21/10/2018 - 16:08

Vấn nạn lấn chiếm sông, rạch ở TP Cần Thơ
Bài cuối: Giải pháp căn cơ, đồng bộ 

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, TP Cần Thơ sẽ di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi khu vực ven sông, rạch, vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, thành phố gặp không ít  khó khăn trong vận động di dời, bố trí tái định cư, giải quyết công ăn việc làm… cho người dân được di dời. Do đó, kế hoạch này cần sự nỗ lực thực hiện của tất cả các cấp, các ngành chức năng TP Cần Thơ.

GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Những năm trước, thành phố chưa xây dựng được chương trình “xóa” nhà ở trên kênh, rạch. Việc giải tỏa nhà ven kênh rạch chủ yếu “ăn theo” các dự án khác. Điển hình như dự án xây dựng bờ kè Xóm Chài, bờ kè rạch Khai Luông, công viên Hồ Xáng Thổi, cải tạo rạch Tham Tướng, rạch Bần hay gần đây nhất là cải tạo rạch Cái Khế (đoạn chợ Mít Nài, đường Huỳnh Thúc Kháng)... đã góp phần làm giảm số lượng nhà xây dựng trên sông, rạch, giải quyết ô nhiễm môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại. Hiện nay, một số dự án đang triển khai thực hiện như: Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ (đoạn từ phà Xóm Chài đến huyện Phong Điền); công trình giải tỏa xây dựng công viên, bờ kè hồ Bún Xáng thuộc Dự án Nâng cấp Đô thị TP Cần Thơ... góp phần hạn chế tình trạng nhà xây dựng dọc theo sông, ngăn chặn tình trạng mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ…

Một góc rạch Tham Tướng đoạn gần sông Cần Thơ hiện nay, sau khi được cải tạo nâng cấp (trước năm 2014 nơi đây là con rạch đen ngòm, ô nhiễm bậc nhất nội ô thành phố).

Giải quyết vấn đề này, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã kết hợp cùng Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ) tiến hành điều tra, đánh giá các công trình chống sạt lở, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, rạch với Đề án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”. Đề án này đưa ra giải pháp chủ yếu củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục đến năm 2025 và xa hơn nữa. Đề án phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 80% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định, đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh, an toàn, ứng phó biến đổi khí hậu tại các con sông, kênh, rạch. Đề án gồm 29 công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở trong giai đoạn đến năm 2030 trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ. Tổng chiều dài của các công trình này trên 56km, với kinh phí thực hiện hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó có những công trình thực hiện từ nguồn vốn ODA, kinh phí tài trợ của tổ chức quốc tế cho ứng phó biến đổi khí hậu...

   Trên cơ sở đó, TP Cần Thơ cũng đưa ra kế hoạch xử lý sạt lở và di dời dân cư sinh sống ven sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Theo đó, năm 2018 và các năm tiếp theo thành phố sẽ đầu tư xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ, xây dựng cảnh quan đô thị, với tổng chiều dài gần 22km (kè chống sạt lở sông Thốt Nốt, Bò Ót, Cái Răng Bé, sông Cái Sơn - Mương Khai…), tổng mức đầu tư khoảng 2.441 tỉ đồng. Các dự án này có trên 1.000 hộ dân được di dời đến nơi ở ổn định... Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí để thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở tại sông Ô Môn, với tổng kinh phí trên 420 tỉ đồng; thực hiện thí điểm trồng bần chống sạt lở dọc các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn. Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, thành phố cũng tiếp tục sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống an toàn cho 9.353 hộ dân, với 37.306 nhân khẩu sống dọc kênh, rạch. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 thực hiện bố trí ổn định cho 5.309 hộ, đến 2030 là 9.000 hộ. Các hộ dân này được di dời đến 6 cụm, tuyến dân cư ở quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ; bố trí xen ghép vào tuyến dân cư trên địa bàn 33 xã, phường, thị trấn; ổn định nơi ở tại chỗ trên địa bàn 25 xã, phường, thị trấn... Đến thời điểm này, thành phố cơ bản chỉnh trang đô thị sông nước Cần Thơ.

TỪNG BƯỚC GỠ KHÓ

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi triển khai phương án trên là nguồn ngân sách hạn chế. Dự kiến, vốn ngân sách Trung ương và địa phương phân bổ cho chương trình này gần 300 tỉ đồng, trong khi tổng vốn thực hiện quy hoạch ước tính 556 tỉ đồng. Về bản chất, việc di dời nhà dân ven kênh, rạch là dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực. Trong khi đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án. Vốn đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn lâu nên không thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, quỹ nhà tái định cư của thành phố cũng không đủ đáp ứng quy mô di dời và tái định cư cho các hộ dân.

Bên cạnh đó, việc di dời, bồi thường cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn do phần lớn nhà ở ven sông có phần diện tích lấn chiếm, diện tích nhỏ không đủ tiêu chuẩn tái định cư, cần có cơ chế bồi thường, hỗ trợ đặc biệt. Theo đó phần diện tích lấn chiếm cần được áp dụng tăng mức tỷ lệ phần trăm hỗ trợ theo hướng có lợi cho người dân bị thu hồi nhà, đất để khuyến khích họ sớm bàn giao mặt bằng. Ông Lê Văn Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn,  cho biết: “Đối với bố trí tái định cư, người dân ở khu vực sạt lở, chúng tôi đang xem xét tính pháp lý cho các hộ không đất ở, nhà ở nào khác được vào khu tái định cư, đến đó đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội”.

Trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, việc bố trí tái định cư cho người dân có nhà ven kênh, rạch được thành phố xem là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay. Mới đây,tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện thành phố đã lập phương án di dời gần 10.000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, trước mắt trong 2 năm tới sẽ ổn định chỗ ở cho 5.300 hộ bằng cách di dời đến các cụm dân cư tập trung, xen vào tuyến dân cư trên địa bàn và ổn định tại chỗ...”.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: “Từ những bất cập, nguy hiểm, mất an toàn khi cư ngụ ven sông, rạch, thành phố kiên quyết thực hiện kế hoạch nêu trên, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác giải quyết việc làm phù hợp cho từng lứa tuổi, hộ dân khi được di dời… Ngay từ thời điểm này, các địa phương phải nắm chắc và quản lý tốt thực trạng bờ sông, kênh, rạch, không để phát sinh thêm trường hợp xây dựng nhà tại các khu vực nêu trên. Nếu địa phương nào để phát sinh thêm trường hợp xây dựng nhà ven sông, kênh, rạch thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định. Thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện phải tính toán, đưa ra giải pháp tốt nhất để vận động, bố trí người dân ven sông, kênh, rạch đến cư ngụ tại các cụm, tuyến dân cư trên, nhằm tránh lãng phí khi cụm, tuyến dân cư xây dựng hoàn thành nhưng người dân không vào xây dựng nhà ở; áp dụng chính sách đền bù, giải tỏa, hỗ trợ di dời, tiền sử dụng đất... có lợi nhất để người dân thực hiện di dời…”.

AN KHÁNH - HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết