13/09/2018 - 07:43

Vấn nạn béo phì ở châu Âu 

Trong báo cáo công bố hôm qua 12-9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng tuổi thọ của dân châu Âu tiếp tục tăng, nhưng tình trạng béo phì và thừa cân có nguy cơ đảo ngược xu hướng tích cực này.

Có đến 63,7% người dân Anh thừa cân hoặc béo phì. Ảnh: medicalnewser.com
Có đến 63,7% người dân Anh thừa cân hoặc béo phì. Ảnh: medicalnewser.com

Sau khi thực hiện nghiên cứu ở 53 quốc gia trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, WHO nhận thấy tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu tăng từ 76,7 hồi năm 2010 lên 77,8 năm 2015. Trong đó, phụ nữ sống lâu hơn đàn ông (81,1 so với 74,6 tuổi). 

Tuổi thọ nâng cao đi cùng với những tin vui khác. Đó là số ca chết sớm vì mắc ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch và hô hấp mãn tính ở châu Âu giảm trong những năm gần đây. Châu Âu sắp đạt được mục tiêu đề ra là mỗi năm giảm 1,5% trường hợp chết sớm đến năm 2020. Theo ghi nhận, “chết yểu” do bệnh tật đã giảm 9% trong giai đoạn 2010-2015, xuống còn 715 ca/100.000 dân. Mỗi 3 năm WHO đều công bố Báo cáo Sức khỏe châu Âu, nhưng lần này có thêm yếu tố đánh giá sự hài lòng của người dân với cuộc sống hiện thời. Theo đó, một số quốc gia đạt được mức độ “hài lòng với cuộc sống” cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, bà Jakab cũng cảnh báo các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống là nguyên nhân gây lo ngại vì chúng có thể làm chậm hoặc thậm chí giật lùi những thành tựu to lớn về tuổi thọ nếu không được kiềm chế. Trong đó, béo phì và thừa cân đang là vấn nạn mà hầu hết các quốc gia thành viên đều đối mặt. Vào năm 2016, 23,3% người dân châu Âu bị béo phì, tăng 2,5% so với năm 2010, và 58,7% người thừa cân, tăng 2,8%. Xu hướng này thấy rõ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đến 39,2% phụ nữ béo phì. Với lần lượt 29,8% và 27,8% dân số bị béo phì, Malta và Anh cũng đang đau đầu với tình trạng này. 

Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân ở thanh thiếu niên Greenland (Đan Mạch) và Hy Lạp được ghi nhận ở mức cao nhất. Dựa trên số liệu năm 2014 thì tại đây có gần 40% bé trai 11 tuổi thừa cân hoặc béo phì. Theo định nghĩa của WHO, béo phì là tình trạng một người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30, đồng nghĩa với một người cao 1,7m và nặng hơn 87kg.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý châu Âu hiện có tỷ lệ người hút thuốc và uống rượu bia cao nhất thế giới. Khoảng 29% người trên 15 tuổi ở châu lục này phì phèo thuốc lá, so với 16,9% tại châu Mỹ và 24,8% ở Đông Nam Á. Với mỗi người uống trung bình 8,6 lít bia hồi năm 2014, châu Âu vẫn là nơi tiêu thụ thức uống có cồn nhiều hơn những khu vực khác. Trong số các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu năm 2014, Litva đứng đầu về “tửu lượng”, trung bình 15,2 lít/người, xếp sau là CH Czech và Bỉ.

THANH BÌNH (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
béo phì châu Âu