21/08/2008 - 21:56

Uống nhiều nước có thể tránh được bệnh sỏi niệu

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang mổ lấy sỏi qua nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: B.NG

Sỏi niệu là bệnh phổ biến, chiếm nguyên nhân hàng đầu trong bệnh lý tiết niệu. Đây là loại bệnh dễ dự phòng nhưng nếu không có kiến thức tối thiểu sẽ để lại hậu quả khôn lường, gây nhiều biến chứng: suy thận, viêm thận mủ , rối loạn hệ tiết niệu và thậm chí dẫn đến tử vong. Các loại sỏi niệu thường gặp là sỏi vô cơ như: canxi, phosphat, oxalat, sỏi hữu cơ là dạng sỏi urat,...

Sự hình thành các dạng sỏi trong đường tiểu (niệu) có nhiều nguyên nhân. Ai cũng có thể mắc bệnh sỏi niệu nếu như uống ít nước, không đủ nước (mỗi ngày ít hơn 2 lít nước). Còn theo các nhà nghiên cứu, đến nay, 2 yếu tố chính hình thành sỏi niệu là yếu tố nội tại và qua ăn uống. Tình trạng tăng bất thường nồng độ canxi trong máu là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hình thành sỏi niệu. Tăng canxi máu có thể do xuất hiện u bướu tại tuyến giáp làm rối loạn chuyển hóa canxi. Các yếu tố nội tại khác làm gia tăng hình thành sỏi còn do bế tắc đường tiểu lâu ngày, dung lượng nước tiểu giảm, môi trường nước tiểu thuận lợi cho sự xuất hiện tinh thể. Nguyên nhân chính là do người bệnh uống ít nước. Con người nên uống 2,5 lít nước/ ngày sẽ giảm 90% số bệnh nhân nhập viện vì bệnh sỏi niệu. Hiện nay, vùng ĐBSCL có 18 triệu dân, trong đó, 20% người mắc bệnh sỏi niệu, thậm chí ai trong đời cũng có một lần tiểu ra sỏi (nhỏ quá ta không biết). Nếu như, mỗi người uống đủ nước thì 90% bệnh nhân không phải đến bệnh viện để điều trị sỏi niệu.

Sỏi niệu có những biến chứng là thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay tắc nghẽn. Do đó những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản dưới hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây tiểu buốt, tiểu lắt nhắt hoặc khó tiểu. Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước, nếu nhiễm trùng thận thành túi mủ phải cắt bỏ thận hư này.

Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao, tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận. Khi sỏi kẹt trong niệu đạo hoặc ở bàng quang sẽ gây bí tiểu cấp tính hay mãn tính. Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì niêm mạc dễ bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu. Đây là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm mà sỏi niệu gây ra. Ngoài ra, viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn gây hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu) hoặc suy giảm chức năng thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận.

Đối tượng dễ mắc phải bệnh này là những người lao động nặng nhọc, làm việc ở môi trường “thừa nắng, thiếu nước”, trong đó những người làm các nghề như: vác lúa, phụ hồ, công nhân xây dựng, nông dân, thủy thủ..., cần đảm bảo uống từ 3,5-4 lít nước mỗi ngày so với người bình thường. Vì nếu uống nước ít, nước tiểu sẽ bị cô đặc dễ hình thành sỏi. Có thể hình dung sự lưu thông ở đường tiết niệu giống như một dòng sông, nếu nước chảy cuồn cuộn thì lục bình, rác rưởi khó tấp lại hai bên bờ; còn dòng sông nào nước chảy lờ đờ thì lục bình, rác rưởi sẽ tấp lại. Đường tiết niệu cũng vậy, nếu cơ thể thường xuyên trong tình trạng “thừa nắng, thiếu nước” thì nguy cơ mắc sỏi niệu rất cao. Hiện nay, những người làm việc thường xuyên trong phòng máy lạnh, thường xuyên uống rượu, bia cũng dễ mắc bệnh sỏi chuyển hóa (urat, sỏi không cản quang). Những người uống rượu bia mỗi ngày có thể bị bệnh sỏi urat (nặng hơn), khó điều trị và chỉ phát hiện qua siêu âm.

Như vậy, cách phòng ngừa và xử trí sỏi niệu thế nào? Trước hết cần phải giảm những nguy cơ hình thành sỏi niệu, đó là phải uống đủ nước (2,5 lít nước/ngày). Phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân khác (ngoài sỏi) gây viêm nhiễm đường tiểu và ứ đọng nước tiểu. Khi thấy có các biểu hiện tiểu buốt, tiểu gắt cần phải đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Khi người bệnh có sỏi nhỏ hơn 8mm (qua siêu âm), thận chưa ứ nước, mới đau lần đầu thì chỉ cần uống ngày 3 lít nước, không cần uống thuốc. Qua nghiên cứu cho thấy, những người uống thuốc điều trị và những người uống đủ lượng nước trên thì kết quả như nhau, số lượng sỏi mất đi qua đường tiểu như nhau. Điều chắc chắn rằng là uống nước sẽ rẻ tiền hơn uống thuốc, không có tác dụng phụ. Đối với những trường hợp bệnh nặng phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị. Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ đều có thể điều trị được sỏi niệu, bằng các phương pháp như: tán sỏi ngoài cơ thể (phá sỏi bằng siêu âm), mổ lấy sỏi qua nội soi, tán sỏi qua nội soi, cắt thận qua nội soi... Tùy theo từng trường hợp mà chi phí, thời gian nằm viện điều trị sẽ khác nhau. Chỉ điều trị sỏi niệu bằng thuốc kháng sinh khi nào bác sĩ chứng minh được có nhiễm trùng niệu, có bạch cầu trong nước tiểu. Để phát hiện nước tiểu có bạch cầu hay không, có thể đến các phòng khám để phát hiện; còn muốn biết bản thân có bị nhiễm trùng nước tiểu hay không, mỗi người đều có thể tự thử được bằng que thử nước tiểu.

Sau khi mổ sỏi niệu, để tránh bệnh tái phát, trước đây, nhiều bác sĩ khuyến cáo không nên ăn nhiều thức ăn có canxi, nhưng qua thực tế điều trị cho thấy, người bệnh vẫn có thể ăn “thoải mái”, với điều kiện phải uống đủ 3 lít nước mỗi ngày; nhằm đảm bảo đường tiết niệu không bị tắc nghẽn, không bị nhiễm trùng. Tùy vào trường hợp điều trị cụ thể mà bác sĩ có khuyến cáo về cách chăm sóc riêng.

Tóm lại, bệnh sỏi niệu tuy nguy hiểm nhưng mọi người có thể dự phòng và hạn chế mức thấp nhất bị mắc bệnh.

Bác sĩ TRẦN VĂN NGUYÊN

(Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết