09/04/2018 - 20:58

Vận động trong thai kỳ 

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc vận động nhẹ nhàng hợp lý cũng giúp thai kỳ phát triển khỏe mạnh.

Thực tế, có nhiều thai phụ ít vận động, lại thêm tâm lý “ăn gấp đôi” cho em bé nên tăng cân quá mức sau sinh. Theo các bác sĩ sản khoa, tập thể dục khi mang thai giúp tăng cân một cách khỏe mạnh; đồng thời, giúp phục hồi, trở lại trọng lượng cũ nhanh hơn sau sinh. Đặc biệt, thể dục nhẹ nhàng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ, giảm đau khớp hay cứng khớp- tình trạng mà nếu ít vận động, chị em dễ gặp phải; hệ thống tiêu hóa nhu động hơn, ngăn ngừa và giảm táo bón. Các bài tập vùng chậu tốt cho việc giảm khả năng biến chứng khi sinh, giảm nguy cơ sa tử cung và bàng quang. Bằng cách tăng cường các bài tập cơ bản, mẹ bầu cảm thấy dồi dào sinh lực, giảm stress, cân bằng tâm lý và cải thiện giấc ngủ, giảm tâm lý cô độc và trầm cảm sau sinh.

Thai phụ vận động hợp lý giúp thai kỳ khỏe mạnh. Trong ảnh: Thai phụ tham gia lớp học tiền sản do BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức.
Thai phụ vận động hợp lý giúp thai kỳ khỏe mạnh. Trong ảnh: Thai phụ tham gia lớp học tiền sản do BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức.

 

Việc tập thể dục của thai phụ còn mang lại nhiều tác dụng tốt cho sự phát triển của thai nhi, giúp trẻ sinh ra thông minh, lanh lợi hơn. Mẹ tập thể dục đều đặn giúp cải thiện quá trình oxy hóa và vận chuyển lưu lượng máu qua nhau thai.

Những hình thức thể dục thể thao phù hợp cho các mẹ bầu: đi bộ nhanh, chạy xe đạp, bơi lội và leo cầu thang. Bơi lội là hình thức thể dục tốt trước sinh, nhất là về cuối giai đoạn thai kỳ, khi các cấu trúc nâng đỡ bé trở nên yếu hơn. Ngày nay, nhiều chị em lựa chọn hình thức tập yoga, kể cả trong thai kỳ, giúp hệ xương khớp được dẻo dai và vượt cạn dễ dàng.

Các chuyên gia khuyến cáo, các bài tập vùng chậu nên bắt đầu lúc mới mang thai, nếu chưa tập trước đó. Sàn chậu hoạt động như chiếc võng hỗ trợ các cơ quan ở vùng chậu nằm đúng vị trí. Thai phụ nên bắt đầu từ từ với cường độ hợp lý, người mới bắt đầu nên tập 10 phút đến khi tăng lên 30 phút mỗi ngày cho cả tuần hay hầu hết các ngày trong tuần. Một vài nhắc nhở nhỏ là, luôn giữ bình tĩnh trong lúc tập; đem theo một chai nước nhỏ để bổ sung khi bị mất nước. Nếu tập thể dục bên ngoài, nên đội mũ, thoa kem chống nắng vì khi mang thai, da có thể nhạy cảm dưới ánh nắng mặt trời.

Lựa chọn tư thế nằm ngủ thoải mái cũng là một trong những điều quan tâm của các bà bầu trong thai kỳ. Trong 3 tháng đầu, bào thai còn nhỏ nên bà bầu có thể ngủ tùy ý với nhiều tư thế thoải mái, tuy nhiên, bác sĩ khuyên chị em không nên nằm sấp. Ba tháng giữa thai kỳ, nếu nước ối quá nhiều hoặc mang song thai, bụng quá to, nên nằm nghiêng. Nếu bà bầu cảm thấy phần chân nặng nề, có thể nằm ngửa và kê chân lên gối mềm. Trong những tháng cuối của thai kỳ, tử cung thường xoay về phía bên phải, vì vậy bà bầu nên nằm nghiêng trái để giảm bớt áp lực cho các động mạch và vùng xương chậu, đồng thời làm tăng quá trình lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Nếu hai chân bị phù to hoặc các tĩnh mạch ở chân căng lên, bà bầu có thể vừa nằm nghiêng trái, vừa kê cao chân một chút sẽ giúp máu lưu thông, chân bớt phù nề.

THU SƯƠNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết