18/11/2018 - 16:06

Đồng bằng sông Cửu Long

Ứng dụng nhiều giải pháp phòng chống sạt lở 

Sạt lở càng nhanh

Bộ NN&PTNT nhận định, từ năm 2010 đến nay, tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội tại khu vực. Đến nay, ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786km. Riêng sạt lở bờ sông là 513 điểm, chiều dài 520km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm 55 điểm, chiều dài 173km, bờ biển sạt lở nguy hiểm 20 điểm, chiều dài 98km. Tình trạng sạt lở đã làm suy thoái rừng ngập mặn tương đối lớn, những năm gần đây diện tích rừng ngập mặn giảm 10%, tương đương với trên 28.378ha. 

Người dân tấn bao tải cát, hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn.

Cà Mau là một trong những địa phương chịu tác động nhiều bởi tình trạng sạt lở, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 112 vụ sạt lở, với chiều dài trên 3,5km, sụp đổ 136 căn nhà, ước thiệt hại trên 8 tỉ đồng. Tỉnh Cà Mau cũng thống kê hiện có 37 điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 30km; sạt lở bờ biển Tây và biển Đông chiều dài trên 20km. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở đất ven sông ở Cà Mau sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian qua, các địa phương đã phân công cán bộ quản lý địa bàn, theo dõi để nắm bắt tình hình, thông tin nhanh và báo cáo kịp thời để địa phương tập trung khắc phục nếu sự cố xấu xảy ra…

Ở TP Cần Thơ, từ năm 2010 - 2017 đã xảy ra 153 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 6.119 mét, làm chết 4 người, bị thương 5 người, hư hại hoàn toàn 53 căn nhà, ước tổng thiệt hại trên 20 tỉ đồng. Riêng, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố xảy ra 16 điểm sạt lở, làm sụp hoàn toàn 10 căn nhà, 43 căn bị sụp một phần, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 586 mét, ước tổng thiệt hại trên 33,6 tỉ đồng… Còn ở tỉnh An Giang, thời gian qua chịu nhiều thiệt hại do sạt lở, nhưng hiện nay vẫn còn đến 51 đoạn sông được cảnh báo cao, gồm: 11 đoạn dọc sông Tiền, 26 đoạn trên sông Hậu, 1 đoạn sông Bình Di, 2 đoạn sông Châu Đốc, 2 đoạn sông Vàm Nao, 4 đoạn kênh Xáng Tân An, 5 đoạn kênh Ông Chưởng. Tổng chiều dài các đoạn nguy cơ sạt lở khoảng 162,6km (trên tổng số 400km đường bờ sông), gây ảnh hưởng, đe dọa cho hơn 20.000 hộ dân, trong đó có 5.380 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở…

Giải pháp ứng phó

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Thiên tai diễn biến rất khốc liệt, dị thường cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là hạn hán tại ĐBSCL cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Năm 2017, bão lụt, làm 386 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 60 ngàn tỉ đồng…Từ đầu năm 2018 đến nay, các đợt mưa lớn đã gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nặng nề về sạt lở, do đó giải pháp phòng tránh đang cần các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện”.

Đoạn kè sông Thốt Nốt xây dựng hoàn thành, góp phần chỉnh trang đô thị, phòng tránh sạt lở bờ sông.

Thực hiện kế hoạch phòng chống sạt lở và di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, năm 2018 và các năm tiếp theo TP Cần Thơ sẽ đầu tư xây dựng 9 tuyến kè bảo vệ bờ, với tổng chiều dài gần 22km; tổng mức đầu tư khoảng 2.441 tỉ đồng. Các dự án này có trên 1.000 hộ dân được di dời đến nơi ở ổn định... Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung kinh phí để thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở tại sông Ô Môn, với tổng kinh phí trên 420 tỉ đồng; thực hiện thí điểm trồng bần chống sạt lở dọc các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn. Giai đoạn từ năm 2020-2030, thành phố cũng tiếp tục sắp xếp, bố trí ổn định nơi ở, tạo điều kiện sinh sống an toàn cho 9.353 hộ dân, với 37.306 nhân khẩu sống dọc kênh, rạch. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 thực hiện bố trí ổn định cho 5.309 hộ, đến 2030 là 9.000 hộ. Các hộ dân này được di dời đến 6 cụm, tuyến dân cư ở quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ; bố trí xen ghép vào tuyến dân cư trên địa bàn 33 xã, phường, thị trấn; ổn định nơi ở tại chỗ trên địa bàn 25 xã, phường, thị trấn...

Thời gian qua, tỉnh An Giang cũng áp dụng nhiều giải pháp công trình và phi công trình hạn chế sạt lở. Ông Lương Huy Khanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết: “Đối với giải pháp công trình, An Giang chủ yếu thực hiện 3 giải pháp chính là: kè mái nghiêng kết hợp 3 vật liệu (bê tông tấm lát, thảm đá, bao tải cát); kè mái nghiêng kết hợp 2 vật liệu (thảm đá, bao tải cát); kè tường chắn và kết hợp mái nghiêng. Giải pháp phi công trình như: trồng cỏ bảo vệ mái, rào chắn giảm sóng tác động bờ; trồng cây chắn sóng; di dời những hộ dân ra ngoài phạm vi có nguy cơ sạt lở…”. Còn ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai công trình gây bồi tạo bãi bảo vệ bờ biển bằng giải pháp kè mềm Geotube. Bước đầu, kè mềm Geotube đã phát huy hiệu quả, giảm sóng vào bờ, đồng thời sau hơn 1 năm sử dụng, bãi biển Gò Công Đông đã bồi thêm từ 0,7m đến 1,4m.     

Bộ NN&PTNT khuyến cáo: các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần cập nhật bản đồ cảnh báo sạt lở để kịp thời theo dõi, xử lý nghiêm nhà xây dựng trái phép ven sông, kênh, rạch, từng bước di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, thời gian qua nhiều công trình của Trung ương, địa phương đã được triển khai thực hiện tại khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả thì cũng có những công trình còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là phải thực hiện giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức xúc của từng địa phương…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết