17/09/2018 - 16:04

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe “nở nồi” ở Đông Nam Á 

Bayu Surya, 28 tuổi, là một biên tập viên làm việc ở Thủ đô Jakarta (Indonesia). Anh bị các vấn đề về mắt do ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ mỗi ngày. Nghe theo lời khuyên từ một bác sĩ, Surya gần đây đã chuyển sang sử dụng ứng dụng tư vấn sức khỏe Halodoc thay vì đến phòng khám.

Một người dùng sử dụng Halodoc để tham khảo ý kiến bác sĩ. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo tờ Nikkei Asian Review, Halodoc cho phép Surya chọn ra một bác sĩ trong danh sách có sẵn, sau đó thực hiện cuộc gọi video với bác sĩ đó. Anh cũng có thể sử dụng ứng dụng này để mua thuốc. “Ở Jakarta, do lưu lượng giao thông cao, tôi rất khó đi đến phòng khám nhưng ứng dụng này giúp cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn” – Surya nói.

Do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng, tư vấn trên các ứng dụng như Halodoc đang trở nên phổ biến hơn. Dù các ứng dụng chăm sóc sức khỏe như thế này chỉ có thể đưa ra các tham vấn cơ bản nhưng chúng được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe ở các vùng xa xôi, hẻo lánh. Halodoc được Giám đốc điều hành Jonathan Sudharta, vốn từng là trình dược viên, thành lập vào năm 2016. Halodoc hiện có khoảng 2 triệu người dùng và một cơ sở dữ liệu gồm 20.000 bác sĩ. Phí tư vấn của Halodoc dao động từ 25.000-75.000 rupiah (khoảng 1,7-5 USD), thấp hơn nhiều so với phí tư vấn trực tiếp tại phòng khám truyền thống. Mỗi ngày, Halodoc tiếp nhận hàng ngàn cuộc tham vấn, ứng dụng này lấy từ 5-25% phí tư vấn tùy thuộc vào hợp đồng với bác sĩ.

Ứng dụng trên cho phép người dùng liên kết tài khoản của họ với cơ quan bảo hiểm, họ do đó có thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế. Hiện Halodoc đang cộng tác với 5 công ty bảo hiểm cũng như khoảng 1.000 nhà thuốc, nhờ đó thuốc được giao tận tay người dùng. Để có được danh sách bác sĩ “khủng” như trên, Halodoc thường mời họ đến tham dự các sự kiện ngành y tế, sau đó “bắt tay” với hiệp hội bác sĩ của Indonesia để xem họ có được cấp phép hành nghề hay không.

Trong khi đó, ứng dụng Doctor Anywhere của Singapore cũng “được mùa”. Ra mắt vào năm 2017, Doctor Anywhere là một trong những ứng dụng chăm sóc sức khỏe được yêu thích tại đảo quốc sư tử, với khoảng 50.000 người dùng và được 50 bác sĩ cộng tác. Ứng dụng này cung cấp phương pháp tư vấn bằng video với giá 14,5 USD cũng như giao thuốc tận tay cho bệnh nhân. Aisha Lin, một người dùng Singapore, cho biết tư vấn bằng video mang lại “một trải nghiệm tối ưu”. “Nếu tôi bị bệnh nhẹ và/hoặc yêu cầu thuốc theo toa, tôi thực sự không thích ở trong cùng một không gian kín như những người bệnh nặng khác, chẳng hạn như sốt cao, viêm dạ dày…” – cô Lin nói.

Tình trạng thiếu hụt bác sĩ trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng chính là yếu tố khiến các ứng dụng tư vấn sức khỏe “ăn nên làm ra”. Theo công ty tư vấn Solidiance, tổng chi phí y tế ở 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ đạt con số 740 tỉ USD vào năm 2025, tăng mạnh so với 420 tỉ USD năm 2017. Song, hầu hết các nước đều không có đủ bác sĩ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ bác sĩ trên 1.000 dân ở các nước này là khá thấp, riêng Indonesia chỉ là 0,2 trong khi tỷ lệ đó ở Đức là 4,19, Mỹ 2,56 và Trung Quốc 1,81.

Trước thị trường hấp dẫn như vậy, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Ping An Good Doctor dự kiến sẽ nhảy vào từ năm tới. Hồi tháng 8, công ty này đã công bố kế hoạch thâm nhập khu vực Đông Nam Á thông qua nhà cung cấp ứng dụng đặt xe thông minh Grab. Tính đến tháng 6, ứng dụng này có khoảng 228 triệu người dùng tại Trung Quốc. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đông Nam Á