15/06/2018 - 07:13

Vấn đề người nhập cư lại khuấy động EU 

Sau thời gian tạm lắng, vấn đề người nhập cư lại trở thành đề tài nóng khi nó gây chia rẽ giữa hai đối tác gần gũi là Pháp và Ý, đồng thời xuất hiện lủng củng trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức.

Tàu tuần tra biển Ý đưa người nhập cư từ tàu Aquarius đi Valencia. Ảnh: AP
Tàu tuần tra biển Ý đưa người nhập cư từ tàu Aquarius đi Valencia. Ảnh: AP

Phản ứng quyết liệt của Ý

Hôm 13-6, Bộ Ngoại giao Ý đã triệu tập đại sứ Pháp tại Paris nhằm phản đối lời phát biểu “không thể chấp nhận” trong cuộc họp nội các trước đó một ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về quyết định “cấm cập cảng” của chính quyền Rome đối với một tàu nhân đạo chở theo 629 người nhập cư. Ông Macron bình luận rằng việc Rome không cho tàu phi chính phủ Aquarius cập cảng là hành động  “ích kỷ và vô trách nhiệm”.

Nói với đại diện ngoại giao Pháp, Ngoại trưởng Ý Enzo Moavero nhấn mạnh những lời bình phẩm của Tổng thống Macron là “phi lý và làm tổn hại quan hệ giữa hai nước”. Phát biểu trước Thượng viện Ý hôm 13-6, chính trị gia cực tả - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini tuyên bố: “Chúng ta không có gì để học hỏi về sự độ lượng, tình nguyện, nồng nhiệt và đoàn kết từ ai cả”. Ông yêu cầu Pháp “hãy biến lời nói thành hành động và chứng tỏ dấu hiệu độ lượng” trong việc tiếp nhận người nhập cư nhiều hơn. Ông dẫn số liệu trong 5 tháng đầu năm nay, Pháp chỉ tiếp nhận 640 trên tổng số 9.816 người nhập cư từ Ý như đã cam kết và gởi trả lại cho Ý 10.249 người nhập cư. Ngoài ra, ông Salvini còn yêu cầu Chính phủ Pháp phải xin lỗi cho lời bình của ông chủ Điện Élysée.

Không chỉ lên tiếng phê phán kịch liệt, Bộ trưởng Kinh tế Ý Giovanni Tria đã hủy bỏ cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire dự kiến diễn ra tại Paris hôm 13-6. Báo chí Ý còn loan tin Thủ tướng nước này, ông Giuseppe Conte đang cân nhắc hủy luôn cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Macron tại Paris ngày 15-6. “Nếu một lời xin lỗi chính thức không đến, Thủ tướng Conte không nên đi qua Pháp” – Bộ trưởng Salvini phát biểu trước báo giới. Đây là cuộc họp chuẩn bị  cho hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6 tới.

Về phần mình, Tổng thống Macron ban đầu từ chối trả lời các câu hỏi của giới báo chí về phát biểu gây bão của mình nhưng sau đó xoa dịu: “Chúng ta đừng bao giờ kích động với những gì mà một số người thêu dệt”. Văn phòng Điện Élysée ngày 14-6 ra tuyên bố “Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng ông không nói gì có ý xúc phạm đến đất nước và nhân dân Ý”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll thì nhẹ giọng rằng Paris “đang ý thức đầy đủ về gánh nặng áp lực nhập cư đè lên nước Ý” và cam kết sẽ hợp tác với Rome giải quyết vấn đề người nhập cư.

Phía Pháp không nhận được yêu cầu xin lỗi từ Ý. Cuộc gặp giữa bộ trưởng kinh tế hai nước có thể được nối lại trong vài ngày nữa, trong khi cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Ý được lãnh đạo hai nước xác định vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Mối đe dọa sống còn của EU

Theo luật của EU, người nhập cư phải làm đơn xin tị nạn tại quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân đến. Do vậy, chính sách này tạo gánh nặng cho Ý và Hy Lạp, nơi hàng trăm ngàn người xin tị nạn tìm đến trong mấy năm qua. Cụ thể, trong số hơn 1,8 triệu người nhập cư đã đến châu Âu từ năm 2014, nước Ý có hơn 170.000 nộp đơn xin tị nạn và khoảng 500.000 người không đăng ký. Chính phủ Ý mấy năm qua đã phàn nàn rằng họ phải đơn độc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư trên Địa Trung Hải.

Hãng tin AP cho rằng việc Ý ngăn tàu nhân đạo Aquarius chở người nhập cư cập cảng là một chiến thuật của chính quyền dân túy muốn thu hút sự quan tâm của giới lãnh đạo EU tại cuộc họp ở Brussels sắp tới. Thay vì cho cập cảng, hai tàu tuần tra biển Ý hộ tống đưa những người nhập cư đến Valencia, Tây Ban  Nha nằm cách xa khoảng 1.500km. Chính quyền dân túy của Thủ tướng Conte chủ trương chống nhập cư, dù một tàu hải cảnh Ý hôm 13-6 vẫn cứu hơn 900 người nhập cư và cho phép họ cập cảng ở đảo Sicily.

Ngay tại Thủ đô Berlin của Đức hôm 13-6, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer tỏ thái độ ủng hộ Bộ trưởng Nội vụ Salvini của Ý. Ông Kurz mong muốn Bộ Nội vụ 3 nước Áo-Đức-Ý sẽ thiết lập “trục tình nguyện chống nhập cư bất hợp pháp”. Ông Kurz sẽ là chủ tịch luân phiên EU vào đầu tháng 7.

Trước  tình hình trên, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani tuyên bố: “Sự sống còn của EU đang phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề nhập cư và đây là mối đe dọa lớn nhất của thời đại chúng ta”. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vấn đề nhập cư “có gì đó như là phép thử cho tương lai và sự thống nhất của châu Âu”. Bà cũng triệu tập “cuộc họp khủng hoảng” sau khi Bộ trưởng Nội vụ Seehofor muốn Đức hợp tác với Áo và Ý đảo chiều chính sách mở cửa nhập cư được  thực hiện từ năm 2015.

Ông Seehofer là thủ lĩnh của đảng CSU trong liên minh cầm quyền yếu ớt của bà Merkel. Bà Merkel phải lắng nghe ý kiến của CSU khi mà liên minh của bà đang chịu sức ép lớn từ lực lượng cánh hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) vốn chiếm vị trí thứ ba trong quốc hội Đức.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết