15/10/2017 - 09:35

Vài nét về tổng giám đốc đắc cử của UNESCO 

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) hôm 13-10 đã chọn cựu Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông Pháp Audrey Azoulay làm tổng giám đốc mới, sau một kỳ bỏ phiếu nóng bất thường bởi sự căng thẳng ngoại giao tại Trung Đông cũng như việc Mỹ và Israel tuyên bố rút khỏi tổ chức có 195 thành viên này.

Tổng giám đốc đắc cử UNESCO Audrey Azoulay.  Ảnh: Reuters 

 

Tại vòng bỏ phiếu thứ 5 hôm 13-10, bà Azoulay (45 tuổi) đã đánh bại đối thủ là nhà ngoại giao người Qatar - ông Hamad bin Abdulaziz al-Kawari với kết quả cách biệt sít sao là 30 phiếu so với 28 phiếu, trong tổng số 58 phiếu bầu chọn từ Hội đồng chấp hành của UNESCO.

Kết quả này được xem là đòn giáng mạnh vào các quốc gia A-rập sau một thời gian dài chờ đợi đại diện của họ lên dẫn dắt UNESCO. Trước đó, tổ chức này từng có nhà lãnh đạo đến từ châu Âu, châu Á, châu Mỹ nhưng chưa có ai từ một quốc gia A-rập.

Về mặt thủ tục, nếu được Đại hội đồng UNESCO thông qua vào tháng 11 tới, bà Azoulay sẽ chính thức kế nhiệm Tổng giám đốc sắp mãn nhiệm Irina Bokova, một phụ nữ Bulgaria đã dẫn dắt tổ chức này từ năm 2009. Theo đó, bà Azoulay cũng sẽ là tổng giám đốc UNESCO thứ hai là phụ nữ, cũng như là thủ lĩnh người Pháp thứ hai của cơ quan này.

Được biết, Tổng giám đốc đắc cử UNESCO sinh ngày 4-8-1972 tại Thủ đô Paris, trong một gia đình người Do Thái gốc Ma-rốc. Cha bà - ông Andre Azoulay - là một giám đốc ngân hàng và từng làm cố vấn cho Quốc vương Mohammed VI của Ma-rốc, trong khi mẹ là nhà văn Katia Brami.

Bà Azoulay từng theo học tại Đại học Sciences-Po (Pháp) và Đại học Lancaster (Anh) trước khi tốt nghiệp Học viện hành chính quốc gia  Pháp (ENA - ngôi trường hàng đầu dành cho các lãnh đạo tương lai của xứ gà trống Gaulois).

Về kinh nghiệm chính trị, bà Azoulay từng có thời gian làm việc tại Tòa Kiểm toán Pháp và nhiều năm làm việc tại các cơ quan truyền thông khác nhau, trước khi đảm trách vị trí giám đốc tài chính tại Cơ quan quốc gia về điện ảnh và hoạt hình Pháp (CNC) vào năm 2006.

Sau một thời gian làm cố vấn văn hóa và truyền thông cho cựu Tổng thống Francois Hollande, bà Azoulay được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông năm 2016-2017.

Trong bài phát biểu sau khi được chọn làm tổng giám đốc UNESCO, bà Azoulay cho biết hành động đầu tiên của bà là khôi phục sự tín nhiệm, niềm tin của các thành viên và tính hiệu quả của tổ chức này.

Bà Azoulay cũng sẽ đặt ra các ưu tiên dành cho chương trình bảo vệ các địa điểm văn hóa và truyền thống mang tên Di sản Thế giới. Cơ quan này cũng sẽ làm việc để nâng cao giáo dục cho trẻ em gái, thúc đẩy sự hiểu biết về sự kiện thảm sát người Do Thái (Holocaust), bảo vệ quyền tự do báo chí và phối hợp khoa học về chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bà Azoulay sẽ đặc biệt phải đương đầu với tuyên bố rút khỏi UNESCO của Mỹ và Israel. Trong đó, Mỹ đã cắt tất cả khoản đóng góp cho ngân sách UNESCO từ năm 2011, làm mất đi gần 1/5 ngân sách và buộc tổ chức có trụ sở tại Paris này phải cắt giảm nhiều chương trình hoạt động.

ĐÔNG PHONG (Theo Reuters, AP, AFP)

Chia sẻ bài viết