22/07/2018 - 07:27

Tục cúng đầy tháng, thôi nôi ở Nam bộ 

Cúng đầy tháng, thôi nôi là những nghi lễ quan trọng đầu tiên trong vòng đời của một con người. Ở đó, có ước mong của đấng sinh thành về sự khỏe mạnh, giỏi giang của con mình, có niềm tin siêu nhiên ký thác vào đấng thần linh phù hộ con mình mau ăn chóng lớn. Đó cũng là dịp để người Nam bộ chia sẻ niềm vui có thành viên mới với bà con lối xóm.

Bà con lối xóm chúc mừng bé ngày thôi nôi. Ảnh: DUY KHÔI
Bà con lối xóm chúc mừng bé ngày thôi nôi. Ảnh: DUY KHÔI

Đứa con chào đời sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau là hạnh phúc không chỉ của riêng người mẹ mà cả họ hàng, lối xóm. Ai ai cũng cầu mong cho em bé mọi điều tốt đẹp. Việc chọn cho bé một cái tên nói lên điều đó. Thông thường, cha mẹ em bé đã thầm tính chuyện đặt con tên gì ngay khi mang thai nhưng cái tên ấy được đặt chính thức ngay ngày cúng đầy tháng. Khi con chào đời, cha mẹ đặt cho con một cái tên “tạm”, tên thường gọi, gọi là “tên xấu hấy” như Chó Con, Heo Con, Khoai Lang, Hột Vịt… Cách đặt tên này xuất phát từ niềm tin rằng, trẻ con mới sinh còn yếu ớt, nên kêu cái tên không đẹp để dễ nuôi, dễ gọi.

Về phần “chính danh” được đặt trong đám đầy tháng, người Nam bộ không quá gò bó theo họ và chữ lót của dòng họ, mà lấy họ rồi chọn tên, chữ lót thật đẹp. Ví như cha tên Nguyễn Văn Hai, con thay vì đặt là Nguyễn Văn Cường thì đặt Nguyễn Hoàng Cường hay Nguyễn Ngô Hoàng Cường (Ngô là họ mẹ). Cách đặt này cho thấy tính cố kết dòng tộc trong Nam ngoài Bắc có phần khác biệt.

Trở lại chuyện tổ chức đám đầy tháng cho em bé, theo quan niệm phải là “Gái sụt hai, trai trồi một”, nghĩa là đầy tháng bé trai sẽ được tổ chức sau 1 tháng 1 ngày, còn đầy tháng bé gái tổ chức sớm hơn, tức 28 ngày. Đám đầy tháng ở Nam bộ rất vui vẻ và đầm ấm. Ngày trước, bột chợ không có nên bà con phải ngâm gạo nếp, xay bột để làm bánh. Trước ngày diễn ra đám, bà con thân cận đến nhà gia chủ để tiếp xay bột, nắn chè, chuẩn bị chế biến các món ăn, rộn ràng chỉ thua đám cưới đôi chút. Mâm tiệc ngày đầy tháng cũng không thể thiếu chè xôi. Chè chủ yếu là chè trôi nước với quan niệm như vậy đứa bé mới trắng trẻo, bụ bẫm và có duyên. Xôi được đơm khéo léo, cầu kỳ nhất là xôi ngũ sắc, vừa để cúng vừa đãi khách.

Việc tổ chức đầy tháng trước thảy là tạ ơn Mụ Bà đã ban phước mẹ tròn con vuông, sau là trình làng hai họ nội - ngoại, láng giềng xa gần về thành viên mới. Cần nói thêm rằng, sở dĩ nói “trình làng” bởi khi đứa bé còn trong tháng, người nhà rất ngại cho nhiều người thăm nom, thấy mặt. Đứa bé ra ngoài tháng đã cứng cáp, chuyện vệ sinh của mẹ con cũng sạch sẽ, ngăn nắp hơn.

Mâm cúng 12 Bà Mụ trong ngày đầy tháng rất quan trọng, cần chuẩn bị chu đáo, gồm: 12 chén chè, xôi. 12 Mụ Bà đó là:

* Mụ bà Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh);

* Mụ bà Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chuyển sanh);

* Mụ bà Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai);

* Mụ bà Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé;

* Mụ bà Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai);

* Mụ bà Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ;

* Mụ bà Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản);

* Mụ bà Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh);

* Mụ bà Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống);

* Mụ bà Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử);

* Mụ bà Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử)

* Mụ bà Nguyễn Tam Nương, coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ.

Ngoài ra, gia chủ còn chuẩn bị mâm cúng cho 3 Đức Thầy gồm 1 con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tô cháo. Ba Đức Thầy bao gồm: Thánh Sư, Tổ Sư và Tiên Sư, có quyền năng truyền dạy lễ nghi, phép tắc, chữ nghĩa, nghề nghiệp cho đứa bé. Trong mâm cúng còn có thêm mảnh hồng đơn in hình con cọp cùng trầu cau cột dính vào nhau. Sau khi cúng xong chùm giấy hình cọp và trầu cau được treo trước cửa buồng của đứa bé. Tín ngưỡng này có liên quan đến tín ngưỡng thờ cọp ở Nam bộ. Chính tâm lý kính sợ Ông Ba Mươi, người dân sợ cọp sẽ bách hại đứa trẻ nên treo lên để cầu an.

Chè xôi không thể thiếu trong ngày đầy tháng, thôi nôi. Ảnh: DUY KHÔI
Chè xôi không thể thiếu trong ngày đầy tháng, thôi nôi. Ảnh: DUY KHÔI

Nhà nghiên cứu Lư Hội (Bến Tre) đã sưu tầm một bài khấn trong lễ cúng đầy tháng. Theo đó, sau khi bày biện lễ vật, vị đứng đầu gia đình, họ tộc sẽ thắp 3 nén nhang, lầm thầm khấn vái: “Hôm nay, ngày… tháng… năm… âm lịch, ngày cháu (nội hoặc ngoại) tên là… tròn 1 tháng. Gia đình bày mâm lễ vật, cung thỉnh thập nhị Mụ Bà và tam vị Đức Ông về chứng minh nhậm lễ, tiếp tục phù trợ cho cháu… mạnh tay mạnh chân, mau lớn, hiền ngoan, phò trợ cho gia đình an vui, đầm ấm”(1).

Một nghi thức thú vị trong ngày cúng đầy tháng là nghi thức khai hoa, hay còn gọi dân dã là “bắt miếng” hay “móc miếng”. Người được chọn thực hiện nghi thức này phải là người có uy tín, được mọi người kính trọng, nói chuyện nho nhã, hữu duyên. Yêu cầu này rất quan trọng bởi có chuyện vui là khi lớn, nhiều đứa trẻ nói chuyện rất vô duyên, dễ phật lòng người khác thì ông bà lớn tuổi thường hỏi gằn: “Hồi đó ai bắt miếng bây mà bây ăn nói vô duyên dữ thần vậy?”.

Theo đó, người thực hiện nghi thức đặt đứa trẻ trên bàn giữa nhà, rót trà, thắp nhang khấn vái. Xong, họ bồng đứa bé lên, một tay cầm nhánh bông, thường nhất là bông trang, huơ qua huơ lại miệng đứa trẻ và đọc những câu này:

“Mở miệng ra cho có bông, có hoa,
Mở miệng ra cho kẻ thương, người mến,
Mở miệng ra cho có bạc, có tiền,
Mở miệng ra cho xóm giềng quý mến”

Cũng từ câu chúc này mà có ai nói chuyện vô duyên, ông bà hay rầy: “Người ta mở miệng ra có bông, có hoa còn bây mở miệng ra như dùi đục chấm nước mắm!”.

Về lễ cúng thôi nôi, gọi là đám thôi nôi, một số vùng ở Nam bộ gọi trại là tôi tôi, là lúc đứa trẻ đã bỏ được cái nôi gắn bó suốt 1 năm đầu đời, đánh dấu một bước trưởng thành mới. Phần lễ vật cúng và đối tượng cúng bái không khác đám đầy tháng là mấy. Chỉ có một nghi thức khá hay là đoán hậu vận. Đứa trẻ lúc này đã biết ngồi, được đặt trên bàn giữa, trước mặt là mâm tròn bày biện những vật dụng như cục đất, cuốn tập, cây viết, tờ tiền, cục xôi, cái kiếng soi, cây lược… Dân gian tin rằng, đứa bé bắt trúng vật gì đầu tiên thì lớn lên sẽ theo nghề tương ứng. Ví như: cây lược, cái kiếng soi thì đỏm dáng, điệu đà; cây viết, cuốn tập thì chăm học, viết lách; cục đất thì gắn với chuyện đất đai; tờ tiền thì lớn lên sẽ tiền bạc rủng rỉnh… Tuy nhiên, niềm tin này cũng chóng quên theo năm tháng bởi khi đứa trẻ trưởng thành, ít ai còn nhớ hồi thôi nôi em bắt thứ gì và có phù hợp với đoán định đó hay không.

ĐĂNG HUỲNH

(1): Lư Hội, Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre, NXB Văn hóa Dân tộc, 2009.

Chia sẻ bài viết