08/05/2018 - 07:04

Ước vọng hòa bình của cựu binh Chiến tranh Triều Tiên 

Zhang Zeshi (Trung Quốc) và Cho Chan-ho (Hàn Quốc) từng ở hai chiến tuyến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, nhưng cả hai cựu quân nhân cùng 89 tuổi này hiện có một điểm chung. Đó là ước vọng về một nền hòa bình thực sự và lâu dài cho bán đảo Triều Tiên, vốn bị chia thành 2 miền Nam-Bắc sau thỏa thuận đình chiến được ký kết cách đây 65 năm.

Cựu binh Hàn Quốc trong một sự kiện kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Getty Images
Cựu binh Hàn Quốc trong một sự kiện kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Getty Images

Tại Thủ đô Seoul, cụ Cho cho biết đã chờ đợi sự thống nhất với “những người anh em miền Bắc” trong thời gian dài. “Tôi từng vượt qua vĩ tuyến 38 (đường phân giới chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên) 5 lần trong chiến tranh. Nếu ngày đó đến, sẽ là khi chúng tôi từ miền Nam có thể đi tất cả con đường tới 2 con sông Tumen và Yalu (ở Triều Tiên) và anh em miền Bắc của chúng tôi có thể đến thành phố Busan và thậm chí cả đảo Jeju. Đó sẽ là giấc mơ trở thành hiện thực. Tôi không thể ước mong nhiều hơn”- cụ chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

 

Thượng đỉnh Mỹ - Triều nhiều khả năng diễn ra tại Singapore

Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, các nguồn tin ngoại giao dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết hội nghị thượng đỉnh được trông đợi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra “vào giữa tháng 6” tới. Tờ báo này cho biết nhiều khả năng địa điểm diễn ra cuộc gặp sẽ là Singapore, sau khi ông Trump quyết định tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng vào cuối tháng 5 này.

Còn ông Zhang, hiện sống ở Thủ đô Bắc Kinh, khi đó mới 21 tuổi đã trở thành một trong 3 triệu quân nhân Trung Quốc được cử sang hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong cuộc xung đột với miền Nam, lúc ấy được lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn. Zhang cho biết ông đã thay đổi cách nhìn về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau Thế vận hội Mùa Đông tổ chức ở Hàn Quốc hồi tháng 2. "Không thể tin được. Ông Kim đã sử dụng Thế vận hội Mùa Đông để phá thế bế tắc giữa hai miền Nam- Bắc", ông Zhang hồ hởi nói.

Được biết, số thương vong trong Chiến tranh Triều Triên là rất lớn - khoảng 600.000 binh sĩ Trung Quốc đã chết hoặc mất tích, 1 triệu dân thường và 217.000 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng, trong khi Triều Tiên mất đi 1 triệu binh sĩ và dân thường.

Những  ký ức về thời gian đó vẫn chưa phai mờ trong các cựu binh. Và nhiều người vẫn hoài nghi về một viễn cảnh kết thúc thực sự đối với tình trạng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa diễn ra vào cuối tháng 4. Chẳng hạn, cựu binh Hàn Quốc Park Myung-ho nói: “Chúng tôi từng có các hội nghị thượng đỉnh (với Triều Tiên) trong quá khứ, đầu tiên là với cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và sau đó với cố lãnh đạo Kim Jong-il. Nhưng mỗi lần gặp, họ đều lừa gạt chúng tôi”. Tuy vậy, ông Park cho biết ở lần gặp này, người dân cả hai miền đều mong đợi một kết quả khác. “Tất cả chúng tôi đều rất mong muốn thống nhất. Miền Nam và miền Bắc nên chấm dứt việc ngờ vực và cãi vã nhau. Suy nghĩ cho rằng Triều Tiên chỉ có thể là kẻ thù của chúng ta hiện nay đã lỗi thời. Chúng ta phải thoát khỏi ý nghĩ này và tôi hy vọng 70 triệu dân (của hai miền) sẽ gắn kết với nhau như một” - ông Park bày tỏ. 

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết