13/07/2017 - 19:30

Về nơi "Đất biết sinh - Rừng biết đi"

Rừng ngập mặn U Minh Hạ Cà Mau.
Ảnh: THANH QUANG

Trong tâm thức của người Việt Nam, mũi Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc là vùng đất thiêng liêng. Nhà văn Nguyễn Tuân gọi mũi Cà Mau là “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Nhà thơ Xuân Diệu ví mũi Cà Mau là mũi thuyền Tổ quốc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong một lần về thăm đất mũi Cà Mau gọi nơi đây là vùng “đất nở”.

Nhiều nhà khoa học - địa lý xác định rằng, hai dòng hải lưu, với chế độ nhật triều ở biển Tây và bán nhật triều ở biển Đông mang theo vô số phù sa gặp nhau tại điểm mũi Cà Mau và dừng lại, tạo nên vùng biển cạn. Những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang, mở đất cũng như thế hệ hôm nay gọi vùng biển ấy là bãi bồi mũi Cà Mau, nằm dọc bờ biển phía Tây Nam tỉnh Cà Mau. Cứ thế, hàng trăm năm, những hạt phù sa màu mỡ lặng thầm đến đây bồi đắp để mũi Cà Mau không ngừng vươn ra biển.

Đất “sinh nở” đến đâu, cây rừng theo chân giữ đất đến đó và vì vậy người ta gọi là “rừng biết đi”. Khi phù sa tuôn đổ về, định hình nên mầm đất tươi đầu tiên cũng là lúc cây mắm ở rừng ngập mặn Cà Mau xuất hiện trên các bãi đất bùn non ấy. Những cây mắm đơn độc, bé nhỏ trước sóng to, gió lớn tưởng chừng như không thể nào sống được. Thủy triều lên nó chìm trong biển nước mênh mông, thủy triều xuống nó ló lên, khoác trên thân mình chiếc áo đầy bùn. Ấy vậy mà nó sống, rễ cắm sâu vào lòng đất, vững vàng trước bao phong ba, bão táp để rồi rễ cược nhú lên tua tủa đều khắp mặt đất như đôi bàn tay con người nâng niu, giữ chặt từng hạt phù sa, không cho sóng biển cuốn đi. Cây mắm và nhiều loài cây khác mọc lên thành rừng, dệt nên một màu xanh ngút mắt bao bọc mũi Cà Mau hình thành rừng phòng hộ dài hơn 250 cây số. Nếu cây mắm với những rễ cược từ lòng đất nhú lên giữ đất ban đầu thì bộ rễ mọc ngang mình của cây đước từ trên chụp xuống như ôm lấy đất vào lòng. Cây mắm nhận “ấn” tiên phong lấn biển và cây đước “hành quân” theo giữ đất như một sự phân công hợp lý và kỳ diệu của tạo hóa.

* * *

Đất mũi Cà Mau - cực Nam Tổ quốc được khai phá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer. Mũi Cà Mau là mảnh đất nhô ra biển ở điểm tận cùng phía nam đất nước, thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Nơi đây, ngoài hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng và phong phú còn có Khu du lịch mũi Cà Mau, với cột mốc tọa độ quốc gia, vọng hải đài ngắm rừng, ngắm biển, mô phỏng làng rừng kháng chiến, biểu tượng Mũi Cà Mau. Đặc biệt, đứng ở mũi Cà Mau, mọi người có thể tận mắt ngắm mặt trời mọc lên từ phía biển Đông và lặn xuống phía biển Tây, lòng trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ, thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam.

* * *

Vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 26-5-2009, tại Hàn Quốc, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Vườn Quốc gia mũi Cà Mau. Vườn có diện tích tự nhiên 41.862 ha, gồm: trên đất liền 15.262 ha, phần ven biển 26.600 ha, với 93 loài thực vật thuộc 38 họ, đước là cây chủ yếu; động vật có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ; 34 loài bò sát thuộc 14 họ và trong đó, có rất nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới; phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước; bảo vệ đa dạng sinh học.

Trong tâm trí nhiều người, nhắc đến Cà Mau là nghĩ đến rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, xứ sở cá - tôm và hôm nay là “trái tim công nghiệp” của miền Tây Nam bộ, với Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm hiện đại nhất vùng. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây đang là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế - xã hội, là những rào cản bất lợi cho Cà Mau không thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.

Nhiều nhà đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh ngán ngại: Chỉ với khoảng cách trên dưới 350 km, nhưng đi ô tô từ thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau mất khoảng 8 giờ đồng hồ, nên việc đầu tư ở Cà Mau phải tính toán thật kỹ về lĩnh vực ngành nghề và vốn đầu tư, sản xuất sản phẩm hàng hóa, chi phí vận chuyển và những điều kiện cần thiết khác. Hệ thống giao thông đường bộ của Cà Mau xếp vào thứ hạng yếu kém nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, các tuyến đường về các huyện, vùng kinh tế trọng điểm chỉ đạt tiêu chuẩn cấp V, cấp VI đồng bằng, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Riêng huyện Ngọc Hiển chưa có đường ô tô về trung tâm. Triển khai dự án xây dựng đường ô tô về 100% trung tâm xã, Cà Mau phải xây dựng kèm theo 20.000 cống thủy lợi trên các tuyến đường, với mức đầu tư bình quân 25 triệu đồng/cống. Như vậy, tổng vốn khoảng 500 tỉ đồng đầu tư cho những cống thủy lợi này không tìm được nguồn nên việc xây dựng đường ô tô về trung tâm xã ở Cà Mau triển khai ì ạch, tiến độ “rùa bò”. Mặt khác, là vùng sông nước, sông ngòi chằng chịt với khoảng 10.000 km đường thủy nội địa, chỉ riêng hạng mục công trình cầu phải xây dựng hơn 2.550 chiếc bắc qua sông, rạch mới đảm bảo hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ “liền ấp, liền xã”, nhưng hàng chục năm qua, Cà Mau mới chỉ thực hiện được gần 1/3 số này nên việc đi lại hiện nay của nhân dân chủ yếu vẫn là đường thủy. Đây chính là một trong những trở ngại lớn của Cà Mau trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư. Cụ thể là sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, Cà Mau chỉ thu hút được 3 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn gần 5 triệu USD, nhưng mới triển khai thực hiện 2 dự án, với vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu USD. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước không đáng kể, nhiều nhà đầu tư đến Cà Mau tìm hiểu, khảo sát và sau đó không “hẹn ngày trở lại”, thậm chí không ít nhà đầu tư đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng dự án chưa thực hiện phải vội vã xin trả lại giấy phép, rút lui.

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là nuôi tôm nhưng có thể thấy năng suất lúa và tôm nuôi của Cà Mau thấp nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất lúa gần như hoàn toàn lệ thuộc vào nước trời mưa, đồng đất hàng năm không được phù sa bồi đắp, năng suất lúa bình quân 2 - 3 tấn/ha, thậm chí những năm gặp bất lợi về thời tiết nông dân thất mùa trắng tay. Hàng chục năm qua, tôm nuôi ở Cà Mau luôn trong tình trạng nhiễm bệnh và chết, nhất là vào những tháng mùa khô hàng năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, năng suất chỉ đạt trên dưới 350 kg/ha; hơn 90% hộ nuôi tôm nợ vay ngân hàng, trong đó khoảng 70% số hộ chưa có khả năng thanh toán vốn và lãi suất.

Cà Mau có khoảng 31.000 học sinh thường xuyên đi học bằng đò đưa rước, trong đó có khoảng 10.000 em trước nguy cơ bỏ học nửa chừng do gia đình nghèo, không lo nổi tiền đò cho các em đến trường hàng ngày và hệ lụy là năm học 2008 - 2009 đã có gần 400 em nghỉ học vì nguyên nhân này. Hầu hết các điểm trường học ở vùng nông thôn thiếu sân chơi cho các em, không tường rào bao bọc, thiếu nhà vệ sinh; suất đầu tư xây dựng 1 phòng học cao gấp 2 - 3 lần so với mức bình quân chung của cả nước do nền đất yếu phải xử lý móng, không có nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ.

* * *

Khi công trình Khí-điện-đạm phát huy tác dụng và phát triển, cầu Cần Thơ thông liền mạch máu giao thông đường bộ cùng với một số công trình đã và đang triển khai, hy vọng mảnh đất cuối của Tổ quốc phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng và tình cảm trong tâm thức không chỉ của người ĐBSCL mà còn của cả nước.

LÊ HUY HẢI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
di sản