19/10/2018 - 20:30

Văn hóa lịch sử đất nước trong “Khám phá Việt Nam” 

Chương trình “Khám phá Việt Nam” thuộc thể phim ký sự, phóng sự về các chủ đề đa đạng, từ vùng đất, sự kiện, con người, văn hóa... đến các lễ hội, kiến trúc. Hành trình mang đến cho người xem những câu chuyện chưa từng được nghe, hoặc được kể nhưng chưa đầy đủ qua góc nhìn mới, sâu sắc. Mỗi chương trình là một câu chuyện chân thực đầy sức hút. Chương trình phát sóng lúc 17g10, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần trên VTV1 và VTV4.

Theo chân người dân đi hái bông súng trong “Sản vật mùa nước nổi”. Ảnh chụp màn hình từ https://vtv.vn/video/kham-pha-viet-nam-san-vat-mua-nuoc-noi-301393.htm

Với phương châm “Không ai, không điều gì bị lãng quên”, chương trình “Khám phá Việt Nam” thực sự mở ra cho người xem những kiến thức và góc nhìn mới mẻ với những câu chuyện kể sinh động về tiến trình phát triển của từng vùng đất. Mỗi chương trình chỉ khoảng 10-15 phút, chứa đựng nhiều thông tin liên kết chặt chẽ với cách nhận định đa chiều từ những người trong cuộc, những cảm nhận của du khách. Sức hấp dẫn của chương trình chính là việc kể câu chuyện có ngọn ngành với dữ liệu thông tin phong phú, đa dạng, bên cạnh những hình ảnh được trau chuốt nghệ thuật. Chương trình không chỉ giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp của mỗi vùng đất, con người mà còn nuôi dưỡng mạch cảm xúc, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử được gìn giữ qua bao đời; những nét đẹp bình dị của đời thường.

Một hành trình phảng phất hơi thở cuộc sống đầy chân chất của người dân Tây Nam bộ được phản ánh qua câu chuyện “Sản vật mùa nước nổi”. Theo chân ông Nguyễn Văn Dư và ông Đoàn Văn Đông ở Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), người xem có thể hiểu rõ đời sống sinh hoạt của dân miền Tây vào mùa nước nổi. “Không lưới thì câu, không câu thì lọp” là câu nói quen thuộc thể hiện nhịp sống của người dân nương theo dòng nước để tận dụng các sản vật từ thiên nhiên. Hành trình theo bước chân của người dân mưu sinh giăng lưới, đặt lọp, nhổ những bông súng đồng, thu hoạch ấu trên cánh đồng mênh mông nước; đi chợ quê buổi sáng sớm… khắc họa sự mộc mạc, tinh thần lạc quan của người dân miền sông nước Nam bộ.

Hay một câu chuyện khác, “Làng chài xưa ở Phan Thiết” truyền hơi thở của một vùng đất miền Duyên hải Nam Trung bộ có hơn 300 năm lịch sử phát triển. Câu chuyện đậm chất nghệ thuật và sự sáng tạo độc đáo của anh Trần Ngọc Dũng, một người con xứ biển muốn cống hiến hết mình cho quê nhà thông qua dự án công trình Fishermen Show. Fishermen Show là không gian gian trưng bày về làng chài xưa của Phan Thiết, tái hiện những nét sinh hoạt của làng chài với những câu chuyện gắn liền lịch sử phát triển của vùng đất, chuyện về hàm hộ - người làm nước mắm theo quy trình truyền thống làm nên thủ phủ nước mắm đầu tiên của Việt Nam. Fishermen Show còn đưa những giá trị đó đến gần du khách thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật độc đáo mang tên “Huyền thoại làng chài”. Đây được xem chương trình vũ kịch đầu tiên ở Việt Nam, tái hiện những nét văn hóa, lịch sử của một vùng đất thông qua nghệ thuật sân khấu.

Ngược ra miền Bắc, hành trình “Dấu ấn đồi thiên văn Phù Liễn” mang đến khám phá về đất cảng Hải Phòng, cũng như lịch sử phát triển của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Nằm trên đồi Phù Liễn, đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc là điểm đặt nền móng đầu tiên của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam qua hơn 100 năm hình thành và phát triển. Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc được xây dựng vào năm 1902 với tên gọi ban đầu là Tổng cục Thiên văn xứ Đông Pháp. Tại thời điểm đó, đây là đài khí tượng đầu tiên và hiện đại nhất Đông Dương, được đánh giá mang tầm vóc của một trung tâm khoa học sánh ngang với các cơ sở khoa học tiên tiến trên thế giới, như đài khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines) hay đài khí tượng Tokyo (Nhật Bản). Ngày nay, nơi đây không chỉ là công trình kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa Đông Tây, mà còn là bảo tàng về lịch sử của ngành thiên văn Việt Nam.

Những hành trình đó còn là nghị lực và nỗ lực thích nghi của người dân ở “Làng dừa Cẩm Thanh” (Quảng Nam); hay lối sống đẹp của một cộng đồng ở “Độc đáo ngôi chùa xây bằng san hô” (Phú Yên)… Mỗi câu chuyện của “Khám phá Việt Nam” đều mang đến cho người xem những bất ngờ về đất và người Việt Nam. Không chỉ có danh lam, thắng cảnh mà còn có hơi thở lịch sử, thăng trầm trong quá trình lưu giữ và phát triển những nét văn hóa bản địa độc đáo. Tất cả đều để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng và những cảm xúc khó quên. l

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết