19/05/2013 - 08:44

Kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2013)

Về Cù Lao Dung nhớ Bác

Trong những ngày tháng Năm này, tôi có dịp về huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và được nghe kể những chiến công oai hùng của đoàn Du kích Long Phú một thời; viếng Đền thờ Bác Hồ, thắp nén nhang tưởng nhớ đến vị Cha già của dân tộc.

• Đền thờ Bác trên đất cù lao

Đền chính trong khuôn viên Di tích cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.  

Hướng dẫn chúng tôi tham quan công trình tôn tạo, nâng cấp khu di tích Đền thờ Bác Hồ ở ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung đang vào giai đoạn hoàn thành, ông Lâm Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, xúc động kể về lịch sử hình thành Đền thờ.

Trước đây, địa bàn cù lao Dung gồm 4 xã trực thuộc huyện Long Phú (cũ), đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại xã An Thạnh Nhì. Ngay sau khi nghe tin Bác Hồ qua đời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Phú (cũ) vô cùng thương tiếc và tổ chức lễ truy điệu trọng thể. Mọi người ôm nhau khóc ròng, ngước mặt về phương Bắc để tưởng nhớ Người. Người dân huyện Long Phú đều bày tỏ nguyện vọng được xây cất một ngôi đền để thờ Bác. Đảng bộ và quân dân các xã cù lao đã tổ chức vận động cây, gạch đá, chuẩn bị nhân lực… để xây dựng Đền thờ. Ngày 3-2-1970, công trình được khởi công do Ban xây dựng Đền thờ chỉ huy gồm các ông: Phùng Văn Lợi, Trần Văn Hận, Phạm Ngọc Nâu, Huỳnh Hữu Lộc, Lý Văn Trong, Hồng Văn Hiệp, Thái Văn Tiền và Nguyễn Huy Hoàng.

Việc xây dựng Đền thờ Bác giữa lòng địch đầy khó khăn. Để tránh sự càn quét, bắn phá của địch, Huyện đội Long Phú và du kích các xã cù lao tổ chức canh gác trong lúc xây dựng. Khi trời đã nhá nhem tối, các thợ mộc đục đẽo, tiến hành công việc khẩn trương và đầy quyết tâm. Nhiều lần bị máy bay giặc ném bom, đội thi công phải ngụp lặn dưới kinh rạch để tránh bom. Để tránh tập trung đông người, Ban xây dựng Đền thờ chia nhỏ công việc để người dân làm ở nhà: người chằm lá, người đẽo cột, người bào kèo, người chẻ tre làm rui… Khi xong thì tập kết để dựng lên. Đền thờ là kết quả sự đoàn kết, một lòng hướng về Cha già của người dân cù lao. Ai cũng vui vì Đền thờ có một phần công sức của mình.

Sau 3 tháng thi công, Đền thờ Bác rộng 5,6m x 8m theo kiểu kiến trúc nhà Nam bộ một gian hai chái, hiện lên giữa dãy xanh cù lao. Lễ khánh thành được bí mật tổ chức đúng vào ngày sinh nhật Bác 19-5 trong niềm xúc động và vui mừng của bà con. Dù Đền thờ chỉ bằng cây lá đơn sơ nhưng đó là tấm lòng người dân cù lao Dung dành cho Bác. "Nhìn ngôi đền nghi ngút khói hương mà ai cũng rơi nước mắt" - ông Lâm Văn Hiệp bồi hồi nhớ lại. Hai cột chính của ngôi đền có hai câu đối được làm theo kiểu chiết tự để tránh khỏi sự dòm ngó của địch: "Chí khí tráng sơn hà Anh hùng cứu nước duy hữu nhất. Minh tinh quang vũ trụ Á Âu hào kiệt thị vô song". Những năm chiến tranh, giặc bắn phá Đền nhiều lần. Chúng buộc người dân phải tháo dỡ Đền thờ nhưng dù bị đánh đập, tra tấn nhân dân cù lao vẫn kiên quyết giữ Đền. Bà con vẫn thay phiên nhau quét dọn, nhang khói cho Bác hàng ngày cho đến ngày miền Nam giải phóng và mãi về sau này.

Năm 1990, đúng dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, chính quyền huyện Long Phú đã xây cất lại Đền thờ lợp ngói đỏ khang trang. Năm 2001, Đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó cũng là sự ghi nhận xứng đáng về tình dân nghĩa Đảng ở đất cù lao dành cho Bác.

• Lòng dân cù lao hướng về Cha già

Năm 2002, huyện Long Phú được chia tách thành huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung. Đền thờ Bác Hồ thuộc ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung. Mảnh đất ấy nay đã thay da đổi thịt, người dân không thôi tự hào về quá khứ hào hùng, một thời kiên trung, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Ngay bên trong Đền thờ còn có bảng vàng ghi lại những chiến công của quân dân Cù Lao Dung. Chỉ riêng ấp Nguyễn Công Minh cũng xứng đáng là mảnh đất của những chiến công. Năm 1972, du kích và nhân dân ấp đã đánh tan rã Đại đội 354 của địch khi chúng đi yểm trợ ở Vàm Tắc, giết 5 tên, thu 3 khẩu súng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ấp Nguyễn Công Minh đã chống càn, chống lấn chiếm và chặn đánh địch trên 100 trận lớn, nhỏ, diệt và làm bị thương hơn 300 tên địch… Những thành tích ấy đã tô thắm cho truyền thống cách mạng trên đất cù lao.

Năm 2010, vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, UBND tỉnh Sóc Trăng đã khởi công công trình "Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ". Công trình gồm các hạng mục như: đền chính, cổng chính, nhà hội, nhà quản lý trưng bày, sân lễ, ao sen, đồi nhân tạo, công trình cây xanh, hệ thống điện, nước… kinh phí từ ngân sách nhà nước và một phần vận động nhân dân đóng góp. Trong đó, đền chính được thiết kế theo kiểu nhà ngói 3 gian, 2 mái, theo phong cách thuần Việt, thông thoáng, rộng rãi đã hoàn thành giai đoạn 1 vào dịp sinh nhật Bác năm nay. Năm nay, người dân cù lao sẽ mừng sinh nhật Bác lớn vì Đền thờ được xây dựng lại rất khang trang, đẹp đẽ, thỏa lòng ao ước của bà con. Bà con ai cũng bồi hồi: "Nhớ lại thời kỳ vừa xây Đền thờ vừa canh chừng giặc, so với nay được đẹp đẽ như bây giờ, niềm vui ấy thật không sao tả xiết".

Từ ngày Bác mất đến nay, mỗi dịp sinh nhật và Giỗ Bác, người dân Sóc Trăng lại lũ lượt tìm về đất cù lao thắp nén nhang cho Bác. Đã thành thông lệ, gần đến ngày 19-5, bà con lại tất bật chuẩn bị nếp dẻo, gạo thơm, nấu xôi làm bánh mang đến dâng Bác. Hầu như gia đình nào cũng có mâm lễ vật của riêng mình là những sản vật quê nhà do chính mình vun trồng. Đến mỗi căn nhà ở Cù Lao Dung đều dễ dàng bắt gặp bàn thờ Bác Hồ trang trọng, uy nghiêm và nghi ngút khói hương. Sinh nhật Bác lại về, bà con lau dọn, trưng bày bàn thờ Bác thật đẹp. Ông bà nhắc nhở con cháu, bà con lối xóm động viên nhau... ai cũng phải nên sửa mình, cố gắng sống tốt, lao động, sản xuất, học tập thật giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau để cho Bác được vui lòng. Bởi thế, Đền thờ Bác Hồ là lời nhắc nhở bà con, phải sống sao cho xứng đáng với những người đi trước. Về Cù Lao Dung hôm nay, ngắm nhìn cây mía mướt xanh, trái ổi đặc sản ngọt lành và cảm nhận sâu sắc tình dân cù lao dành cho Bác luôn thắm nồng, sắt son như dòng sông Hậu đậm đà phù sa.

Từ một huyện mới chia tách còn nhiều khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, người dân Cù Lao Dung đã chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Những hố bom, vết đạn, lung bàu âm u ngày nào giờ đã là những mảnh vườn, thửa ruộng trị giá hàng trăm triệu đồng, đời sống bà con không ngừng nâng cao như Bác Hồ kính yêu từng mong muốn. Diện mạo một huyện cù lao sinh thái đã hình thành với cây trái, ruộng đồng xanh mướt; hệ thống điện, đường, trường, trạm đã cơ bản hoàn thiện. Về Cù Lao Dung, tôi được nghe anh bạn xứ cù lao hát tặng bài "Chiều trên Cù Lao Dung" mà cảm xúc dâng tràn: "Chiều trên Cù Lao Dung nghe sông Hậu cuộn mình reo vang. Chiều trên Cù Lao Dung đồng lúa reo hương thơm mặn nồng… Chiều trên Cù Lao Dung lặng thầm từng nỗi nhớ con đò chiều đưa huyền thoại vào mơ". Phải chăng những rẫy mía trĩu nặng chữ đường đang chờ ngày thu hoạch, những vườn ổi, thanh long ruột đỏ oằn sai trái chín… là minh chứng cho sự cần lao, gian khó từ bao đời của người dân? Nhưng duy có một điều mà bà con cù lao vẫn xác tín rằng, thành quả ấy là nhờ người dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, dẫu chiến tranh hay hòa bình.

***

Tháng Năm về Cù Lao Dung. Từng chuyến phà tấp nập chở khách bộ hành vượt dòng Hậu giang tìm về Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông chỉ với một mục đích thật giản dị mà ấm tình: "Đốt cho Bác cây nhang!". Thế mới thấm thía câu: "Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam".

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết