29/04/2008 - 09:36

Tuổi trẻ tiếp nối truyền thống cha ông

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao lớp người đã cống hiến tuổi thanh xuân, gửi lại một phần thân thể hay mãi mãi ở lại chiến trường để đất nước được độc lập-tự do, Bắc- Nam sum họp một nhà. Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông, tuổi trẻ hôm nay tiếp tục ra sức thi đua, học tập, lao động cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, phát triển...

1. Chúng tôi đến Công ty cổ phần Dược Hậu Giang trong những ngày tháng Tư lịch sử. Khắp nơi, tiếng máy reo vang, từ kỹ sư đến công nhân đều miệt mài lao động, thi đua nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng, hiệu quả. Anh Trần Minh Luân, cán bộ phòng Nghiên cứu và phát triển, hết vào phòng nghiên cứu lại xuống các xưởng để kiểm tra qui trình sản xuất, đảm bảo cho các sản phẩm mới đang được thử nghiệm đạt chất lượng cao. Anh nói: “Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu nhiều sản phẩm mới. Với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cộng với sự phối hợp chặt chẽ của phòng nghiên cứu và các xưởng sản xuất, tin chắc rằng các sản phẩm sẽ thành công”.

Ở công ty, ai cũng biết Luân là người rất tận tụy với công việc, say mê nghiên cứu. Nhờ đó, Luân có được những thành công nhất định, nâng bước anh từ vị trí ở bộ phận sản xuất trở thành một cán bộ của phòng nghiên cứu và phát triển.

Trần Minh Luân đang khảo sát độ rã của viên thuốc tại phòng nghiên cứu. 

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp khoa Dược Trường Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, Luân về làm việc tại Xí nghiệp Liên hợp Dược Hậu Giang (nay là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang). Khởi điểm của anh là cán bộ quản lý tổ dập viên sủi bọt. Trong công việc, Luân luôn say mê tìm tòi, nghiên cứu đưa ra những sáng kiến, ý tưởng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đang sản xuất. Mọi người còn nhớ, cách đây vài năm, khi công ty tiến hành nghiên cứu sản phẩm Hapacol 650, Luân đã tình nguyện đăng ký. Bắt tay vào việc nghiên cứu, Luân ngày đêm miệt mài tìm tài liệu, khai thác mạng, làm thí nghiệm để tìm công thức tối ưu cho sản phẩm. Sau vài tháng nỗ lực, sản phẩm thử được ra đời, thế nhưng không đạt chất lượng, mọi việc phải nghiên cứu lại từ đầu. Không nản lòng, Luân kiên trì nghiên cứu lại công thức, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng cường xưởng sản xuất để giám sát qui trình sản xuất. Cuối cùng sản phẩm đã thành công.

Những đề xuất, sáng kiến của Luân dần dần được lãnh đạo công ty chú ý, đánh giá cao. Năm 2006, Luân được điều về phòng nghiên cứu và phát triển. Trong môi trường, điều kiện mới Luân làm việc say mê. Hết giờ ở công ty, thời gian ở nhà Luân nghiên cứu thêm tài liệu, khai thác mạng, tìm đồng nghiệp để trao đổi, cập nhật kiến thức. Vì vậy, chỉ sau một năm về phòng nghiên cứu Luân đã thực hiện nhiều sáng kiến. Đặc biệt trong năm 2007, Luân đã nghiên cứu thành công 4 sản phẩm mới làm lợi cho công ty 500 triệu đồng.

Say mê công việc, nhiều năm liền Luân đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2007, Luân được bầu chọn là chiến sĩ thi đua. Cũng trong năm 2007, Luân đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Luân tâm sự: “Trở thành đảng viên, tôi luôn nhắc mình phải luôn gương mẫu trong lối sống, trong công việc, nhất là luôn học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy những sáng tạo để phục vụ cho công ty”.

*

* *

2. “Trong chiến tranh, bao lớp người ngã xuống, tình nguyện hy sinh một phần xương máu để giành lại hòa bình, độc lập như hôm nay. Vì vậy, tuổi trẻ chúng ta phải biết trân trọng lịch sử, những hy sinh của thế hệ cha ông để từ đó ra sức học hành, lao động, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”. Đó là những lời tâm huyết của Trương Anh Vũ (sinh năm 1982), cán bộ phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - một trong 118 gương điển hình thanh niên học tập và làm theo lời Bác do Thành đoàn TP Cần Thơ xét chọn. Hiện nay, anh dồn hết tâm huyết để thực hiện nhiều đề tài quản lý tổng thể bệnh viện, quản lý kho dược... Theo Vũ, khi đề tài thực hiện thành công, sẽ góp phần thiết thực vào việc cải cách hành chính ở bệnh viện cũng như phục vụ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trương Anh Vũ đang nghiên cứu đề tài sáng kiến cải tiến. 

Sinh trưởng trong một gia đình lao động, nhưng từ nhỏ Vũ rất có chí học hành, nhất là là môn tin học. Gia đình khó khăn, không có điều kiện mua máy vi tính, Vũ phải dành dụm tiền ăn sáng của mình để thuê máy thực hành. Sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin, anh Vũ làm việc tại phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với nhiệm vụ quản trị mạng. Hằng ngày, tại bệnh viện có trên 1.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh nên rất khó quản lý. Hơn nữa việc kiểm tra thông tin bệnh nhân chậm, gây ùn tắc, phiền hà cho bệnh nhân. Vì vậy, khi lãnh đạo bệnh viện phân công thực hiện đề tài Quản lý bệnh nhân bảo hiểm y tế ngoại trú, Vũ tình nguyện đăng ký.

Vũ kể: “Do mới về bệnh viện công tác, tôi chưa biết hết căn bản, qui trình nguyên tắc hoạt động của bệnh viện, vì vậy lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn”. Để vượt qua khó khăn, Vũ phải tốn nhiều thời gian để thu thập tài liệu, mẫu báo cáo, qui trình làm việc của từng khoa. Sau khi tổng hợp các dữ liệu, trong vòng 2 tháng, Vũ đã viết xong đề tài Quản lý bệnh nhân bảo hiểm y tế ngoại trú. Nhưng khi đưa vào thử nghiệm gặp nhiều rắc rối, hiệu quả không cao, các mẫu báo cáo, số liệu chưa khớp với thực tế. Vũ phải thức ngày, thức đêm để truy cập tư liệu mới. Sau gần một năm, công trình mới được hoàn thành, đưa vào ứng dụng và đạt được những thành công nhất định. Thành công đầu tiên của Vũ đã giúp cho bệnh viện thực hiện tốt việc cải cách hành chính, phục vụ cho bệnh nhân tốt hơn. Đề tài này cũng giúp trong quá trình hoạt động tại kho dược, nhân viên quản lý kho biết được chính xác số lượng tồn trong kho để cấp phát thuốc cho bệnh nhân và có kế hoạch bổ sung khi sản phẩm gần hết, không chờ đến quá trình kiểm kho.

*

* *

3. Tôi đến Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ đúng vào lúc đảng viên, giáo viên trẻ Nguyễn Xuân Thành đang hướng dẫn học sinh tìm hiểu cấu trúc bộ xương bò. Chuông reo hết tiết đã lâu lắm, nhưng thầy trò vẫn còn miệt mài bên mô hình bộ xương bò. Áo lấm tấm mồ hôi nhưng miệng anh luôn cười tươi, tận tình giải đáp những thắc mắc của học sinh.

Thầy Nguyễn Xuân Thành (người thứ nhất bên phải) đang giảng bài cho học sinh bên mô hình bộ xương bò. 

Khi còn là sinh viên của Trường ĐHCT, tôi từng nghe thầy cô nhắc nhiều đến Xuân Thành - anh sinh viên nghèo hiếu học của Khoa Nông nghiệp, luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Giờ gặp lại anh ở một cương vị mới, tôi vẫn nhận ra ở anh sự nghiêm túc, tận tụy bên trang giáo án để truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống của ngành sư phạm, với đồng lương giáo viên hạn hẹp, cha mẹ anh Thành đã phải chắt chiu từng đồng để nuôi 4 người con ăn học. Vất vả, khó khăn, nhưng cha mẹ anh một mực khuyên các con: “Phải cố gắng học. Học để nên người, học để cống hiến”. Anh em Thành lần lượt vào đại học. Cùng với niềm sung sướng hãnh diện thì những lo toan ngày càng đè nặng lên đôi vai cha, mẹ gầy yếu. Ngày Thành vào đại học, chuyên ngành Nông nghiệp, mẹ Thành phải chạy khắp nơi hỏi mượn tiền để Thành đến trường.

Để không phụ lòng cha mẹ, vừa học, Thành vừa tranh thủ tìm việc làm thêm, từ phụ hồ đến phụ việc cho các tiệm mua bán nhỏ, kiếm tiền mua sách. Đêm đêm, khi bạn bè yên giấc, Thành lặng lẽ đọc giáo trình. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thành vẫn học giỏi và được thầy cô, bạn bè quí mến.

Ra trường, Thành nhận công tác tại Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng. Năm 2003, do hoàn cảnh, Thành xin chuyển về Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ. Có điều kiện tiếp cận tri thức mới, Thành luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh. Nhiều học sinh của anh kể: “Tiết học của thầy Thành bao giờ cũng sinh động. Thầy luôn đặt câu hỏi “tại sao”, “vì sao” để chúng em quen dần với cách học đặt vấn đề, tránh kiểu học vẹt...”.

Anh Thành trăn trở: “Nếu học lý thuyết mà thiếu thực hành thì bài giảng sẽ khô khan, học sinh rất khó tiếp thu bài. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư, chế tạo ra đồ dùng dạy học phục vụ cho việc dạy và học”. Nghĩ là làm, Thành phối hợp với các thầy cô trong khoa, làm mô hình bộ xương bò để giảng dạy cho học sinh. Công việc khá vất vả, khi đặt mua được bộ xương bò, Thành tiến hành nấu, ngâm hóa chất. “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”, Thành luôn miệt mài trong phòng thí nghiệm để gom nhặt xương, hàn tiện ốc vít để ráp xương vào đúng vị trí. Với mô hình sáng tạo của Thành và các giáo viên, mô hình bộ xương bò được ứng dụng cho nhiều môn học: Giải phẫu sinh lý, chăn nuôi trâu bò, bệnh truyền nhiễm... tạo sự hứng thú cho học sinh trong quá trình tìm hiểu bài.

Hiện Thành còn rất nhiều dự định, trước mắt là sẽ nghiên cứu sáng tạo những mô hình, đồ dùng dạy học, bên cạnh đó sẽ phấn đấu thi cao học để nâng cao kiến thức. Anh tâm sự: “Được tiếp cận những tri thức mới sẽ là điều kiện để tôi nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh”.

*

* *

Đi trên con đường rợp bóng cờ của ngày hội tháng Tư, tôi mãi suy nghĩ về những việc làm, sự hăng hái cống hiến, lòng khát khao chinh phục đỉnh cao khoa học của các bạn trẻ. Cùng với Luân, Vũ, Thành, còn lớp lớp bạn trẻ thuộc thế hệ 30-4, nguyện tiếp nối thế hệ cha ông, đang ngày đêm miệt mài bên những đề tài, công trình thanh niên góp phần phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố trẻ.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết