học hỏi và chuẩn bị phát triển các ứng dụng trên hệ điều hành iOS. Thầy Võ Việt Dũng- giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Duy là học sinh giỏi và chăm ngoan. Em đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều dù hoàn cảnh và điều kiện gia đình vô cùng khó khăn. Tôi cũng hy vọng em sẽ nhận được những nguồn tài trợ, học bổng để có điều kiện phát triển xa hơn”.

Duy khẳng định: “Em làm vì đam mê công nghệ. Hiện tại em xác định phải hoàn thành thật tốt chương trình học phổ thông và chuẩn bị hành trang vững chắc khi vào giảng đường đại học sắp tới. Em  dự định sẽ chọn học Trường Đại học FPT vì em nhận được học bổng 100% từ trường”. Duy cũng ấp ủ ước mơ gặp gỡ được các anh chị, các bạn có cùng đam mê để thành lập một nhóm phát triển ứng dụng. Đồng thời, sẽ xây được một căn nhà mới cho mẹ và ông bà ngoại, sẽ dựng lên được những mảng tường mới mà ở đó, những tấm bằng khen là minh chứng cho sự nỗ lực của Duy chứ không còn giữ trách nhiệm “vá tường” như hiện nay. 

Bài, ảnh: THANH SANG

Chia sẻ bài viết