29/12/2017 - 12:10

Vang danh bánh tráng giấy Tường Lộc 

Đến huyện Tam Bình mà chưa thưởng thức bánh tráng giấy ấp Nhà Thờ (xã Tường Lộc) là chưa biết hết Tam Bình. Đó là lời nhận xét của rất nhiều du khách bởi loại đặc sản này đã vốn rất nổi tiếng trên thương trường cả nước với chất lượng thơm, ngon, giòn, mùi vị đặc trưng mà khó có địa phương nào có được.

Mỗi lao động có thể thao tác trên nhiều khuôn tráng nên năng suất cao hơn.

Bà Võ Thị Yến- Việt kiều Pháp- cho biết: “Năm nào về thăm quê, tôi cũng thường mua bánh tráng ấp Nhà Thờ để làm quà cho người thân bên đó. Họ rất thích loại đặc sản rất độc đáo này”.

Chị Nguyễn Thị Bé Sáu (ấp Nhà Thờ)- người đã có trên 35 năm làm nghề tráng bánh kể lại: “… Nghề này có tại đây cả trăm năm qua theo kiểu “mẹ truyền, con nối”. Riêng gia đình tôi đã có 4 thế hệ làm nghề này rồi, cực nhưng sống được. Vả lại đây là nghề của tổ tiên mình truyền lại nên con cháu phải giữ gìn và phát huy…”

Nhiều người dân địa phương cho biết: Sản phẩm làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc chủ yếu là bánh tráng giấy, bánh gói xôi, bánh xếp quặng, bánh xếp làm kẹo, bánh tráng ngò gai,... Trong đó, bánh tráng quặng được làm nhiều nhất với sức tiêu thụ rất lớn. Trước đây, các chủ cơ sở sản xuất bằng phương pháp thủ công, nghĩa là sử dụng củi làm nhiên liệu chủ yếu trong các công đoạn nhưng do không chủ động được nguồn lửa nên sản lượng đạt thấp, bánh không giòn đều. Đó là chưa kể nguồn nhiệt rất lớn tỏa ra nên năng suất lao động không cao.

Bánh tráng quặng vừa ra lò, chuẩn bị xuất bán.

Những năm gần đây, đại đa số các chủ cơ sở đã chuyển sang sản xuất bánh bằng các lò nướng điện. Tuy cách làm này có phần tốn kém về kinh phí đầu tư như mua các bình hạ thế, các khuôn nướng bánh, các lò quây bột bằng điện nhưng năng suất rất cao, chất lượng bánh đồng đều về mùi vị, màu sắc, độ giòn. Người lao động dễ dàng chủ động nguồn nhiệt phù hợp và không bị áp lực về nguồn nhiệt so với cách làm cổ truyền.

Bà Trần Thị Bông (55 tuổi)- người đã theo nghề này gần 40 năm cho biết thêm: “… Làm bánh bây giờ khỏe re, hơi “đau lưng” nhưng thu nhập khá. Nhà tui không có ruộng đất gì nên mấy mẹ con sống bằng nghề này cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình…”.

Hiện trên địa bàn ấp Nhà Thờ có gần 100 hộ tham gia sản xuất bánh, mỗi năm tạo ra trên 120 tấn sản phẩm bánh tráng các loại, giá trị sản xuất ước trên 2 tỷ đồng. Mỗi cơ sở sản xuất quy mô lớn có từ 8- 15 lao động. Với người làm bánh tráng quặng, thu nhập bình quân từ 130.000- 150.000 đ/người/ngày; làm bánh tráng xếp và các loại bánh khác thu nhập từ 120.000- 140.000 đ/người/ngày. Các công đoạn pha chế bột, đóng gói, giao hàng thì thu nhập khá hơn.

Người lao động ở đây thường bắt đầu công việc rất sớm, từ 3 giờ sáng và đến 15 giờ chiều thì kết thúc. Lý giải về thời gian làm việc như vừa nêu, nhiều người lao động cho biết: làm việc sớm khí hậu mát mẻ, năng suất cao hơn. Khi hết việc còn có thể tranh thủ làm thêm công việc gia đình.

Về thành phần nguyên liệu làm bột chủ yếu gồm: bột mì, mè, nước cốt dừa, hột gà, đường cát được pha chế theo những công thức nhất định và phải “khuấy” thật đều bằng máy xay. Hiện giá bán bánh xếp tại chỗ là 2.000 đ/cây; 60.000 đ/thùng bánh quặng khoảng 2,5kg; các loại bánh khác thì giá tăng, giảm theo sự thỏa thuận. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang,...

Làng bánh tráng Tường Lộc đã được công nhận là một trong 17 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long đã và đang khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường cả nước, mang lại niềm tự hào cho quê hương Tam Bình và tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động nông thôn vốn đã gắn bó với ngành nghề truyền thống của người đi trước. Một số cơ sở đã được nhiều thương lái đến đặt hàng thường xuyên như: Thanh Thảo, Thanh Tuyền và một số cơ sở khác đã giữ vững thương hiệu hàng chục năm qua.

Theo Báo Vĩnh Long

Chia sẻ bài viết