06/08/2018 - 21:41

Ứng phó trong mùa mưa bão 

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận định: Những năm gần đây, thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.  Ông Nguyễn Trường Sơn,  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu: Các tỉnh, thành khu vực Nam bộ, ĐBSCL cần nhanh chóng rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro; có kế hoạch phòng, chống thiên tai cũng như phương án ứng phó với lũ lớn, bão mạnh và siêu bão. Bên cạnh đó, các địa phương cũng lập phương án kiểm soát tàu thuyền hoạt động trên biển, vùng cửa sông ven biển; đầu tư nâng cấp, bổ sung khu neo đậu tàu thuyền; lập phương án sẵn sàng sơ tán dân, nhất là ở khu vực cửa sông, ven biển để hạn chế thiệt hại về người khi thiên tai xảy ra…

Thiên tai khốc liệt

Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 7, các  thiên tai trên cả nước tiếp tục xảy ra làm 109 người chết và mất tích; 483 nhà bị cuốn trôi; 18.568 nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời; 90.819ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại kinh tế lên đến 2.500 tỉ đồng. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết: “Từ đầu năm 2018 đến nay, các đợt mưa lớn đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên cả nước. Trong đó, khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng là vùng đất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, chịu tác động có liên quan đến việc khai thác tài nguyên nước của sông Mê Công...”.

Lực lượng cứu hộ là bộ đội, công an, dân phòng quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ giúp người dân dọn dẹp nhà cửa do lốc xoáy gây ra.

Các tỉnh thành Nam bộ đã có kế hoạch và phương án khắc phục, phòng chống thiên tai. Cụ thể 13/19 tỉnh, thành có kế hoạch phòng chống thiên tai; 18/19 tỉnh, thành có phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; tất cả 19 tỉnh, thành đều có phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Các tỉnh, thành làm tốt như TP Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre nhận định rõ nguy cơ thiên tai trên địa bàn, tác động của BĐKH; xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai; bố trí nguồn lực thực hiện, tổ chức thực hiện tốt công tác ứng cứu…

Ở TP Cần Thơ, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Cả năm 2017, địa phương chỉ xảy ra 2 trận lốc xoáy, nhưng chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 20 đợt lốc xoáy, làm sập 30 căn nhà, tốc mái 156 căn; xuất hiện 16 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà và 43 căn nhà bị ảnh hưởng một phần. Tổng thiệt hại kinh tế trên 40 tỉ đồng. Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Khi thiên tai xảy ra, thành phố và địa phương đã tổ chức ứng phó kịp thời, huy động lực lượng khắc phục hậu quả, giúp người dân bị ảnh hưởng giảm nhẹ tác hại của thiên tai. TP Cần Thơ cũng đã chi hàng trăm triệu đồng từ quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ, giúp người dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống”.

Để giảm nhẹ thiệt hại 

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2018, sẽ có khoảng 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó, từ 4 đến 5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta. Đồng thời, năm 2018, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2017, như: số cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn về số lượng; lũ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên; nước lũ ở ĐBSCL bắt đầu xuất hiện từ nay đến khoảng tháng 10-2018; những tháng mùa mưa tới có khả năng xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy...

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu các cơ quan, địa phương triển khai phương án phòng tránh từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phải rà soát lại phương tiện cứu hộ, cứu nạn, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương; đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình cấp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt như chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa, dự án quan trắc dự báo sạt lở đất, công trình ngăn mặn, công trình hạn chế sạt lở, bảo vệ đê bao và sản xuất, mở rộng hệ thống cảnh báo sóng thần, siêu bão tại các tỉnh ven biển... Các địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai phải phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng miền, trong đó lấy phòng tránh là chính.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những tháng cuối năm 2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp ứng phó mưa, lũ, sạt lở và các đợt triều cường dâng cao trên sông Hậu đến các phường, xã, thị trấn; theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, lũ, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư, khu vực sản xuất, các cồn trên sông Hậu… Đồng thời, các địa phương lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở cao; tuyên truyền, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc; tổ chức đưa rước học sinh tại các vùng ngập sâu; triển khai các điểm giữ trẻ, các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông cũng như tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa lớn, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời ứng cứu khi sự cố xấu xảy ra...

Năm 2017, bão lụt cả nước làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 60.000 tỉ đồng. Từ năm 2010 đến nay khu vực Nam bộ xảy ra 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786km (trong đó có 49 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 266km). Riêng năm 2017, thiên tai đã làm 28 người chết và mất tích, 46 người bị thương; sập 937 căn nhà; trên 4.730 căn nhà bị tốc mái và thiệt hại một phần; sạt lở bờ sông, bờ biển trên 172km; trên 12km đê bao, bờ bao bị sạt trôi, hư hỏng; thiệt hại trên 68.000ha diện tích lúa, 4.700ha diện tích rau màu… Tổng thiệt hại về kinh tế trên 900 tỉ đồng...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết