05/09/2018 - 21:04

Ứng dụng công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt 

Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ chế biến vào sản xuất kinh doanh để nâng giá trị và thương hiệu nông sản Việt là hướng đi được nhiều doanh nghiệp TP Cần Thơ triển khai áp dụng. Hướng đi này đã tạo bước tiến mới, không chỉ giúp doanh nghiệp làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mà còn tăng sức cạnh tranh thị trường cho nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Khách hàng dùng thử các sản phẩm cá sấy khô của Công ty TNHH MTV TM Minh Đức Thành tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bước tiến mới

Để phát triển và làm nên bước tiến mới, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở TP Cần Thơ đã không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM Minh Đức Thành, quận Thốt Nốt, cho biết: Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu nuôi cá tra theo quy trình GAP để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, thị trường cá tra luôn biến động, “lúc thịnh, lúc suy”, nhiều lúc, doanh nghiệp phải bán cá quá lứa hay cá bị ngộp với giá lỗ vì không có điều kiện để chế biến. Để không còn lệ thuộc thị trường, doanh nghiệp đã bứt phá bằng cách đầu tư, ứng dụng công nghệ sấy, làm nên mặt hàng cá tra sấy khô, cá tra một nắng và cá tra sấy ăn liền, phục vụ cho thị trường nội địa là chủ yếu. Không chỉ tập trung đầu tư công nghệ sấy cho sản phẩm cá tra sấy, doanh nghiệp còn phát triển thêm mặt hàng cá lóc sấy, cá điêu hồng, cá rô phi… mang thương hiệu KOCANA (khô cá nạc), với khả năng cung ứng ra thị trường 1.200tấn/năm. Theo ông Nguyễn Minh Phương, hầu hết các sản phẩm  KOCANA được sản xuất theo chuỗi khép kín, đạt chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, VietGAP và ISO 22000: 2005. Song, để KOCANA trở thành thương hiệu quen thuộc và chinh phục được người tiêu dùng, doanh nghiệp đã nỗ lực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao… Qua các hoạt động hội chợ và xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc khách hàng và hiểu thị hiếu của người dân ở khắp các vùng miền, từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp, từng bước nâng giá trị và vị thế thương hiệu KOCANA trên thị trường.

Song song với việc ứng dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm còn thực hiện liên kết với người sản xuất theo chuỗi khép kín, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ. Ông Nguyễn Cao Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH cung ứng sản phẩm gia đình BNQ, quận Bình Thủy, cho biết: Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng, năm 2017, công ty đã đầu tư cơ sở chế biến chả cá lóc đồng đóng gói với tên gọi chả cá lóc đồng Nam bộ. Các sản phẩm chả cá lóc đồng Nam bộ hoàn toàn không sử dụng hàn the và chất bảo quản, thích hợp chế biến nhiều món ăn đặc trưng, như: lẩu, nấu canh, tẩm bột chiên xù, nướng hoặc sốt cà… Hiện, phần lớn các sản phẩm chả cá lóc của công ty được đóng gói với trọng lượng phổ biến 300gram/gói và được phân phối cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và người tiêu dùng trong thành phố. Theo ông Nguyễn Cao Thiện, để đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm, từ nuôi trồng đến bàn ăn, doanh nghiệp đã liên kết với nhiều hộ nuôi cá lóc đạt chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Ô Môn; đồng thời kiểm soát kỹ khâu bảo quản nguyên liệu, sơ chế, chế biến, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, chỉ hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay, chả cá lóc đồng Nam bộ đã từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng lẫn hình thức và được nhiều khách hàng biết đến.

Theo ông Nguyễn Cao Thiện, xác định chả cá lóc đồng Nam bộ là sản phẩm có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển, nên doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường, tiến tới áp dụng tiêu chuẩn HACCP; đồng thời quan tâm gắn kết với hộ nuôi theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, củng cố và phát triển thị trường.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt đã không ngừng đầu tư trang thiết bị và áp dụng các tiêu chuẩn và công nghệ mới trong dây chuyền sản xuất, tạo nên những thành phẩm có giá trị gia tăng. Cùng với đó, TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều chương trình, hành động thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh để nâng chất lượng và tỷ trọng cho các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Ngành nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh phát triển các vùng nuôi thủy sản, áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, BMP, SQF... nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện toàn thành phố có 2 HTX nuôi cá tra với 43 hộ nuôi tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy chế biến với diện tích khoảng 170 ha; có 8 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra và liên kết với hơn 218 hộ nuôi với diện tích trên 400ha. Song song đó, ngành nông nghiệp thành phố còn đẩy mạnh liên kết vùng sản xuất nguyên liệu với các cơ sở chế biến thủy sản; triển khai các chính sách hỗ trợ vốn, giống,... để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, vừa khai thác những thị trường truyền thống, vừa tìm kiếm các thị trường có tiềm năng tiêu thụ đối với các mặt hàng thủy sản chế biến.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mà còn ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng chế biến những mặt hàng nông thủy sản có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp triển khai áp dụng quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn, như ISO 9000, ISO 14000-2004, SA 8000-2001... Song hành với giải pháp cải thiện sản xuất, TP Cần Thơ còn khuyến khích các doanh nghiệp củng cố thị trường nội địa thông qua phát triển mạng lưới phân phối và mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng, tạo dựng lòng tin với khách hàng, phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng ổn định và đủ sức cạnh tranh thị trường trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết