24/11/2017 - 10:07

Tương lai nào cho Syria thời hậu IS ? 

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí ủng hộ đề xuất của Nga về việc tổ chức “Hội nghị nhân dân Syria”, trong nỗ lực ngoại giao nhằm kết thúc cuộc nội chiến bước sang năm thứ 7 ở quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) tiếp đón 2 người tương nhiệm Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi hôm 22-11. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sau cuộc gặp với hai người tương nhiệm Iran Hassan Rouhani và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại khu nghĩ dưỡng Sochi (Nga) hôm 22-11. Theo chủ nhân Điện Kremlin, hội nghị sẽ tập hợp các đại diện của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập trong và ngoài nước “để thảo luận về những vấn đề của nhà nước tương lai”. Mát-xcơ-va muốn hội nghị này diễn ra tại Sochi trước khi vòng đàm phán mới do Liên Hiệp Quốc (LHQ) bảo trợ khai mạc ở Geneva, Thụy Sĩ (28-11).

Trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang sụp đổ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang hợp tác để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến Syria, mặc dù Ankara ủng hộ các tay súng nổi dậy, bất đồng với Mát-xcơ-va và Tehran. Tổng thống Putin khẳng định hội nghị sẽ giúp thúc đẩy các cuộc hòa đàm do LHQ bảo trợ ở Geneva vốn bế tắc qua nhiều vòng đàm phán. Tổng thống Erdogan tin rằng sẽ có những quyết định quan trọng được đưa ra ở hội nghị này.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, 3 nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh yêu cầu đối với tất cả các bên trong cuộc xung đột Syria là phóng thích tất cả tù nhân và con tin, trao trả các thi thể và tìm kiếm những người mất tích để giúp tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn kéo dài và khởi động các cuộc đàm phán chính trị. Về phần mình, Chính phủ Syria hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội nghị của Nga. Trước đó một ngày, Tổng thống Assad đã có chuyến thăm bất ngờ tới Nga và hội đàm với ông Putin cũng tại Sochi. Trong cuộc điện đàm giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21-11, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của tiến trình hòa bình Syria do LHQ dẫn đầu. Tổng thống Nga cho rằng ông Assad xác nhận cam kết đối với những cải cách chính trị ở Syria, bao gồm sửa đổi Hiến pháp. Nhà lãnh đạo Syria cũng ủng hộ ý tưởng tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội như một phần của quá trình chuyển tiếp chính trị.

Tuy nhiên, số phận của Tổng thống Assad vẫn còn bỏ ngỏ và khả năng các bên đạt được giải pháp hòa bình tại Syria không có gì đảm bảo. Phe đối lập yêu cầu ông Assad phải ra đi ngay lập tức. Bắt đầu từ hôm 22-11, khoảng 30 nhóm đối lập cũng nhóm họp 3 ngày tại Thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) để giải quyết những bất đồng cũng như thành lập một phái đoàn chung dự các cuộc hòa đàm ở Geneva, 2 ngày sau khi thủ lĩnh Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) Riyad Hijab từ chức.

Trái với những đồn đoán rằng phe đối lập sẽ “dịu giọng hơn”, dự thảo tuyên bố cuối cùng của cuộc họp trên vẫn yêu cầu nhà lãnh đạo Syria từ bỏ quyền lực ngay trước khi bắt đầu triển khai bất cứ quá trình chuyển tiếp chính trị nào. Trong khi đó tại Sochi, Tổng thống Putin cho rằng xung đột ở Syria đang bước vào “giai đoạn mới”, nhưng ông Assad sẽ không bị “loại ra” nếu chiến tranh kết thúc.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết