18/09/2017 - 09:40

Vẻ đẹp tiếng Việt 

“Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”, tác giả Lê Minh Quốc đã chứng minh điều này qua tập sách “Lắt léo tiếng Việt” mà ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm. Sách do NXB Trẻ phát hành quí II-2017.

Mở đầu tập sách là 2 bài viết: “Chữ Quốc ngữ - Hành trình ghi âm tiếng Việt”, “Tiếng Việt năm 1651” mang đến cho độc giả một cái nhìn khái quát về quá trình hình thành, ra đời của chữ Quốc ngữ cùng những tranh luận, cải cách loại chữ này trong buổi sơ khai. Từ đó, tác giả dần dẫn dắt người đọc tìm hiểu về sự phong phú, lắt léo của tiếng Việt qua những phân tích, so sánh cụ thể.

Là một ngôn ngữ đơn âm tiết, có thanh điệu lại rất nhiều từ gốc Hán nên tiếng Việt có nhiều từ đồng âm, gần âm, đồng nghĩa, gần nghĩa. Do đó, người Việt đã tạo ra những cách nói lái, chơi chữ tài tình. Ví như: “Mình ơi, tôi gọi là nhà. Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”  (thơ Bùi Giáng). Cùng một chữ “nhà” nhưng với 2 cách hiểu: “nhà để ở” và “vợ”, câu thơ trở nên sinh động, đặc sắc, đầy ngụ ý.

Bằng dẫn chứng thuyết phục và những bình luận dí dỏm, tác giả Lê Minh Quốc đã diễn giải khá chi tiết và dễ hiểu về nhiều từ đồng âm khác nghĩa, cũng như cái hay, cái dí dỏm của tiếng Việt qua hơn 30 bài viết. 

Từ nghiên cứu tiếng lóng ở Nam bộ, phân tích nội lực của một chữ trong thơ cho đến tìm hiểu về ca dao, tục ngữ, dùng chữ miêu tả sắc màu, xuýt xoa trước những vế đối chan chát, thâm sâu hay cười cợt, châm biếm thói đời bắng cách nói lái, chơi chữ…, Lê Minh Quốc khiến người đọc “choáng ngợp” trước tầng tầng, lớp lớp ngữ nghĩa của tiếng Việt.

Chẳng hạn, chỉ với một từ “ăn” thôi, tiếng Việt có biết bao nhiêu từ đồng nghĩa với sắc thái khác nhau như: xơi, dùng, tọng, ngốn, đớp, táp,  húp…  Từ nghĩa đen chỉ việc đưa thức ăn vào miệng, từ “ăn” còn mang nhiều nghĩa bóng: ăn vạ, ăn ảnh, ăn nằm, ăn đèn, nước ăn chân, ăn tiền, ăn hoa hồng, ăn tươi nuốt sống, ăn tục nói phét, ăn ốc nói mò, ăn mày đòi xôi gấc… Đến nỗi theo tác giả, “ăn” là từ “rắc rối nhất trong từ ngữ tiếng Việt” (trang 138).

Đặc biệt, cách đặt vấn đề và những lập luận sắc bén của tác giả trong các bài: “Mặt hay miệng?”, “Từ mật đến mít”, “Hỗn như gấu, xấu như Thị Nở”… đưa đến những góc nhìn mới về cách dùng từ trong đời thường, trong “Truyện Kiều” và cả nguồn gốc, xuất xứ của những từ ngữ vay mượn nước ngoài.

Để làm bật lên vẻ đẹp Tiếng Việt, tác giả đã viện dẫn rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ, điển tích, thơ, văn, truyện vui dân gian…; nhưng trên hết là tình cảm của một người Việt với tiếng mẹ đẻ, của một nhà thơ chắt chiu, chọn lọc từng chữ trong tác phẩm của mình, như những câu thơ mở đầu trong tập sách:

“Lắt léo lượn lờ lên lấp lóa
Tiếng ta thanh thoát thiết tha thương

Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ
Thắm thiết tình ta thấy tỏ tường

     …….

Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt
Tiếng ta tự tại tới trường tồn”.  

 CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết