25/05/2012 - 19:33

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TP CẦN THƠ

Ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ bệnh nhân

Bác sĩ La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang thăm khám một bệnh nhân được phẫu thuật nội soi viêm túi mật cấp do sỏi.

Thời gian qua, phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều đề tài mang tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của bệnh nhân. Với các điều kiện thuận lợi về trang thiết bị y tế, sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã mạnh dạn đăng ký sáng kiến, sáng chế, vừa nâng cao tay nghề vừa góp phần phục vụ cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BV, đa số đề tài NCKH ở đây đều đã được ứng dụng và thu được nhiều kết quả khả quan. Trung bình mỗi năm, BV triển khai, nghiệm thu 20 đề tài và số lượng đăng ký ngày càng tăng. Năm 2007, BV có 12 đề tài, năm 2011, BV có 26 đề tài được nghiệm thu. Từ đầu năm 2012 đến nay, có 35 đề tài đăng ký với 5 đề tài cấp thành phố, BV đã xét duyệt đề cương 12 đề tài. Năm nay, BV Đa khoa TP đang liên kết với một số BV tuyến huyện để triển khai các đề tài cấp thành phố. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự cho biết: “Các đề tài phân bổ đều ở các khoa, ứng dụng kỹ thuật tại chỗ, tập trung đi vào công tác chuyên môn như những kỹ thuật điều trị bệnh, xét nghiệm, điều dưỡng... Đội ngũ làm công tác nghiên cứu của BV trẻ, nhiều người có trình độ sau đại học nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận các kỹ thuật mới”.

Một trong những công trình NCKH được đánh giá cao là đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị phẫu thuật nội soi viêm túi mật cấp do sỏi tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ” do Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc BV và cộng sự thực hiện. Vừa qua, đề tài này đã giúp bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa đạt loại xuất sắc đề tài tốt nghiệp chuyên khoa II. Theo bác sĩ Nghĩa, đội ngũ làm đề tài đã tốn rất nhiều thời gian, công sức, theo dõi 139 bệnh nhân viêm túi mật cấp do sỏi được phẫu thuật nội soi cắt túi mật trong thời gian từ tháng 1-2009 đến tháng 10-2010 tại BV. Qua số liệu khảo sát về các triệu chứng lâm sàng, thời gian mổ kể từ khi nhập viện, tỷ lệ thành công, biến chứng sớm sau mổ..., nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả sau mổ rất khả quan: 117 trường hợp đạt loại tốt (84,17%), còn lại loại khá, không có trường hợp nào phải mổ lại, không có tai biến nặng hoặc tử vong. Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: “Viêm túi mật cấp do sỏi là một bệnh thường gặp trong cấp cứu ngoại khoa gan mật. Trong tình trạng viêm túi mật cấp do sỏi, nhiều nghi vấn được đặt ra như cắt túi mật nội soi có nhiều khó khăn, tai biến hơn không? Ở trong nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổng kết vấn đề này chưa nhiều, vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu. Đề tài này mang tính thiết thực cao vì ứng dụng phương pháp kỹ thuật hiện đại giúp người bệnh khắc phục thời gian nằm điều trị, xuất viện sớm. Với ưu điểm đường mổ nhỏ nên thời gian hồi phục nhanh, giảm đau sớm, ít bị tai biến. Thực tế đã chứng minh phẫu thuật nội soi an toàn, hiệu quả nên được chọn ở đa số bệnh nhân viêm túi mật cấp do sỏi”. Hiện BV Đa khoa TP đã chuyển giao kỹ thuật đề tài này cho hai BV tuyến quận là Ô Môn, Thốt Nốt để giúp người bệnh ở xa gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc điều trị bệnh.

Đề tài “Nghiên cứu giảm đau trong chuyển dạ bằng gây tê ngoài màng cứng liên tục tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ” do bác sĩ Phạm Thiều Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê hồi sức cùng cộng sự thực hiện từ tháng 9-2009 đến tháng 5-2011, cũng đang được ứng dụng tại BV, được nhiều người ủng hộ. Theo bác sĩ Phạm Thiều Trung, đây là phương pháp đáp ứng nhu cầu bức thiết của sản phụ là làm giảm các cơn đau ở mức thấp nhất trong lúc chuyển dạ, giúp tâm lý người bệnh thoải mái, không bị stress, vững tin hơn để sinh con, vì vậy quá trình chuyển dạ cũng nhanh hơn.

Tuy nhiên, phương pháp này phải có điều kiện chỉ định phù hợp như tiên lượng bệnh nhân sinh đường âm đạo, chỉ số Bishop ³ 7 điểm, sản phụ phải chuyển dạ ở giai đoạn hoạt động (cổ tử cung phải mở từ 4 phân trở lên), bệnh nhân không có chống chỉ định gây tê ngoài màng cứng như rối loạn đông máu, viêm da vùng cột sống, nhiễm trùng huyết... Bác sĩ thực hiện gây tê ngoài màng cứng ở vùng cột sống thắt lưng 4-5 hoặc 3-4, đặt ống thông vào khoan ngoài màng cứng và cố định ống, sau đó bơm thuốc tê vào để ức chế cảm giác đau, bơm liên tục với nồng độ và liều lượng phù hợp đến khi sản phụ sinh. Điều đặc biệt của phương pháp này là giảm đau nhưng không giảm tác dụng cơn co tử cung, sản phụ vẫn rặn sinh bình thường theo sự chỉ huy của bác sĩ. BV Đa khoa TP đã chuyển giao kỹ thuật cho BV Thốt Nốt, triển khai trên 100 ca, được đánh giá tốt, an toàn cả mẹ và con. Dự kiến cuối năm nay, BV sẽ chuyển giao kỹ thuật này cho BV Ô Môn.

Ngoài 2 đề tài trên, thời gian qua, nhiều đề tài khác của cán bộ, y bác sĩ trong BV cũng đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng, đạt kết quả tốt. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP, cho biết: “Ngoài trích nguồn quỹ phát triển sự nghiệp hỗ trợ công tác nghiên cứu, BV còn mời các thầy thuốc có uy tín tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh đến tổ chức những chuyên đề cập nhật kiến thức cho y, bác sĩ trong bệnh viện ở các lĩnh vực nội, ngoại khoa, sản, nhi, phẫu thuật, gây mê... Sắp tới, lãnh đạo BV sẽ tiếp tục tạo điều kiện để những nhân viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học phát huy khả năng của mình, nghiên cứu những phương pháp mới trong việc điều trị bệnh để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết