24/01/2008 - 22:21

Ung thư cổ tử cung - phát hiện sớm, điều trị đúng cách, cơ hội sống của bệnh nhân rất cao

Nhiều người cho rằng ung thư cổ tử cung (CTC) là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ” vì khó biết được nguyên nhân để phòng ngừa và thường đã phát bệnh thì rất khó trị. Thế nhưng, cũng như những căn bệnh khác, ung thư CTC cũng có nguyên nhân và nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, cơ hội sống của bệnh nhân rất cao. Qua thực tế điều trị, bác sĩ chuyên khoa II Cao Văn Nhựt, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, có bài viết giúp bạn đọc hiểu hơn về cách phòng, trị căn bệnh này.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 500.000 ca ung thư CTC mới. Trong đó, 80% tập trung ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á. Khảo sát các trường hợp ung thư CTC từ 25 quốc gia khác nhau, phát hiện đến 99,7% trường hợp có sự hiện diện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Đặc điểm của HPV là có hơn 150 type khác nhau; trong đó, hơn 40 type gây nhiễm trùng đường sinh dục. 70% người lớn có hoạt động tình dục ít nhiều bị nhiễm HPV tạm thời, nhưng 10% - 20% trường hợp lại nhiễm type có nguy cơ gây ung thư cao. Từ lâu, y học đã thừa nhận việc quan hệ tình dục sớm, sinh nhiều, có nhiều bạn tình là nguy cơ dẫn đến ung thư CTC. Giải thích điều này, người ta cho rằng đời sống tình dục càng sớm và với nhiều bạn tình khác nhau thì khả năng nhiễm HPV càng dễ xảy ra (trích theo nghiên cứu của tiến sĩ sinh học Timothy Ng. tại Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương ở Thái Lan).

Giai đoạn tổn thương tiền xâm lấn của ung thư CTC còn gọi là dị sản CTC. Đây là giai đoạn biến dạng của quá trình sinh lý của lớp tế bào tử cung có tiềm năng ác tính. Nguyên nhân chủ yếu gây biến dạng là do ảnh hưởng của virus HPV. Có thể gặp dị sản CTC ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15- 65 tuổi nhưng thường gặp nhất là ở độ tuổi 20-40 tuổi. Nếu phụ nữ mắc bệnh ung thư CTC được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn dị sản (CIN), kết quả điều trị thành công 100%. Ngược lại, nếu chẩn đoán và phát hiện muộn ở giai đoạn ung thư CTC xâm lấn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm còn tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư CTC. Cụ thể, phụ nữ mắc bệnh ung thư CTC giai đoạn I, IIA có tỷ lệ sống là 80%; bị ung thư CTC giai đoạn IIB: tỷ lệ sống là 55%; bị ung thư CTC giai đoạn III: tỷ lệ sống là 35%; bị ung thư CTC giai đoạn IV: tỷ lệ sống chỉ từ 5-10%.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đọc mẫu phết tế bào để phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh: B. NGỌC

Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư CTC. Trong các chủng virus HPV, HPV giai đoạn type 16 và type 18 là loại nguy cơ cao. 70% trường hợp ung thư CTC là do 2 chủng virus này gây ra. Hiện nay, đã có một số nước áp dụng chủng ngừa nhiễm HPV. Nguyên nhân khác gây nguy cơ ung thư CTC là do nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm do Herpes nhóm 2 và giao hợp sớm (dưới 17 tuổi), giao hợp với nhiều người. Ngoài ra, những yếu tố như: tình trạng kinh tế xã hội thấp, hút thuốc lá nhiều, suy giảm miễn dịch (AIDS),... cũng có nguy cơ dẫn đến ung thư CTC.

Ung thư CTC ở giai đoạn tổn thương tiền xâm lấn được chia thành 3 mức độ: dị sản nhẹ (CIN1), dị sản trung bình (CIN2), dị sản nặng (CIN3). Nguy cơ dị sản diễn tiến tới ung thư xâm lấn CTC là một tiến trình không thể đoán trước được. Tùy cơ địa từng người mà tiến trình này sẽ khác nhau. Dị sản nhẹ có thể tự biến mất nhưng cũng dễ diễn tiến trở thành ung thư CTC nếu như kèm theo nhiễm HPV type 16 và type 18. Diễn biến dị sản không nhất thiết phải theo một trình tự từ nhẹ đến nặng và diễn tiến thành ung thư CTC mà có thể từ dị sản nhẹ trở thành ung thư CTC. Dị sản nặng càng ít có khả năng tự biến mất để trở về bình thường.

Để phát hiện sớm ung thư CTC, cần phối hợp nhiều biện pháp chẩn đoán tổn thương tiền ung thư xâm lấn:

- Thứ nhất là thăm khám lâm sàng. Cần lưu ý, thông thường phụ nữ không có biểu hiện, triệu chứng gì, đôi khi có dịch âm đạo bất thường do tình trạng viêm nhiễm âm đạo kèm theo.

- Thứ hai là phết tế bào CTC. Nếu tiến hành đúng kỹ thuật, kết quả bình thường, có thể kết luận giảm nguy cơ ung thư CTC 45%. Trong cuộc đời người phụ nữ, nếu phết tế bào CTC 9 lần đều cho kết quả bình thường thì giảm đến 99% nguy cơ ung thư CTC. Vì vậy, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ. Phụ nữ đã lập gia đình cần khám ít nhất 3 lần (mỗi năm 1 lần), nếu kết quả bình thường thì có thể định kỳ 3 năm khám một lần đến 35 tuổi và khám định kỳ 5 năm một lần đến 60 tuổi.

Ngoài ra, có thể thử nghiệm chẩn đoán tiền HPV, soi CTC nếu như kết quả phết tế bào CTC bất thường. Nếu kết quả không rõ ràng, nên tiến hành sinh thiết CTC, nạo kênh CTC hoặc phẫu thuật khoét chóp CTC để chẩn đoán tổn thương...

Khi phát hiện sớm ung thư CTC, có thể áp dụng các phương pháp điều trị: cắt lạnh, đốt laser, đốt điện, cắt một phần CTC hoặc cắt tử cung (đối với phụ nữ đã có đủ số con và có bệnh lý tử cung kèm theo).

Để phòng ngừa ung thư CTC, cần phòng chống các bệnh lây lan qua đường tình dục, không quan hệ tình dục sớm, không hút thuốc lá... Ngoài ra, hạn chế các yếu tố tạo thuận lợi cho ung thư phát sinh, như: sinh đẻ nhiều, viêm CTC mãn tính, lấy chồng sớm, nhiều bạn tình... Phụ nữ nên khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào âm đạo tầm soát bệnh ung thư CTC theo định kỳ. Ung thư CTC có thể phòng ngừa được, và có thể chữa trị khỏi nếu phát hiện sớm. Ở một số nước đã nghiên cứu và áp dụng điều trị dự phòng.

  • Bác sĩ Chuyên khoa II CAO VĂN NHỰT
    (Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ)  
Chia sẻ bài viết