13/10/2017 - 14:27

Về miền nắng gió, vui lễ Ka Tê 

Trong những bộ trang phục sặc sỡ, phụ nữ Chăm mang những món ngon nhất lên tháp cúng như một sự biết ơn đối với thần linh, những vị vua anh minh, ngày hôm sau mới cúng tổ tiên tại nhà và bắt đầu hội làng, sum họp gia đình. Ka Tê là lễ hội đầy sắc màu mang đậm chất dân tộc của người Chăm miền nắng gió Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tháp thiêng Pô Klong Garai nhộn nhịp sắc màu mùa hội. Ảnh: THỤY DU

Lễ Ka Tê hay Mbang Ka Tê gần giống như Lễ Dolta của người Khmer Nam bộ tưởng nhớ ông bà tổ tiên và những người có công in dấu trong đời sống, lịch sử dân tộc. Lễ thường diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch, tức khoảng nửa cuối tháng 10 Dương lịch. Dù chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Ấn giáo, người Chăm ở vùng này thờ thần Shiva nhưng bên cạnh đó vẫn thờ những vị vua anh minh, những người có công trong lịch sử và cả việc thờ Bà như tục thờ Mẫu của người Việt. Điều đó thể hiện rõ nhất ở các đền tháp khu vực miền Trung, như tháp thờ Bà Po Ina Nagar (Nha Trang), tháp thờ vua Pô Klong Garai (Phan Rang), tháp thờ công chúa Poshanư (Phan Thiết). Ngay tại quần thể đền tháp đó, vẫn có các tháp thời các vị thần Ấn giáo. Đó là nét độc đáo ở đồng bào dân tộc Chăm của Việt Nam.

Lễ Ka Tê diễn ra ở nhiều nơi nhưng ở miền nắng gió Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) luôn diễn ra sôi nổi và thu hút đông người từ khắp nơi về tham dự. Có những năm, đồng bào dân tộc Chăm từ Bình Định, Phú Yên cũng đổ về đây dự lễ như một cuộc hành hương mang tính tâm linh. Trước khi lễ chính diễn ra tại đền tháp, đồng bào người Thượng từ núi cao mang y trang của Bà Pô Ina Nagar xuống ngôi đền ở làng Hữu Đức và tổ chức lễ rước. Người Chăm xem người Thượng trên núi là anh em cùng mẹ là Pô Ina Nagar. Khi bà mất, người Thượng vốn là em út nên được giữ y trang của của bà. Đó là cái hay của khối đại đoàn kết các dân tộc anh em sống chan hòa lẫn nhau giữa miền xuôi và miền ngược. Ngày chính là lễ tháp. Người dân đổ về tháp thờ vua Pô Klong Garai trên Đồi Trầu (nay thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang- Tháp Chàm). Tại đây, các thầy cúng làm lễ mở cửa tháp, tắm tượng và thay đổi xiêm y cho các vị thần… Người dân mang lễ vật ngồi xung quanh tháp để dâng cúng thần linh và vua Pô Klong Garai như lời tạ ơn.

Lễ cúng vua Pô Klong Garai trong tháp chính ngày đại lễ. Ảnh: THỤY DU

Pô Klong Garai được xem là vị vua Rồng. Ông đã giải phóng tiểu quốc Panduranga và dạy cho người Chăm xưa dẫn nước về ruộng để canh tác lúa nước, đời sống phồn vinh. Hậu thế của ông là Chế Mân đã cho xây dựng tháp thờ mang tên ông vào cuối thế kỷ XIII- đầu thế kỷ XIV như một công thần. Sau lễ tháp, người dân trở về làng tổ chức lễ làng và hộ gia đình kéo dài cả tháng. Nhưng ngày nay, lễ làng và gia đình chỉ diễn ra trong một, hai ngày để sum họp gia đình.

Ngày nay, dù ở cuộc sống hiện đại nhưng tín ngưỡng và lòng biết ơn đối với các vị công thần trong lòng đồng bào dân tộc Chăm vẫn còn in đậm. Người ta khoác lên người trang phục đẹp đẽ và trang nghiêm, mang những món ngon nhất, quý nhất của gia đình đến tháp dâng cúng. Sau đại lễ, người con gái Chăm đắm mình trong vũ điệu apsara, múa quạt, múa mâm dìu dặt bên tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai. Ngày thường, trang phục của người Chăm ở miền Trung có màu tối, thích hợp với nương rẫy, ruộng đồng chứ không lộng lẫy như người Chăm miền sông nước An Giang. Nhưng đến lễ Ka Tê, trang phục của họ trở nên rạng rỡ đầy sắc màu. Cả ngọn Đồi Trầu chỉ có màu xanh của lá và màu đỏ của tháp như được tô thêm muôn sắc màu tươi mới.

Không chỉ người Chăm và người Việt, người Hoa ở địa phương và vùng lân cận cũng đổ về Đồi Trầu như trẩy hội. Du khách từ khắp nơi đổ về chơi hội. Doanh nghiệp lữ hành khai thác đó thành sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc Chăm. Bởi thế, giữa rừng người Chăm hành hương về tháp thiêng vẫn có dòng người hòa theo vui hội. Ka Tê ở Ninh Thuận trở thành mùa du lịch thường niên hấp dẫn du khách. Người ta gọi đó là lễ hội của sắc màu và âm thanh đậm chất dân tộc Chăm.

Mbang Ka Tê năm nay rơi vào các ngày 18-19-20/10, gồm các hoạt động:

-Ngày 18-10:  Lễ đón rước y trang của Pô Ina Nagar và các hoạt động lễ hội ở Hữu Đức.

-Ngày 19-10: Lễ hội diễn ra tại các đền tháp Po Ina Nagar, Po Rome và Pô Klong Garai vào buổi sáng; hoạt động dân gian  tại làng Bàu Trúc vào buổi chiều.

-Ngày 20-10 trở đi, lễ hội diễn ra ở cấp làng và gia đình kéo dài tùy theo điều kiện gia đình.

THỤY DU

Chia sẻ bài viết